mercredi 20 novembre 2024

Lê Nhàn - Tại sao bác sĩ được mở phòng khám còn giáo viên không được dạy thêm ?

 

Đây có lẽ là thắc mắc của rất nhiều thầy cô. Đáng lẽ chúng ta được trả một mức lương đủ sống, không phải trầy trật để lo kiếm ăn bên ngoài.

Đồng nghiệp của mình có khi đi cả tuần không về nhà vì giờ hành chính làm ở bệnh viện, sau đó lại đi trực cho bệnh viện tư, sáng hôm sau về làm ở bệnh viện, cứ thế, không có thời gian về nhà. Khi họ đủ thời gian hành nghề quy định tại bệnh viện thì sẽ được mở phòng khám để khám ngoài giờ.

Bác sĩ mở phòng khám đã giảm tải cho bệnh viện rất nhiều, giải quyết các ca bệnh nhân mà họ không có thời gian để đi khám bệnh giờ hành chính.

Tuy nhiên, một số phòng khám đã làm không đúng, đó là câu kéo bệnh nhân từ bệnh viện ra bằng đủ các loại mẹo. Đây là đối với bác sĩ làm ở bệnh viện, còn với người không làm ở bệnh viện thì một số cũng vẽ bệnh. Cái đó là... sai.

Còn bên ngành giáo dục. Mình nghĩ nên cho phép các thầy cô dạy thêm, với điều kiện là mở lớp ra và không theo kiểu ký giấy đăng ký học "tự nguyện" rồi lên lớp dạy qua loa để các em không theo lớp học thêm là không hiểu bài. Mình nghĩ do vướng chỗ này, do không quản lý được nên cấm vì dạy thêm đã bị lạm dụng và trở thành ép buộc.

Ngành y, khi họ mở phòng khám thì vẫn đảm bảo khám bệnh ở bệnh viện.vBệnh viện và ngành cấm việc lôi kéo bệnh nhân về phòng khám.vCái chỗ này giống với ngành giáo dục, cấm lôi kéo nhưng có quản lý được hay không thì lại là chuyện khác. Nếu bị phát hiện là kỷ luật đấy.

Bệnh nhân là những người trưởng thành cho nên họ nhận biết được đúng sai, kể cả bị lôi kéo nhưng họ có quyền không đến vì có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên học sinh thì không làm được như vậy, có lẽ vì lý do này nên bị cấm chăng?

Việc dạy thêm đại trà dạng 70 em một lớp thì có thể gọi là một hình thức dạy thêm trá hình. Nếu 100 % các em đều học thêm thì cần phải tới trường nữa làm gì?

Giống kiểu 100 % bệnh nhân tới phòng khám thì bệnh viện đâu cần cái khoa khám bệnh làm gì nữa? Không lẽ tới khám qua loa để tối tới phòng khám tư khám lại? Nó khác nhau chỉ có vậy thôi đó.

Bác sĩ mở phòng khám để khám cho các bệnh nhân không có thời gian đi khám giờ hành chính. Các thầy cô mở lớp dạy thêm đúng ra chỉ để dành cho các em học kém thôi, chứ cả lớp phải đi học thêm từ giỏi tới dở là một điều cực kỳ vô lý. Các em không có nhu cầu học vẫn buộc phải đến lớp chỉ để làm vui lòng thầy cô. Cái này không xảy ra bên y tế.

Học sinh học hành ở trường cả ngày đã căng thẳng rồi, tối phải đi học thêm nữa. Có mấy clip các em bé ở Mỹ không phải học thêm mà còn ý kiến với tổng thống là hãy cho nghỉ cuối tuần 3 ngày chứ nghỉ 2 ngày là quá ít, vừa rồi có em bé ở Dublin nó còn gọi cho cảnh sát tới phá hủy trường học của nó do nó quá căng thẳng vì học hành đó thôi? Học sinh Việt Nam học vậy là quá nhiều, quá tải cho nên một số em đã bỏ mạng oan ức.

Mình thấy nhiều thầy cô phàn nàn là học sinh bây giờ quá "mất dạy" không còn tôn sư trọng đạo như ngày xưa.

Giáo dục kiểu này không mất dạy mới là lạ. Nhà trường giao cho cô giáo thu tiền, học sinh đi học không có tiền bị phân biệt đối xử, đâu còn tình yêu thương như ngày xưa? Học sinh không đi học thêm là bị cô đì, một người thầy cao đạo thế mà còn có trái tim nhỏ mọn đi đì một đứa trẻ dưới 18 tuổi đang được mình dạy dỗ thì có đáng làm thầy không?

Bên ngành y cũng thế. Những ca nặng không cứu được, giải thích bệnh nhân cũng đâu có tin và họ nghĩ là đạo đức bác sĩ đã xuống cấp. Họ nghĩ vậy cũng đúng thôi vì cứ vào viện là tiền, cấp cứu cũng phải thò tiền ra mới cứu, bác sĩ làm tiền bệnh nhân y như ngoài chợ. Người quen của mình kể người thân đi mổ ở một bệnh viện lớn, bác sĩ hẹn ra quán, lấy điện thoại tắt hết xong mới nói chuyện, sợ bệnh nhân ghi âm. Cầm phong bì mà không hề biết ngượng.

Dĩ nhiên là còn nhiều thầy thuốc có đạo đức nhưng số vô đạo đức quá nhiều, vì vậy làm gì còn lòng tin? Bảo sao bệnh nhân không tôn trọng?

Bác sĩ và thầy cô là hai cái ngành mà ngày xưa rất được trân trọng, rồi tới một ngày "các điểm nghẽn" làm cho họ trở nên vô đạo đức, lỗi của họ và cũng không hẳn của họ. Cái xã hội đối xử với nhau không còn tình người, toàn phải đề phòng lẫn nhau.

Người với người không còn sống để yêu thương mà tất cả đã được quy hết ra TIỀN.

LÊ NHÀN 19.11.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.