Hôm nay (05/08) tại tỉnh Kandal, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã nhấn nút khởi công dự án gây tranh cãi kênh đào “Funan Techo” – (Phù Nam – Techo) trên sông Mê Kông.
Dự án kênh đào có kinh phí ước tính 1,7 tỉ USD (do công ty Cầu Đường Trung Quốc/CRBC nghiên cứu, tài trợ). Được tiến hành nhằm tạo ra một tuyến đường thủy mới, dài 180 km chảy từ sông Mê Kông đoạn qua thủ đô Phnom Pênh ra vịnh Thái Lan, để thoát khỏi lệ thuộc vào tuyến đường thủy qua Sông Hậu của Việt Nam, ra Biển Đông.
Kênh đào này rộng 100 m ở thượng nguồn và 80 m ở hạ nguồn, có độ sâu 5,4 m. Kênh có hai làn để tàu thuyền tránh nhau an toàn. Kinh phí này là khó đủ, khó có độ tin cậy, trong khi cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville có bốn làn xe, hoàn thành vào năm 2023 với chi phí 2 tỉ USD.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Hun Manet gọi đây là dự án "lịch sử" và tuyên bố "sẽ hoàn thành bằng mọi giá". Ông Hun Manet cho rằng kênh đào Phù Nam - Techo không chỉ là một tuyến đường thủy mà còn là một biểu tượng sống mang ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Vương quốc Phù Nam, tiền thân của nước Campuchia hiện đại.
Tại sao là “Funan Techo”? Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh giải thích:
“Không phải là tình cờ khi ông Hun Sen đã chọn tên Phù Nam, gắn liền với Techo là một phần danh hiệu rất dài của ông: Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen/có nghĩa tổng quát là Ngài Thủ Tướng Samdech Hun Sen kiêm Tư lệnh Quân đội Tối cao.
Chỉ riêng chữ “Techo” được chính ông Hun Sen giải nghĩa: “Ai vinh dự mang tên ấy có sứ mệnh đánh đuổi quân xâm lăng đất nước Cam Bốt” [Who carry the honorific Techo are destined to fight off the invaders of Cambodia (The Cambodia Daily 4/2/2010)]. Với người dân Cam Bốt thì họ hiểu rằng, quân xâm lăng ấy không ai khác hơn là từ hai nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan”.
Tôi cũng có hai bài về con kênh đào này, có gửi cho vài tờ báo, có tờ ngại đăng nhưng vẫn đăng được vì tôi viết rất khoa học, xây dựng. Và cảnh báo: “Với hệ thống các đập thủy điện trên sông Mê Kông từ thượng nguồn, đã và đang biến Mê Kông thành "dòng sông chết". Nay với dự án kênh đào Phù Nam - Techo, không chỉ Đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà hệ sinh thái dòng sông này trên đất Campuchia, đặc biệt là Biển Hồ Tonle Sap cũng bị tác động môi sinh rất nghiêm trọng”.
Theo Ủy hội sông Mê Kông, lượng nước chảy ngược Mê Kông cung cấp cho Biển Hồ rơi xuống tối thiểu hai mùa mưa (xem hình).
Trong thời gian chinh chiến trên chiến trường K, tôi đã đi gần hết các tỉnh K. Sau này, nhiều lần trở lại chiến trường xưa bằng xe hơi, không tỉnh nào tôi không đi. Có khi chạy dọc sông Mê Kông, từ Stungchen về Biển Hồ, Krache, Kongpongcham; chạy từ Pnompenh về Kongpôngchưpư, Kongpongchunang, Battambang, Xiêm Riệp, Biển Hồ… Rất thú vị khi ngắm cảnh những cánh đồng ngút ngát ngập trong mùa lũ tràn đồng mát lạnh cảm giác rất no đủ và tràn đầy sức sống...
Ghi lại đây, ngày Đồng Tháp mở cống để đón lũ tràn đồng và Đồng bằng sông Cửu Long đang đón được mùa lũ khả dĩ. Để vài chục năm sau, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở nên khô khốc...
LƯU NHI DŨ 05.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.