jeudi 15 août 2024

Tiểu Vũ - Tôi về tìm lại biền dâu

Tôi sinh ra ở làng Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam. Nhà tôi rất gần với làng Giao Thủy - nơi một thời nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa.

Từ Ái Nghĩa ra Quảng Huế, đến cầu Giao Thủy rồi Duy Hòa đi theo theo đường lộ chạy về Duy Trinh (Duy Xuyên) là đến lăng Bà chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi. Đây là nơi đầu tiên tơ lụa Quảng Nam xuất khẩu ra các nước châu Âu có mặt trên thị trường thời trang nổi tiếng thế giới như Lyon, Paris ở Pháp.

Mỗi lần về thăm quê, tôi lại đi tìm điều đã mất. Bến Giao Thủy xôn xao khi có cây cầu bắt ngang nối Duy Xuyên và Đại Lộc. Ruộng đồng hai bên bờ sông Thu Bồn xanh mướt...nhưng bãi dâu nay đã không còn.

Tôi về, tìm lại dấu của một vùng tơ lụa nức tiếng một thời như nhà máy ươm tơ Giao Thủy (Đại Lộc), làng dệt Mã Châu (Nam Phước, Duy Xuyên), làng tơ Đông Yên nhưng tất cả đã đi vào quá khứ.

Tôi đến làng dệt vải Phú Bông – Thi Lai nhưng nay chỉ còn lại là những cái tên.  Quê lụa ngày nào giờ chỉ còn trong những câu ca…"Mấy mùa qua anh về Giao Thủy/Sông Thu Bồn, bên đôi bờ không thấy bóng người thương/Chỉ thấy bãi dâu và những bãi dâu xanh ngắt một màu..."

Dẫu hiểu lẽ đời là sự đổi thay “thương hải tang điền” nhưng sao lòng vẫn nuối tiếc. Vẳng đâu đây tiếng thoi dệt lụa bên dòng Thu Bồn, tiếng hát trong veo của cô thôn nữ ngày nào...

Chuyện kể rằng và đêm trăng đẹp năm 1615, Chúa Sãi tuần du Quảng Nam, đã cùng công tử thứ hai lúc đó khoảng 15 tuổi là Nguyễn Phước Lan dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền ngược dòng sông đến địa phận làng Chiêm Sơn, huyện Diên Phước, giữa đêm thanh vắng bỗng nghe có tiếng hát của một cô gái từ biền dâu vọng lại theo làn gió.

Giọng hát và lời ca của cô thôn nữ trong đêm thanh vắng đã làm rung động tâm hồn của chàng công tử Phước Lan. Được phép của phụ vương, công tử cho thuyền rồng men theo triền sông đi tìm tiếng hát. Họ gặp nhau và cô thôn nữ của Hào trưởng Đoàn Công Nhạn được chọn tiến cung.

Công tử Nguyễn Phước Lan (1601-1648) và cô thôn nữ họ Đoàn (1601-1661) đã bén duyên nhau. Năm 1617 đôi trai tài gái sắc kết hôn và về sống tại dinh trấn Thanh Chiêm. Từ năm 1613, Nguyễn Phước Lan được cha trao quyền Trấn thủ Quảng Nam, đến năm 1635 thì kế nghiệp cha trở thành Thượng vương.

Vốn xuất thân từ cô gái hái dân nên bà Đoàn Quý Phi rất chú trọng đến nghề trồng dâu nuôi tằm. Bà đã bỏ tiền của và công sức chiêu dân lập ấp, giúp dân khai khẩn vùng đất ven sông Thu Bồn trở thành một vùng quê trù phú với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Nhờ bà nghề tàm tang phát triển mạnh ở Duy Xuyên, sau đó lan đến các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa… Nghề nuôi tăm dệt lụa đã đóng góp vào sự hưng thịnh của đô thị - thương cảng Hội An trở thành trung tâm trung chuyển mậu dịch quốc tế trên con đường tơ lụa trên biển ở thế kỷ 17-19 nối liền Á - Âu. Sau này dân xứ Đàng Trong nhớ ơn nên tôn bà là Bà Chúa Tằm Tang.

Sau khi Chúa Sãi băng hà năm 1635, Thế tử Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng. Chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định dời phủ chúa từ làng Phước Yên (Quảng Điền) về làng Kim Long (Phú Xuân). Đoàn Thị Ngọc được phong Đoàn Quý Phi và cha bà, ông Đoàn Công Nhạn được phong là Thạch Quận công.

Về cuối đời, không rõ năm nào, Đoàn Quý Phi rời Phủ Chúa ở Kim Long, Phú Xuân quay trở về sống ở Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam cùng với con cháu trên quê hương mình.

Bà Đoàn Quý Phi mất ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu, (12/07/1661) hưởng thọ 60 tuổi. Thể theo nguyện vọng lúc sinh thời, Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần đã đưa mẹ về chôn cất tại quê cha đất tổ Duy Xuyên.

Di sản vĩ đại của bà Đoàn Quý Phi để lại cho quê nhà chính là nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng ở xứ Đàng Trong. Bà là nhân tố quyết định mang đến sự hưng thịnh của nghề ươm tơ diệt lụa xứ Quảng kéo dài ít nhất 3 thế kỷ. Đến thời Pháp thuộc vẫn là cái nôi tơ tằm của Đông Dương.

Người Pháp đã từng đầu tư Nhà máy ươm tơ dệt lụa lớn nhất Đông Dương tại Giao Thủy, Đại Lộc. Sau giải phóng (1975) tơ lụa Quảng Nam vẫn nổi tiếng, những người Quảng vào Sài Gòn lập nghiệp tập trung lại thành một khu và làm nên làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, nay thuộc quận Tân Bình, Sài Gòn. Khu Bảy Hiền ngày nay vẫn còn duy trì nghề dệt vải góp phần tạo nên những nét văn hóa mạng đậm bản sắc Quảng Nam tại thành phố sôi động nhất nước.

Nhưng ngược lại, tại quê nhà Quảng Nam, nghề trông dâu nuôi tằm – ươm tơ dệt lụa chỉ tồn tại đến những năm 1980 thì lụi dần và lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều làng nghề, vùng đất ven sông Vu Gia - Thu Bồn từng là xứ trồng dâu nuôi tằm rộng lớn dần phá sản. Những làng nghề dệt nổi tiếng như Mã Châu khung cửi cũng đã thôi quay. Nhiều gia đình bỏ nghề, bỏ xứ đi, hoặc chuyển đổi nghề để sinh nhai và những biền dâu xanh trải rộng kéo dài ven sông Vu Gia, Thu Bồn dần biến mất...

Mỗi lần về thăm quê tôi ra bến sông Giao Thủy mong tìm lại chút dư hương của một thời, chợt câu ca xưa trong gió vọng về:

Nương dâu xanh thắm quê mình

Nắng lên Gò Nổi, đượm tình thiết tha

Con tằm dệt kén cho ta

Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời...

Câu hát thì còn đó...nhưng biền dâu năm xưa tìm đâu cho thấy?

TIỂU VŨ 14.08.2024

Ảnh : Một góc còn lại của nhà máy ươm tơ Giao Thủy ở Đại Lộc, Quảng Nam.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.