lundi 7 janvier 2013

Mỹ-Trung: Cuộc song đấu thế kỷ


LND : Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm « La Chine contre l’Amérique : Le Duel du siècle », tạm dịch « Mỹ-Trung : Cuộc song đấu thế kỷ » của Alain Frachon và Daniel Vernet, do nhà xuất bản Grasset phát hành tháng 10/2012. Cả hai tác giả là cựu giám đốc biên tập của tờ báo Le Monde uy tín nhất nước Pháp, chuyên gia về quan hệ quốc tế.

Trung Quốc đang Mỹ hóa, còn nước Mỹ tìm nguồn tiền từ Trung Quốc. Các tác giả đi tìm lời đáp cho câu hỏi, liệu sẽ nổ ra một cuộc xung đột vũ trang, hay là Trung Quốc sẽ cất cánh một cách hòa bình ? Có phải như Tôn Tử đã nói : « Nghệ thuật chiến tranh, là khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu » ?

Cuốn sách mở đầu bằng lời giới thiệu, với câu « Liệu chiến tranh thế giới lần thứ ba sẽ bắt đầu từ châu Á ? ». Câu cuối cùng trong tác phẩm viết rất công phu này khẳng định « Tâm chấn của trận động đất sắp tới là ở Thái Bình Dương”, với tấm bản đồ biển Nam Trung Hoa, và một loạt các quần đảo bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền : Senkaku (tranh chấp với Nhật Bản, Đài Loan), bãi cạn Scarborough (với Philippines, Indonesia, Đài Loan), Hoàng Sa (Trung Quốc kiểm soát, Việt Nam đòi chủ quyền), Trường Sa (Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei).


Thụy My sẽ lần lượt dịch một số chương trong tác phẩm bổ ích này, kính mời bạn đọc theo dõi.

Chương I
Giấc mộng Trung Hoa: Mỹ quốc

Ông Gary Locke, đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc
Ngày 02/08/2011, Gary Locke cùng với vợ và ba đứa con đến sân bay Seatle để đi Bắc Kinh. Ông Locke, 62 tuổi, vừa được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Tốt nghiệp các trường đại học uy tín nhất, là luật sư, luôn thuộc phe Dân chủ, ông từng là Bộ trưởng Kinh tế và Thống đốc bang Washington. Gary Locke là người Mỹ gốc Hoa đầu tiên giữ chức đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh: ông bà của ông có gốc gác Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Ông cưới vợ người Mỹ gốc Hoa - Mona Lee, cựu phóng viên một kênh truyền hình ở vùng duyên hải phía tây Hoa Kỳ, cũng là người miền nam Trung Quốc.

Buổi sáng ngày 2/8 ấy, gia đình Locke đến sớm. Tại sân bay, cả nhà cũng qua vòng kiểm soát an ninh như tất cả mọi người. Đại sứ mặc chiếc áo khoác màu xanh, thắt cà vạt màu hoa cà và mặc chiếc quần tây bằng vải kaki dày, mà những người khá giả theo phong cách thoải mái thường mặc vào cuối tuần. Cùng với người vợ Mona Lee có ngoại hình xinh đẹp của vùng duyên hải Thái Bình Dương và ba đứa con gần đến tuổi vị thành niên, năm người trong gia đình ông Locke có cái vẻ cuốn hút của một gia đình Mỹ trung lưu.

Đại sứ cùng với con gái thơ thẩn ngắm tủ kính này đến tủ kính khác của khu thương xá mênh mông chạy dọc theo đường dẫn đến cửa nhập khẩu dành cho hành khách chuyến bay. Ông bước vào một quán cà phê Starbuck và mua một thức uống. Ông trả tiền. Như tất cả mọi người.

Tân đại sứ dẫn con gái nhỏ vào quầy thức uống
Điều mà gia đình Locke không biết được, là họ đã bị ghi hình, có lẽ là từ một người Trung Quốc hay một người Mỹ gốc Hoa nào đó. Vừa quay xong, thì người paparazzi này đã tung ngay lên mạng YouTube. Không đến một giây sau, những hình ảnh này đã chinh phục được thế giới mạng Trung Quốc và hàng trăm triệu cư dân mạng vẫn vào internet hàng ngày. Vị đại sứ trở thành vơ-đét của cư dân Trung Quốc trên mạng.

Khi đến Bắc Kinh, ông vẫn chưa hay biết gì. Vai đeo túi ba lô, tay nắm một đứa con, các thành viên còn lại của gia đình ở phía trước, ông đi tìm hành lý và đẩy ra trên chiếc xe. Cũng như mọi người khác. Một lần nữa ông lại bị quay phim và tung ngay lập tức lên internet. Huyền thoại Gary Locke đã được khai sinh.

