Tháng 2/2002 nhân chuyến viếng thăm Pháp của ông Giang Trạch Dân, Tổng thống Pháp lúc đó là Jacques Chirac đã hứa không đề cập đến vấn đề nhân quyền để tránh làm bẽ mặt Chủ tịch nước Trung Quốc. Tuy nhiên khi tiếp vị quốc khách, ông Chirac diện chiếc cà-vạt có in dòng chữ « Liberté, Egalité, Fraternité » (Tự do, Bình đẳng, Bác ái – biểu trưng của nước Pháp, có nguồn gốc từ cuộc cách mạng Pháp 1789).
Trong thời gian lưu lại Pháp, ông Giang Trạch Dân có đủ thời giờ để hỏi phiên dịch xem dòng chữ ấy có nghĩa là gì.
Trước hôm lên đường về Bắc Kinh, Giang Trạch Dân nói với ông Chirac :
« Thưa ngài Tổng thống, như ngài thấy đấy, chúng tôi đã đặt mua 24 chiếc máy bay Airbus. Lần sau đừng đeo chiếc cà-vạt này nữa, chúng tôi sẽ mua bốn chục chiếc ! ».
Khi kể lại câu chuyện trên đây, tác giả Roger Faligot trong cuốn sách « Les services secrets chinois de Mao aux JO » (Cơ quan tình báo Trung Quốc, từ thời Mao Trạch Đông cho đến Thế vận hội Bắc Kinh) ghi nhận, Trung Quốc sử dụng các hợp đồng lớn để « nhử » rất hiệu quả lãnh đạo các nước phương Tây. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn có những lá bài khác.
…Mùa xuân năm 2007, cuộc chạy đua vào điện Elysée đang sôi nổi, thì tại đại sứ quán Trung Quốc ở đại lộ George-V, thủ đô Paris cũng có những cuộc họp khẩn. Từ nhiều tháng trước, đại sứ đã nhận được lệnh phải theo dõi chặt cuộc song đấu giữa hai ứng cử viên Ségolène Royal và Nicolas Sarkozy. Bà Ségolène Royal, cũng như ứng viên cánh trung François Bayrou đều đã nói rõ quan điểm là sẽ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Họ chịu ảnh hưởng của ông Jack Lang, qua chuyến đi Trung Quốc ông đã đánh hơi thấy những khía cạnh không mấy lành mạnh của Olympic này.
Bầu cử Tổng thống Pháp vừa xong, hai chuyên gia tình báo của đại sứ quán Trung Quốc tại Paris vẫn phải làm việc không ngơi nghỉ. Tân Tổng thống có thái độ thân hữu với Bắc Kinh như người tiền nhiệm hay không ? Có tin đồn là ông Nicolas Sarkozy ủng hộ Đài Loan độc lập ? Hồi đầu năm ông Sarkozy đã gặp gỡ một số nhà ly khai, qua trung gian của các nhà Trung Quốc học ở Paris ?
Và nhất là, việc ông Bernard Kouchner được giao chức Ngoại trưởng phải chăng là một dấu hiệu tiêu cực, đối với hồ sơ Tây Tạng, cũng như lệnh cấm vận vũ khí từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn ?
Tuy nhiên tại Bắc Kinh, có hai nhân vật chính đã giúp cho Hồ Cẩm Đào hiểu rằng, cho dù tân Tổng thống Pháp có nhiều điểm tương đồng với ông George Bush, vẫn có thể tin rằng một thời kỳ mới đã mở ra.
Người thứ nhất là Đới Bỉnh Quốc, Phó thủ tướng đồng thời là người đứng đầu nhóm lãnh đạo công tác Ngoại sự Trung ương, và nhóm An ninh Quốc gia của Trung ương Đảng. Ông ta luôn theo dõi rất chặt những cuộc thương lượng với tập đoàn EADS về việc mua máy bay Airbus, và biết rất rõ là có thể quyến rũ Tổng thống, bằng cách giúp vị nguyên thủ xênh xang về nước sau chuyến công du với một hợp đồng khổng lồ (Cho dù một phần của hợp đồng đó đã được hứa hẹn từ thời ông Chirac, có rất nhiều điều khoản phụ, và luôn không phải là cam kết đặt hàng chính thức).
Người thứ hai là Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Bộ Công an, sau đó trở thành ủy viên chính thức Bộ Chính trị, đã có quen ông Sarkozy khi ông còn là Bộ trưởng Nội vụ Pháp. Tháng 7/2006, ông Chu Vĩnh Khang đã đến thăm Paris và đề nghị sẽ siết chặt đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và khủng bố « trong khuôn khổ công tác chuẩn bị cho Thế vận hội 2008 », đồng thời trấn áp nạn nhập cư lậu.
Xưa nay vấn nạn người Trung Quốc nhập cư lậu vào Pháp vẫn là vấn đề hết sức nhức nhối đối với Paris. Theo tình báo Pháp, thì Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng lá bài nhập cư. Họ có thể làm ngơ cho luồng người nhập cư lậu tràn ngập, còn đối với các quốc gia được xem là « bạn bè » thì họ sẽ trấn áp để giảm bớt gánh nặng cho các nước này.
Kết quả là theo lời khuyên của các cố vấn, trái với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ George Bush, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không tiếp Đạt Lai Lạt Ma. Ông công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, và đặc biệt là ông sẽ hiện diện trong buổi lễ khai mạc Olympic ngày 08/08/2008. Đổi lại, Trung Nam Hải cũng để cho ông nói lên một số bất đồng như là việc tái định giá đồng nhân dân tệ chẳng hạn, bla bla… Ông Sarkozy ra về với các hợp đồng đầy hứa hẹn cho Airbus và Areva trong tay.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.