Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội khi đề cập vai trò làm luật của Quốc hội như sau: “Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
Vậy trước hết phải hiểu thể chế là gì?
Từ điển Luật học định nghĩa thể chế là "những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo".
Còn định nghĩa của Wikipedia: “Thể chế là hệ thống pháp chế gồm: Hiến pháp (luật mẹ, luật căn bản); các bộ luật (luật cơ bản và luật "hành xử"), các quy định, các quy tắc, chế định… “
Thể chế gắn với đời sống xã hội một quốc gia. Theo cụ Hồ xác định, đời sống xã hội có bốn lĩnh vực ngang nhau, không được xem nhẹ một mặt nào, cũng không tách rời nhau mà tác động lẫn nhau, đó là: kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.
Vậy thì những điều luật trong Hiến pháp, những bộ luật, đường lối, chính sách, quy định, quy tắc nào hiện là điểm nghẽn của thể chế phải gỡ bỏ trong bốn lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa ?
Và câu hỏi quyết định nhất: Ai gỡ bỏ chúng và lúc nào gỡ bỏ chúng?
Một quốc gia chìm đắm trong kỷ nguyên tối tăm, lạc hậu khi chính nhân lực lãnh đạo làm ra các thể chế tắc nghẽn.
Một bước tiến của quốc gia khi nhân lực lãnh đạo nhận ra các điểm thể chế tắc nghẽn, quốc gia sẽ có cơ hội chuyển mình bước tới ngưỡng cửa mở ra ánh sáng.
Hy vọng rằng Đất nước đang bước tới ngưỡng cửa đó.
Còn muốn có kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam - thì cần có nhân lực lãnh đạo phá bỏ các tắc nghẽn và vạch ra thể chế mới Thông- Sáng và thực thi nó. Nhân lực lãnh đạo ở đây trước hết không ai khác chính là các nhà lãnh đạo quốc gia hiện nay, đứng đầu là tổng bí thư Tô Lâm.
Một Singapore nếu không có Lý Quang Diệu và những người một lòng ủng hộ ông, liệu có là quốc gia giàu có hàng đầu thế giới không? Câu trả lời: Không!
Vậy thì “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” chỉ có thể khai thông khi cờ đến tay những nhà lãnh đạo dũng cảm dám chịu trách nhiệm, quyết đoán, tài năng, luôn đặt lợi ích của quốc gia, hạnh phúc của Nhân dân lên trên mọi loại chủ thuyết giáo điều hoặc mơ tưởng.
Vậy thì, “thể chế không còn là điểm nghẽn của điểm nghẽn” chỉ khi nhân lực, mà cụ thể là nhân lực lãnh đạo, không còn là điểm nghẽn của điểm nghẽn của điểm nghẽn nữa mà thôi.
LƯU TRỌNG VĂN 22.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.