Dư
luận đang dậy sóng vì một bài đăng trong kỷ yếu của một cuộc hội thảo về chữ
Quốc ngữ. Tác giả của bài báo cáo đó là PGS TS Bùi Hiền. Ông cho VTC News biết
đã nghiên cứu vấn đề cải tiếng chữ Quốc ngữ đã 30 năm. Kết quả là những đề xuất
táo bạo, giảm số lượng ký tự từ 38 xuống 31 chữ bằng cách thay ng bằng q; đ
bằng d; c, k, q bằng k; ph bằng f; s, x bằng s; gi, d, r bằng z; nh bằng n’; th
bằng w; v.v. Mà đó mới chỉ là phụ âm, còn cải tiến về nguyên âm thì ông hứa hẹn
sẽ công bố vào tháng 3/2018.
Lý
do của sự cải tiến này, theo ông là chữ Quốc ngữ không triệt để theo nguyên tắc
mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu
đạt.
Không
khó để thấy rằng đề xuất của ông rất bấp bênh về mặt thực tiễn.
Trước
hết, những thay thế như ng bằng q, th bằng w, … sẽ gây khó khăn không đáng có
khi học sinh học ngoại ngữ vì chữ Việt trở thành một ngoại lệ duy nhất trên thế
giới: không có hệ chữ viết Latin nào lại gán cho các con chữ q, w một cách phát
âm như thế.
Thứ
hai, cách viết cải tiến của ông dựa vào tiếng Hà Nội, do đó việc nhập một
ch-tr, s-x, gi-d-r sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự (homograph), gây trở ngại
cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tra và cha đều viết là ca; sa
và xa đều viết là sa; gia, da và ra
đều viết là za. Đó là chưa kể tại sao lại loại trừ sự
phân biệt tr-ch, s-x, d-r vốn phổ biến ở các phương ngữ khác, viện lý do phải
căn cứ vào tiếng Hà Nội.
Thứ
ba, việc nghiên cứu 30 năm của ông về việc cải tiến chữ Quốc ngữ vẫn để lộ
khuyết điểm rất khó hiểu: của và quả
vốn đọc rất khác nhau lại đều được viết là kủa, vi phạm
cái nguyên tắc do chính ông đề ra: “mỗi
chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu
đạt”.
Thứ
tư, sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa
các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ Quốc ngữ “cũ”. Thứ năm, muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt
gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được
viết theo cách viết “cũ” sang cách
viết “mới”.
Nhưng
trên hết, cái ý tưởng giải quyết chữ viết chỉ dựa vào âm vị học chẳng qua chỉ
là làm sống dậy một cái xác tưởng đã rữa nát. Năm 1897, Hội Ngữ âm học quốc tế
ra đời và công bố hệ ký tự gọi là IPA, làm dấy lên một phong trào rầm rộ đòi
cải tiến chữ Pháp và nhất là chữ Anh vì cho rằng hai hệ chữ này không khoa học,
một âm được ghi bằng nhiều cách viết và một cách viết lại ghi nhiều âm. Từ đó
đến nay, hai hệ chữ này vẫn không thay đổi mảy may: không một cải tiến nào được
chấp nhận.
Tình
hình tương tự đối với chữ Quốc ngữ. Năm 1902 một Ủy ban cải cách chữ Quốc ngữ
được thành lập tại Hà Nội do Jean Nicholas Chéon đứng đầu, đề ra chủ trương
triệt để tôn trọng nguyên tắc mỗi chữ một giá trị ký âm. Trải qua hơn một trăm
năm, thỉnh thoảng vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ lại được nêu ra và lại tiếp tục
chết yểu. Chỉ xin đưa ra một ảnh chụp làm ví dụ: đề xuất của Nguyễn Bạt Tụy
trong Chữ và vần Việt khoa học (1949) về cải tiến chữ
Quốc ngữ thể hiện qua mấy dòng thơ Kiều.
Tác
giả Bùi Hiền cho rằng đề xuất của mình bị nhiều người phản đối vì “[…] thói quen của nhiều người vẫn chứa đựng
tính bảo thủ, phản xạ phủ nhận” và “Khi
một số cơ quan truyền thông đọc được ở đó và nhận thấy đấy là vấn đề hay và đưa
ra nhưng họ lại chưa tìm hiểu kỹ về cơ sở khoa học của nó, vì vậy khi đăng tải
lên báo chí khiến vấn đề bị "ném đá"”.
Hơn
100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh than: “Mấy
năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ quốc ngữ cho phải lẽ nhưng chẳng lý nào
bằng thói quen của người ta, cho nên tuy đã có nghị định y lối Kuốk-ngữ
tân-thứk, mà không ai chịu theo, tân thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời
cho nhiễu sự” (“Chữ quốc ngữ”, Đông Dương tạp chí, số 33, 1913).
Oan
chăng? Ngày nay, giới chuyên môn hiểu rằng chữ viết có chức năng hoàn toàn khác
với lời nói bởi một lẽ đơn giản: nó đọc bằng mắt chứ không phải nghe bằng tai,
do đó nhận diện từ ngữ qua chữ viết không giống như nhận diện từ ngữ trong lời
nói. Cho dẫu có đồng âm đi nữa, thì gia (trong gia đình) và da cho người ta một nhận
thức rất khác, gợi những liên tưởng rất khác. Và khi một hệ chữ viết tồn tại hàng
trăm năm, thì chữ viết là văn hóa, là hồn chữ.
Cho
nên, mọi cải tiến theo kiểu của ông Bùi Hiền tuy có khuấy động dư luận, nhưng
cũng như bao đề xuất tương tự, chỉ là – nói như một thành ngữ phương Tây – cơn
bão trong tách trà, sẽ mau chóng qua đi và hoàn toàn không để lại dấu vết gì.
(FB PGS TS HOÀNGDŨNG, chuyên ngành ngôn ngữ học trường Đại học Sư Phạm TPHCM 25/11/2017)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.