dimanche 1 janvier 2012

Hoàng hôn của những tên bạo chúa


Cuối năm, dân mạng (bên Tây) kháo nhau, « dưới ấy » năm nay chật chỗ quá nhỉ. Nào Ben Laden, rồi Kadhafi, rồi mới đây lại có Kim Jong Il xuống nhập bọn.

Đại diện xứng đáng nhất của chủ nghĩa khủng bố là Oussama Ben Laden đã ra đi hết sức bất ngờ, rất « Hollywood », vào tháng 5/2011, gây kinh ngạc cho toàn thế giới, khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ bỗng nhiên « từ trên trời rơi xuống » diệt gọn. Tháng 10/2011 đến lượt Mouammar Kadhafi, cũng không kém phần ly kỳ (*). Nhưng đình đám nhất là khuôn mặt (đen) từ châu Á, Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên, như chúng ta đã biết.

Trong khi dân Bắc Triều Tiên khóc lãnh tụ kính yêu cứ như là cha chết, thì bọn tư bản phương Tây thật là bất kính. Trên mạng không có một lời thương tiếc nào, mà toàn thấy thái độ hân hoan, và phổ biến nhất là giễu cợt.

Nghiêm chỉnh thì có thể kể thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, một tên tuổi quen thuộc đối với người Việt Nam. Ngay sau khi được tin, ông tuyên bố rằng vị bạo chúa ở Bình Nhưỡng đã đẩy nhân dân của mình vào « nạn nghèo khổ khủng khiếp, đàn áp dân một cách tàn bạo trong khuôn khổ một chế độ toàn trị có một không hai trên thế giới. Trái đất trở nên tốt đẹp hơn khi Kim Jong Il không còn hiện diện ». Bản thông cáo của McCain nhấn mạnh : « Tôi chỉ có thể nói lên sự hài lòng của mình khi « Lãnh tụ kính yêu » đã nhập bầy với đồng loại là Kadhafi, Ben Laden, Hitler và Staline để được thiêu đốt dưới hỏa ngục ».

Còn hí họa, chuyện tếu, bình « loạn » thì ôi thôi đủ kiểu.

Chúng ta đã phản ứng trước cái chết của Kim Jong Il như thế nào.


01/05/2011: Aaron Ramsey ghi bàn thắng trước Manchester, và đội bóng của anh thắng 1-0.
02/05/2011 : Oussama Ben Laden bị giết chết.

19/10/2011 : Aaron Ramsey ghi bàn thắng trước O.M., và đội của anh thắng 1-0.
20/10/2011 : Muammar Kadhafi bị giết chết.

Kim Jong Il không xem trận bóng giữa Arsenal và Man City ngày 17/12/2011.
(Chú thích của người dịch : Kim Jong Il chết ngày 17/12/2011. Các chi tiết khác vì mù bóng đá nên không kiểm chứng được, hic).

Tờ China Daily của chính quyền Bắc Kinh chạy tựa trang nhất « Một người bạn đã ra đi ». Nhưng cư dân mạng Trung Quốc thì không chia sẻ « nỗi đau thương » này chút nào. Tin ông Kim Jong Il chết loan đi buổi sáng, thì đến trưa đã có đến nửa triệu comment, hầu như không có lời nào nhẹ nhàng. Có người còn « phạm thượng » mô tả nhân dạng một nhân vật hy vọng sẽ nối gót ông Kim, rất giống ông…Hồ Cẩm Đào.

(List này theo dân mạng Trung Quốc thì còn thiếu…một người)

Một chút lắng đọng cuối năm với suy tư của nhà báo Caroline Fourest trong bài viết « Hoàng hôn của những tên bạo chúa » đăng trên báo Le Monde :

Đến chóng mặt vì bấy nhiêu chiếc đầu đã rơi trong năm 2011 ! Ben Ali phải trốn ra khỏi nước, Mubarak ra tòa trên một chiếc cáng, còn Kadhafi phải đến gặp tử thần mà lâu nay ông ta vẫn sợ hãi.

Bachar Al Assad rõ ràng đã quẫn trí mất rồi, cho dù vẫn còn tại vị nhờ đàn áp đẫm máu, và ông ta sẽ phải lui bước thôi. Không một bạo chúa nào ngự trị vĩnh cửu được. Ngay cả Kim Jong Il cuối cùng cũng chịu « thăng » cho. Nhưng lại không khiêm tốn chút nào. Bởi vì trong trường hợp này, dân tộc ông ta không còn sức lực để nổi dậy lẫn ngăn lại những giọt nước mắt.

