Cô bạn tui, họa sĩ Đoàn Quỳnh Như, viết:
“Ngày 03.10 như vậy được chọn làm ngày lễ thống nhất. Vào đêm thứ Tư hôm trước, quốc hội Cộng Hòa Liên Bang Đức với 294 phiếu thuận, 62 phiếu chống và 7 phiếu trắng đã chấp nhận toàn bộ vùng phía Đông nhập vào Tây Đức thành một quốc gia. Mà thực tế là sự trở về sau những ngày lầm đường lạc lối, để nước CHLB Đức có hình hài như ngày hôm nay”.
Trong khi đồng ý với tút của Quỳnh Như, tui lẩn thẩn nghĩ thêm về mấy chữ “lầm đường lạc lối”. Suy nghĩ lang thang là bởi trong thời gian chưa xa lắm, Đức với Việt Nam có đoạn lịch sử tương đồng, khiến kẻ nặng lòng nghe nhắc nước này lại nhớ nước kia...
Bốn chữ ấy gợi nhớ khoảng thời gian bắt đầu từ năm 1956 và chấm dứt năm 1975. Những năm tháng ấy, hai Miền Nam Bắc Việt Nam, bên này gọi bên kia là “lầm đường lạc lối”! Và hệ quả là sự toàn vẹn lãnh thổ đình chiến tạm phân cho mỗi bên theo hiệp định Genève không đươc tôn trọng gây nên cuộc “hai mươi năm nội chiến từng ngày” để cho thế hệ trẻ chúng tôi lớn lên học hoài không hiểu câu “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”!
Tàn cuộc núi xương sông máu, tất nhiên có bên thắng, bên thua, nhưng có trả lời được không câu hỏi bên nào thực sự “lầm đường lạc lối”?
Khi cuộc chiến xảy ra giữa hai người con cùng Mẹ, tất nhiên phải có người bắn trước. Tuy nhiên, đứng trên bình diện quốc gia dân tộc, từ ngoài nhìn vào, hai anh em ruột đánh nhau là cả gia đình “lầm đường lạc lối”, để nội chiến xảy ra là cả quốc gia “lầm đường lạc lối”, vì nếu sáng suốt thì quốc gia phải đủ sức ngăn cản để hai đứa con mình không bắn nhau!
Chẳng những không cản được con trong nhà giết nhau, mà khi một bên chấp nhận buông súng để sông núi vào cuộc đại tái hợp thì bên thắng cuộc kết án bên buông súng là “lầm đường lạc lối” cần đưa vào trại cải tạo! Núi thẳm rừng sâu từ Nam ra Bắc, máu không đổ nhưng bao người ngã xuống, bao gia đình tan nát trong chướng khí mịt mờ của quê hương và của tình người! Thực sự, ngó những gì đã xảy ra cùng hậu quả của chúng, bài viết tự đặt câu hỏi phải chăng suốt gần một thế kỷ dài quốc gia đã “lầm đường lạc lối”?
Chuyện đã qua là nỗi đau chung, chỉ mong từ rày về sau đừng bên nào chỉ mặt bên kia mắng “mày lầm đường lạc lối”! Người nào mắng như vậy chỉ chứng tỏ chính mình “lầm đường lạc lối”!
Dân tộc thương yêu đùm bọc nhau còn chưa đủ, nhìn các quốc gia cùng mức phát triển năm xưa giờ GDP đầu người cao hơn Việt Nam cả chục lần, lòng nào không đau? Không chỉ nghèo, nhưng nghèo mà còn “lầm đường lạc lối” thì lòng người ly tán, đạo đức suy thoái, giới tinh hoa lũ lượt bỏ tổ quốc ra đi, ào ạt xuất huyết nhân tài, cơ thể tổ quốc chi trì được bao lâu nữa?
Những diễn biến gần đây của cục diện kinh tế, chính trị, quân sự trên thế giới và khu vực cho thấy sự chuyển động các liên minh có thể có lợi, nếu Việt Nam biết tận dụng bằng chính sách ngoại giao và nội trị hữu hiệu. Những diễn biến trong nước cũng cho thấy Việt Nam đã bắt đầu nhạy cảm hơn với thời cơ quốc tế. Muốn gì đi nữa thì trước mắt cũng phải giữ đất nước yên hòa để tận dụng thời cơ trên thế giới đang có đối đầu lớn mà phát triển công nghệ, kinh tế...
Mong rằng trong thời khắc chuyển giao này, đất nước có sự tỉnh táo để việc “lầm đường lạc lối” vĩnh viễn chìm trong quá khứ, không bao giờ lặp lại trên dải đất chữ S. Thay vào đó chỉ còn sự tôn trọng, cộng tác nhau...
Đó mới là con đường sắt cao tốc nối Việt Nam với phồn thịnh, ấm no!
LÊ HỌC LÃNH VÂN 03.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.