Bộ Chính trị vừa quyết định không vay vốn nước ngoài để làm Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Vì theo Bộ Chính trị, vay vốn nước ngoài sẽ bị những ràng buộc lệ thuộc.
Ai cũng hiểu rằng nước ngoài đây là Trung Quốc, đất nước luôn dùng vốn cho vay để trói buộc các điều kiện có lợi nhất cho mình như vấn đề thiết bị, nhà thầu, tổng thầu, nhân công v.v…
Gã rất ủng hộ chủ trương mang tinh thần độc lập tự chủ này. Khi Bộ Chính trị chỉ đạo việc tự chủ tài chính nhưng vẫn kèm theo cánh cửa mở linh hoạt, sẽ chỉ vay thêm vốn nước ngoài nếu không bị ràng buộc điều kiện bất lợi cho Việt Nam và nước ngoài đó ưu tiên chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Như vậy đã minh bạch vấn đề lớn nhất là vốn đầu tư.
Sự minh bạch này góp phần tạo thêm niềm tin khi ông tổng bí thư Tô Lâm và ông thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đưa Đất nước vào Kỷ nguyên mới.
Chủ trương vốn tự chủ đã rõ. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: “Việc lựa chọn công nghệ từ nước nào được đánh giá theo nhiều yếu tố, giá thành chỉ là một yếu tố“ ;
Và Bộ này cho biết: Đơn vị tư vấn sơ bộ tính giá thành Dự án này khoảng 67 tỉ đô la.
Thì gã giật mình lo ngại.
Tại sao lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lại cho rằng, giá thành chỉ là một yếu tố, khi ở kỷ nguyên chỉ có thể được xứng đáng gọi là mới thì hiệu quả kinh tế, kinh doanh luôn phải là thước đo chủ chốt - yếu tố tiên quyết.
Càng giật mình lo ngại hơn nữa cái con số “sơ bộ 67 tỉ đô la”. Thay vì con số sơ bộ ấy phải là con số tối đa. Kinh tế đất nước của kỷ nguyên cũ luôn song hành với điệp khúc Đội giá. Bộ Giao thông Vận tải quá biết, biết bao công trình giao thông đội giá gấp đôi, gấp ba. Cái kỷ nguyên mới này thì “điệp khúc đội giá” liệu có chỗ đứng hợp pháp?
LƯU TRỌNG VĂN 02.10.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.