Chế độ bạo ngược tại Bình Nhưỡng không hề có điểm nào chung so với các chế độ chuyên quyền ở các nước Ả Rập, và ngay khi so sánh với chế độ độc tài Liên Xô cũ. Chúng ta đang đứng trước một dạng khác hẳn : đó là một giáo phái có 20 triệu người.

Những hình ảnh đã đến được với chúng ta có vẻ siêu thực. Cứ như là ta đã làm một chuyến đi ngược thời gian, đến một hành tinh khác, phát hiện được một phòng thí nghiệm, nơi đó một tập thể nhân loại bị nhốt kín để thực hành một cuộc thí nghiệm khổng lồ cho việc rập khuôn. Cái cách mà họ khóc lóc nhắc cho chúng ta rằng tinh thần con người sao mà mong manh đến thế, con người có thể bị lập trình, rồi phi lập trình hóa, bị thao túng đến như thế nào. Luôn luôn với cùng một công thức : một kẻ thù, một câu chuyện được dàn dựng, và nỗi sợ hãi con ngoáo ộp ấy.

Các tên bạo chúa tuy có những sắc thái và mức độ khác nhau, nhưng đều có cùng một điểm cốt lõi. Dù họ giương cao ngọn cờ quốc gia dân tộc, tôn giáo hay nhân dân, Sách Đỏ (1) hay Sách Xanh (2), họ luôn đặt ham muốn quyền lực và sự thống trị lên trên lợi ích của tất cả mọi người. Số lượng nạn nhân của họ cao đến nỗi người ta phải luôn tự hỏi, làm thế nào mà những tên bạo chúa này có thể tại vị lâu đến thế. Và trước khi rơi đài, triều đại của họ kéo dài rất lâu, thậm chí còn « được lòng dân ».

… « Nhân dân » chưa bao giờ là đám đông quần chúng, mà là một ẩn số. Sự đồng ý ngấm ngầm của đa số thụ động trước một thiểu số hoạt động, có thể khiến cho thiểu số này đàn áp họ, hoặc giải phóng họ. Chỉ cần một bè nhóm mạnh là đủ để chiếm lĩnh đỉnh cao, khủng bố lớp người ở dưới đáy, qua một chuỗi  liên tục những hành động thống trị và thái độ nhu nhược. Nhưng cũng chỉ cần một thiểu số can đảm để có thể làm tan rã cái tháp này và thậm chí lật đổ nó - một sự kiện vừa bi tráng lại vừa hữu ích. Sau một năm với bao nhiêu tên bạo chúa đã ngã xuống, năm 2012 là một thế giới của thời kỳ chuyển tiếp, nơi tất cả các giải pháp đều có thể được tính đến.

Giữa đoạn cuối của các « mùa xuân » cách mạng với khởi đầu của mùa đông hội nhập và khủng hoảng kinh tế, chiếc la bàn hoàn vũ đang đảo lộn. Biên giới giữa phương Đông và phương Tây, giữa phương Nam và phương Bắc không còn rạch ròi. Tất cả các quốc gia và các khối nước lớn, trong đó châu Âu đi đầu, cần phải đấu tranh để giữ được chỗ đứng trên thế giới, hoặc là cúi đầu nhượng bộ và ra khỏi cuộc chơi.

Trên con đường của mình, « nhân dân » không ngừng chao đảo giữa ý muốn tin vào những câu chuyện hoang đường, và ý nguyện đến với sự thật. Ở mỗi vòng xoay, cần phải chọn lựa đoạn đường nào ít gian khổ nhất... Thái độ khoan hòa đôi khi cần thiết để vượt qua nghịch cảnh, nhưng đôi khi lại dọn đường cho một bạo chúa tập sự. Làm thế nào để nhận ra được ? Nếu có một giải pháp hoàn toàn khả tín cho năm 2012, thì thật quá đơn giản ! Và ít thú vị hơn.

 (*)http://thuymyrfi.blogspot.com/2011/10/nhung-gio-phut-cuoi-cung-cua-kadhafi.html
(1) Tác phẩm của Mao Trạch Đông
(2) Tác phẩm của Kadhafi


1 commentaire:

  1. Nhưng ở VN- Có thằng Đại Tướng thương tiếc thằng chết bầm này đó cô ạ.

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.