Báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2024 tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 09/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu: Trong năm 2024 dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp "học giả, bằng thật" ở cấp đào tạo trình độ cao nhất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, chưa công khai, minh bạch với công luận.
Báo cáo cho biết, trường hợp "học giả, bằng thật" đó là ông Vương Tấn Việt (còn gọi là Thích Chân Quang) bảo vệ luận án và được cấp bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội sau khoảng hơn 2 năm từ khi tốt nghiệp cử nhân luật hệ vừa học, vừa làm.
Ông Thanh nói chính xác. Cho đến nay chỉ có Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM là minh bạch, xác nhận ông Vương Tấn Việt không có bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa năm 1989.
Còn lại, ngày 15-08, trường Đại học Hà Nội chỉ “xác nhận” với báo chí rằng, ông Vương Tấn Việt, nay là thượng tọa Thích Chân Quang, học đại học ngành ngôn ngữ Anh, hệ đào tạo từ xa, nhưng nhà trường hiện không lưu giữ thông tin về bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Việt.
Đại diện trường này cho biết: Nhà trường đã phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục-Đào tạo) rà soát, báo cáo thông tin về hồ sơ học tập của ông Vương Tấn Việt. Sau khi nhận được thông tin chính thức của cơ quan chức năng về bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Việt, nhà trường sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu là văn bằng giả, nhà trường sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
Vậy mà đến nay trường này cũng im re!
Ông Vương Tấn Việt (sinh năm 1959) tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh năm 2001 tại Trường Đại học Ngoại ngữ - nay là Trường Đại học Hà Nội; tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ hai - vừa học vừa làm).
Trao đổi với báo chí ngày 13/08 về việc xử lý bằng cử nhân và bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt được cấp tại trường Đại học Luật Hà Nội, ông Tô Văn Hòa, phó hiệu trưởng nhà tường cho biết nhà trường sẽ thực hiện theo kết luận, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Tại sao một trường lớn như Đại học Luật Hà Nội lại im re trong trường hợp này? Trường không muốn bảo vệ những giá trị học thuật và nghề nghiệp?
Tại sao trường Đại học Luật Hà Nội không muốn khôi phục danh tiếng cho nhà trường khi không có động thái nào cả? Việc làm sáng vụ việc bằng những giải thích thỏa đáng, minh bạch, cùng những biện pháp xử lý cụ thể cũng là cách để bảo vệ danh tiếng của nhà trường, thể hiện sự tôn trọng với sinh viên, các nghiên cứu sinh, thầy cô giáo của nhà trường. Trường Đại học Luật Hà Nội không muốn cam kết bảo vệ những giá trị cốt lõi của giáo dục và học thuật?
Sự trung thực và trách nhiệm phải luôn đặt lên hàng đầu trong trường hợp này.
Vậy tại sao Đại học Luật Hà Nội vẫn im re? Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng vậy, là sao?
Còn các giáo sư tiến sĩ liên quan đến luận án tiến sĩ của Vương Tấn Việt cũng chẳng có ai dám lên tiếng!
Xử vụ này đơn giản và không khó, vậy sao Đại học Luật Hà Nội không chịu làm, hay vì những lý do nào khác?
LƯU NHI DŨ 09.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.