Mấy hôm nay đọc bài trên Facebook, mạng xã hội thấy nhiều người viết về vụ những nghệ sĩ Việt Nam đi sang nước ngoài biểu diễn phải lên tiếng xin lỗi vì đã biểu diễn trong những sân khấu có treo cờ vàng ba sọc đỏ - cờ của nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước năm 1975.
Trong số những người viết bài về đề tài này, có những người từng là đồng nghiệp cũ của tôi, có những bài quy kết, suy diễn, nâng quan điểm rất ghê.
Tôi không biết thực tế các cơ quan chức năng Việt Nam có thực hành “phong sát” (từ của nước tàu, nghĩa là cấm tất tần tật mọi thứ có liên quan, khống chế mọi “đường sống” của một ai đó) những nghệ sĩ đã bị nêu tên lên mạng xã hội là đã “vi phạm” hay không.
Nhưng tôi biết chắc Đảng và Nhà nước ta có chủ trương hòa hợp, hòa giải với những gười thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa hay còn gọi là những người ở “bên thua cuộc” và đã – đang thực hiện chủ trương này một cách xuyên suốt hàng mấy chục năm nay, từ lúc Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sinh thời tới giờ.
Nếu tôi hiểu không sai thì hòa hợp - hòa giải có nghĩa là không đào bới quá khứ, tìm mọi cách bỏ qua cho nhau, tìm mọi cách dung hòa, chung sống hòa bình, không gây chia rẽ, không ươm mầm hận thù… Hay nói nôm na là bắt tay nhau hòa bình, bỏ qua tất cả, cùng nhau chung sống, cùng nhau xây dựng đất nước, cùng nhau hướng tới tương lai. Tất nhiên, đã là con người, đã là những cá nhân thì chắc chắn phải có khác biệt, khác biệt đầu tiên bắt đầu từ suy nghĩ, niềm tin của mỗi người. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta phải thù hằn, tiêu diệt nhau. Bời, sự khác biệt của con người cũng chính là động lực để phát triển thế giới.
Đảng và Nhà nước đã từng gọi những đồng bào ở hải ngoại là “khúc ruột ngàn dặm”, “Việt kiều yêu nước”… Đảng và Nhà nước ta có biết phần đông những việt kiều ấy ở hải ngoại vẫn treo cờ vàng ba sọc đỏ trong nhà, đeo trên người, chào lá cờ ấy trong mỗi dịp lễ lạt? Tôi tin là biết, biết nhưng vẫn không có động thái gì một cách chính thức, vẫn chào đón những con người ấy về thăm quê hương, đóng góp tiền bạc, làm ăn, góp phần xây dựng đất nước.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm còn công khai tiếp đón những kiều bào tiêu biểu, chính thức kêu gọi kiều bào đóng góp cho đất nước. Trong lời kêu gọi này có phân biệt nào không? Có phân loại những kiều bào đã từng tham gia những lễ hội của Việt kiều ở hải ngoại, từng treo cờ vàng ba sọc đỏ, từng chào nghiêm cẩn lá cờ ấy trong những buổi thượng cờ và những kiều bào một lòng tin theo chủ nghĩa xã hội, treo cờ đỏ sao vàng? Tôi nghĩ là không.
Chẳng phải chúng ta đã nâng tầm mối quan hệ giữa nước ta và nước Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện và đang hợp tác, làm ăn hữu hảo với tất cả các nước thuộc khối tư bản ?
Ngay tại nước Mỹ, chúng ta có thể cấm công dân nước này treo cờ Mỹ và tin vào chủ nghĩa tư bản, không được lên án chủ nghĩa cộng sản không? Tương tự, chúng ta cũng không thể cấm những người Việt Nam và người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ không được treo cờ vàng ba sọc đỏ, buộc họ phải tin –yêu, tôn sùng chủ nghĩa xã hội. Phải chấp nhận khác biệt, đó không phải lý do để tiêu diệt nhau. Khi đã chấp nhận khác biệt, dung hòa… có nghĩa là chúng ta đang bước đi trên con đường hòa hợp, hòa giải.
Quay trở lại việc những nghệ sĩ đã từng biểu diễn tại hải ngoại trong những bối cảnh có treo cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Mỹ, tôi nghĩ họ chẳng có lỗi gì để mà phải lên tiếng xin lỗi ai. Bởi họ chỉ hành nghề một cách đơn thuần để kiếm tiền, “nhập gia phải tùy tục”, thích nghi trong hoàn cảnh khách quan, họ không có quyền, không thể buộc người khác phải theo ý mình được.
Đừng lồng ghép, chụp mũ, suy diễn, nâng quan điểm… lung tung, khiến quốc tế hiểu lầm rằng Chính quyền Việt Nam hành xử nhỏ mọn, tàn tệ với những người khác biệt chính kiến. Nguy hiểm hơn, là đi ngược lại chủ trương hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước, sự cảm thông của những lãnh đạo Việt Nam đối với những người con xa xứ mà ta vẫn gọi là Việt kiều!
HỮU PHÚ 24.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.