mardi 1 octobre 2024

Nguyễn Dân - Mộng tưởng cổ tích


Đa số truyện cổ tích thường có mô-týp này: Một người (thường là) xuất phát từ nghèo khổ, khó khăn sẽ trải qua các thử thách gian lao nhưng được vận may hay phép màu (ông bụt, bà tiên…) giúp đỡ và cuối cùng có được hạnh phúc.

Hạnh phúc thường là lấy được hoàng tử/ công chúa/ vua hoặc trở nên giàu có, xinh đẹp… Nhưng cho dù là kết thúc như thế nào thì cuối cùng chúng đều quy về một thứ: vật chất.

Bởi vì là, cổ tích là tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng, không thể trông chờ vào giai cấp thống trị nên đành gửi gắm vào các truyện cổ tích qua đó nói lên ước vọng, mộng tưởng của họ. Và bởi vì họ nghèo nên kết thúc truyện cổ tích sẽ thường là giàu có, sung sướng thông qua phép màu vận may.

Vì cổ tích là tiếng lòng của người dân nên xã hội nào sẽ có những cổ tích đó, mang hơi thở của thời đại đó. Cổ tích thời xưa khác, thời nay khác. Những bộ phim Disney ban đầu còn chuyển thể từ nguyên tác, nhưng dần dần chúng ta sẽ thấy những nhân vật trong Disney có kết thúc viên mãn bởi vì sự nỗ lực của bản thân nhiều hơn là do phép màu. Hoặc các truyện cổ tích của Andersen, nó không còn đi theo mô-týp quen thuộc nữa mà u ám hơn, chân thật hơn.

Vậy thì, nói dông dài vậy để làm gì? Để hiểu được vì sao bà Hằng lại được hâm mộ như thế. Chính bà mang đầy đủ các yếu tố của nhân vật chính trong truyện cổ tích, là đại diện cho tiếng lòng của người dân (nghèo). Trong mắt người dân (nghèo), bà Hằng dám một mình chống lại những điều xấu xa mà họ không dám lên tiếng. Và bởi vì lên tiếng nên bà đi tù. Và quan trọng hơn: bà giàu (vật chất). Bà Hằng chính là hiện thực hóa mộng tưởng cổ tích của người dân.

Việc hâm mộ bà Hằng, nó giờ không chỉ còn là chuyện hâm mộ cá nhân nữa, mà là dấu chỉ cho thấy một xã hội ngày càng ít niềm tin vào công lý. Càng nhiều người tung hô bà Hằng, càng cho thấy sự uẩn ức của nhiều người vào hệ thống quản lý. Bởi vì các việc bà Hằng làm đều hoàn toàn là cảm tính, vô pháp. Sẽ thật ngây thơ thậm chí ấu trĩ, khi nghĩ rằng bà Hằng là “vì dân, thương dân” (như lời bài hát bà sáng tác). Từ đầu đến cuối bà Hằng làm vì chính bà mà thôi.

Có một cuốn tiểu thuyết của Ấn Độ mà hồi xa xưa tôi có đọc thế này, quyển “Trên Lưng Cọp” nói về có một người dân thuộc tầng lớp thấp bé nhất trong phân tầng giai cấp của Ấn Độ. Vì những sự kiện ngẫu nhiên mà tình cờ anh ấy được lầm tưởng là một người thuộc tầng lớp cao quý nên được mọi người tôn kính, quý trọng. Anh ấy như người đang trên lưng cọp. Ngồi trên ấy không biết nó dẫn mình đến đâu, nhưng xuống là bị ăn thịt liền.

Bà Hằng đang dần dần ngồi lên lưng cọp, bà trở thành con rối của chính mình (hoặc đã là con rối của thế lực nào đó rồi). Nhưng sẽ sớm thôi, tôi tin sẽ đủ thời gian cho tôi chứng kiến bà Hằng leo xuống lưng cọp như thế nào.

NGUYỄN DÂN 01.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.