Trà Mi có thể được xem là một cơn bão có đường đi kỳ dị, như được nhận định từ giai đoạn dự báo. Cùng một thời điểm, Trà Mi chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau nên công tâc dự báo khá khó khăn.
- Yếu tố tác động giai đoạn đầu là địa hình núi cao phía Đông của đảo Luzon. Điều này dễ dự báo vì hầu hết các cơn bão đi vào Luzon đều bị phá cấu trúc và giảm cẩp, hoặc không thể tăng cấp.
- Yếu tố thứ hai là áp cao lục địa có thời điểm khí áp lên đến 1024 hpa từ phía Bắc đi xuống và sau đó là áp cao cận nhiệt đới khi bão vào gần bờ. Yếu tố này khiến bão bị "ép" đi theo hướng Tây thẳng vào miền Trung, và sau đó áp cao cận nhiệt đới góp sức bẻ lái bão đi từ trong bờ ra ngoài.
- Yếu tố thứ ba là không khí lạnh yếu tác động khiến bão giảm cấp nhưng lại gây mưa nhiều.
Về công tác dự báo, đa số các đài đều dự báo đúng về xu hướng "bẻ lái" của bão và thực tế là Trà Mi có bẻ lái. Tuy nhiên nhiều mô hình dự báo sai về vị trí và thời gian bẻ lái của bão. Sai số này là chuyện dễ xảy ra trong dự báo vì có giai đoạn bão đi nhanh và vào bờ sớm hơn so với kịch bản dịch chuyển của áp cao cận nhiệt đới và không khí lạnh về. Ban đầu bão được dự báo sẽ "bẻ lái" khi cách bờ biển Trung Trung Bộ khoảng 150 km (sau đó có cập nhật dự báo bão vào bờ rồi mới đi ra). Nhưng thực tế nó lại vào sâu, ở lâu và chỉ bẻ lái đi ra khi đã yếu.
Dưới đây là một số thông tin ghi thực tế:
- Bão vào bờ khi nào? Lúc 8 giờ sáng ngày 27/10, tuy nhiên gió mạnh nhất là khoảng 5-6 giờ sáng. Sớm hơn rất nhiều so với các kịch bản dự báo.
- Tâm bão khi vào bờ ở đâu? Địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế .
- Sóng biển cao mấy mét? Cao 4 m – 5 m gần bờ nên nó đã phá hủy nhiều hạ tầng ven biển. Trong buổi sáng ngày 27/10, nước biển vượt qua cả bãi cát đi vào khu dân cư ở ven biển Thuận An.
- Tại sao có mưa lớn và lụt lớn ở Quảng Bình? Mưa lớn đã được dự báo trước. Nguyên nhân là do hoàn lưu bão đi lệch về phía Bắc theo lực quán tính và gặp phải không khí lạnh nên càng có cơ hội ngưng tụ nhiều hơi nước. Cùng thời điểm đó, vùng áp thấp của bão hút gió về tâm nên gió Đông Bắc thổi mạnh cấp 5-6 liên tục trong 2 ngày 27 và 28/10. Gió mạnh khiến sóng cao kết hợp triều cường khiến nước lũ trên sông Nhật Lệ không thoát ra ngoài biển nhanh được. Với tổng lượng mưa ở Quảng Bình dao động từ 800 mm – .1100 mm trong 2 ngày kết hợp triều cường thì khó tránh ngập lụt.
Ghi lại các thông tin này để thấy các yếu tố ảnh hưởng đến bão luôn thay đổi ; và vì vậy việc theo dõi cập nhật dự báo, chuẩn bị phương án dự phòng rất quan trọng. Bạn có thể đã mất công đưa xe đi gửi chỗ cao mà không có lụt ở vị trí của bạn, hay bạn kê cao đồ đạc mất công mà không thấy nước lụt lên. Hãy xem đó là điều may mắn, vì chỉ với sự thay đổi phút chót của các yếu tố ảnh hưởng đến bão có thể khiến nơi bạn ở đối diện với nhiều hình thái thiên tai cực đoan mà bạn không kịp xoay sở.
HUY NGUYỄN 29.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.