1. Dạo các đại quan bị “cho thôi chức”, cho “thôi công tác”, người dân chẳng biết vì sao các đại quan này bị mất chức. Người dân cứ truyền tai nhau, rỉ tai nhau ông này bị cái này, ông kia bị bà nhà làm hại…, chẳng biết đâu mà lần. Chỉ biết họ mất chức trong ê chề.
Vậy là trên mạng rất nhiều thông tin quá khác nhau. Những video giễu nhại các quan lớn một thời người dân không dám đụng tới cái lông tay, xem cười té ghế. Cuối cùng cũng chả biết các đại quan này vì sao bị mất chức.
Có lẽ dân không cần biết? Dù ai cũng thuộc lòng câu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Hi, chỉ có “dân làm” là chắc luôn!
2. Hôm 25/10 báo chí đăng tin ông Bùi Văn Cường thôi giữ các chức vụ Tổng thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV. Được nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.
Tin này làm người dân ngạc nhiên, “tiến sĩ chân vịt” mới 59 tuổi, lại đang ở chức vụ hàm bộ trưởng, sao lại xin được nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân? Và người dân có quyền đặt câu hỏi lung tung.
Đến chiều 29/10, báo chí lại đưa tin ông Bùi Văn Cường bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật vì liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; trong thực hiện một số dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió…
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Vậy bản chất hai tin này hoàn toàn khác nhau. Các cơ quan chức năng sao để báo chí đăng tin như vậy, phản tác dụng, càng để người dân suy diễn lung tung.
Chắc chắn tin sau chính xác vì “bị đề nghị kỷ luật” thì không thể theo nguyện vọng cá nhân, và chưa vào lò vì vào lò cũng chắc chắn không phải theo nguyện vọng cá nhân của ông Cường. Thiệt luôn!
Một câu hỏi đặt ra: Người dân bầu đại biểu Quốc hội, Quốc hội bầu đại biểu này chức này chức nọ trong cơ quan lập pháp. Vậy khi cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu các quan do dân bầu, có nên công bố cho dân biết nguyên nhân hay không?
Trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất. Nên công khai cho dân biết. Bảo người dân giám sát mà mù tịt thì chỉ như trong chuyện người mù sờ voi mà thôi!
Nhưng nhớ lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”…
LƯU NHI DŨ 29.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.