Gia đình ông Gary Locke tại sân bay
Tất cả những gì nơi ông đều thu hút, từ cung cách không quan tâm nghi thức, đi nhậm chức theo kiểu một hành khách thông thường, cho đến hình ảnh một người cha gương mẫu. Những lời bình trên mạng ở Trung Quốc thấy nơi ông “một bài học cho các nhà lãnh đạo của chúng ta”. Ông biểu hiện những điều “không thể hình dung được ở đây”, nơi mà một cán bộ cấp trung cũng thích xuất hiện “hoành tráng” – xe công vụ đen bóng, tài xế riêng, được phục vụ tận răng, được quyền vượt lên các xe khác – một loạt các đặc quyền tách biệt họ với số đông và luật lệ chung. Gary Locke không chỉ mang lại một phong cách mới cho đất nước của tổ tiên mình, mà còn đem đến một ít hình ảnh của nền dân chủ Mỹ.

Dù có được tính toán trước hay không, sự bình dị của vị đại sứ đã hấp dẫn được nhiều triệu blogger trong nước. Hơn nữa, Gary Locke đã nhậm chức đúng vào thời điểm mà nhiều người Trung Quốc phẫn nộ trước thái độ của giai cấp đặc quyền trong nước mình: những nhà giàu mới tự cho rằng họ có quyền làm mọi thứ, và khi cần thiết thì mua chuộc tư pháp, công an; những lãnh đạo chính trị được bảo vệ bằng sự thiếu minh bạch của một hệ thống khép kín, mà dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cũng không khác gì so với thời phong kiến trước đây.

Tân đại sứ Mỹ chuẩn bị ra mắt báo chí Bắc Kinh cùng với vợ con
Ăn trưa trong một quán ăn bình dân, xếp hàng với cả gia đình để đi cáp treo tham quan Vạn lý Trường thành hay cắm nhang vào bát hương trên bàn thờ ông bà cố tại một ngôi làng ở Quảng Đông, vị đại sứ Mỹ luôn là người được cư dân mạng Trung Quốc hâm mộ.

Đảng chẳng ưa điều này chút nào. Đảng bèn tổ chức một cuộc phản công trên các phương tiện truyền thông. Trên báo chí, các cây bút xã luận chính thống khuyên răn ông Locke “nên tập trung cho công việc” thay vì chăm chút cho hình ảnh trên Net. Người ta cam đoan rằng một “người của công chúng” làm như vậy là không phù hợp - có thể hiểu là: không nên bình dân như thế! 

Một căn bệnh trẻ con của mọi chế độ chuyên chế, bắt đầu thể hiện tính hoang tưởng. Quang Minh nhật báo viết rằng ông Locke, người Mỹ gốc Hoa “có thể thu hút sự chú ý của người Trung Quốc và được cảm tình của người dân bình thường”, và tự hỏi: “Ai biết đâu chừng, có thể đây là ý đồ của Hoa Kỳ sử dụng một người gốc Hoa để kiểm soát chúng ta và gây ra hỗn loạn chính trị tại Trung Quốc?”

10 commentaires:

  1. Hay quá, mới đọc chương một mà đã mê rồi. Khi nào thì mới được đọc phần tiếp theo? Đừng để bà con nôn nhé. Cám ơn Thụy Mi nhiều.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Thật ra chỉ mới là đoạn đầu của chương 1 thôi bạn ạ. Đã dịch cả chưong nhưng chưa kịp post thì nhà có tang...Chân thành xin lỗi vì đã để bạn chờ đợi lâu như thế!

      Supprimer
  2. Thụy Mi chắc dạo này bận quá hay sao mà bỏ ko update blog để cho nó đóng bụi bặm thế này

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. TM có chuyện buồn bạn ạ. Cuộc sống sao mà mong manh...Cám ơn bạn vẫn vào blog dù đã phủ bụi thời gian.

      Supprimer
  3. Sao lâu rồi không thấy Thụy Mi đọc tin tức trên RFI nữa, Thụy Mi nghỉ rồi hỉ? hay qua ban khác?

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Vì có người thân qua đời nên TM bay về VN và ở lại trong dịp Tết, hôm nay (19/2/13)mới bắt đầu giới thiệu chương trình thời sự trên RFI trở lại. Rất cám ơn bạn đã quan tâm thăm hỏi, mong bạn tiếp tục chia sẻ trên blog, bạn nhé.

      Supprimer
  4. Xin chia buồn với TM cùng gia đình.

    RépondreSupprimer
  5. Thành thật chia buồn cùng cô Thuy My. Chúc cô an lành

    RépondreSupprimer
  6. Nguyễn Trương Đàn24 février 2013 à 14:04

    Tôi xin chia buồn với Thụy My. Tôi không biết người thân của TM là ai. Nhưng sao tôi cứ nghĩ tới một người maf tôi đã gaưpj từ đầu thâpj kỷ 90 ở Huế là bà Thụy Khuê. Khi đó tôi có dịp gặp và tiếp bà bên cạnh cầu Tràng Tiền. Hơn hai mươi năm, tôi vẫn nhiều năm theo dõi những công trình của Bà cho đến khi biết bà nghỉ hưu thì tôi lại đọc các bài nghiên cứu công phu của bà về nhiều vấn đề, nhất là loạt bài về Nhân văn Giai phẩm...Một lần nữa chân thành chia buồn với Thụy My, mong TM sớm tiếp tục những công việc raats hữu ích.

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.