Việc quân Ukraine "xâm lược" Nga bằng một lực lượng nhỏ cho thấy chiến thuật của Zelensky đã thay đổi. Có thể đây vẫn chỉ là thăm dò phản ứng của Nga, nên mới chưa có trận tổng lực.
Mục đích của phía Ukraine đương nhiên không thể là để chiếm đóng lãnh thổ Nga, vì điều này là bất khả thi. Có thể quay lại chiến tranh Việt Nam để so sánh.
Đến năm 1967, cục diện chiến tranh khá là bế tắc với quân cộng sản. Nên họ quyết định có trận Mậu Thân. Vào thời điểm đó, ai cũng thấy là quân cộng sản không thể tổng tấn công và nổi dậy để chiếm được miền Nam. Vì quân Mỹ lúc đó quá mạnh và đông, cỡ 500 ngàn quân đồn trú tại Việt Nam Cộng Hòa.
Tất nhiên ông Lê Duẩn vẫn cứ tuyên truyền là tổng tiến công và nổi dậy, để quân lính, nhất là anh em biệt động, tin tưởng rằng sẽ chiến thắng, hết lòng chiến đấu rồi chờ quân chính quy vào giải phóng miền Nam. Thậm chí ở Huế, bộ đội còn bảo dân Huế là vay tạm bánh chưng và gạo, rồi mấy hôm tới thắng lợi, bác Hồ vào rồi sẽ trả!
Thực tế Mậu Thân chỉ nhằm mục đích như một cú chọc bi-a phá tan đám bóng đang cụm lại, để tóe ra các hướng khác nhau, để phá tan sự bế tắc ở chiến trường.
Cái mà phía cộng sản đạt được với cú chọc kinh hồn đó, bất kể thương vong, thiệt hại, về quân sự, thì đã làm cho dư luận Mỹ bàng hoàng kinh sợ. Do đầu não của người Mỹ ở Việt Nam Cộng Hòa đã bị tấn công bởi một nhóm nhỏ "dân quân" với vũ khí hạng nhẹ. Tức là giá trị tinh thần của cuộc chiến mới là chủ yếu. Từ đó dẫn tới người dân Mỹ phản chiến quyết liệt, do lần đầu họ được xem chiến tranh trên ti vi mỗi ngày, thấy cảnh tàn bạo của nó. Từ đó dẫn tới Johnson không dám ứng cử nhiệm kỳ 2 và dẫn tới hòa đàm Paris.
Quay lại động thái quân sự mới của Zelensky. Tất nhiên cách hành động thì hoàn toàn khác với Việt Nam, do sự khác biệt về thể chế, kinh nghiệm chiến đấu...Nhưng mình cho rằng mục đích là như nhau. Đó là Zelensky đã dùng mặt trận mới này để phá tan sự bế tắc trên chiến trường, giằng co qua lại khá là nhàm chán và bất phân thắng bại. Đây cũng là một cú chọc bi-a làm phá tan thế đông cứng đang có.
Zelensky lập ra một mặt trận thứ hai tách biệt với mặt trận Donbass, nó sẽ vạch trần khả năng phòng thủ yếu kém của Nga, vì chủ quan nghĩ rằng Putin dùng võ mồm dọa tấn công hạt nhân, nên cứ ngỡ Ukraine không dám xâm phạm lãnh thổ Nga.
Ngoài ra, mặt trận này cũng làm phân tán sức chiến đấu của quân Nga, giống như Đức từng bị tấn công bởi hai phía Đông, Tây.
Ngoài ra, trận chiến này sẽ tạo tiếng vang dư luận quốc tế tốt, nếu có những thắng lợi bước đầu, vì họ chỉ có một nhóm lính nhỏ mà thọc sâu được vào đất Nga.
Với tâm lý thực dụng của phương Tây, nếu Ukraine tỏ ra hiệu quả, thì họ sẽ "đầu tư" nhiều hơn là đánh không hiệu quả như vừa qua.
Hơn nữa, đây chính là đòn thăm dò khả năng phản ứng hạt nhân của Putin. Sẽ đẩy ông ta vào thế chém gió phét lác, nếu không dám đánh, mà nếu đánh thật (tất nhiên loại rất nhỏ) thì sẽ bị quốc tế lên án, thậm chí sẽ tạo cớ để NATO phản đòn. Vì thông thường phương Tây chỉ đánh mạnh và đoàn kết khi có được cái cớ hợp lý để dân nước họ cảm thấy bất an.
Mục đích tiếp theo nữa là điều này khiến dân Nga lo sợ, bất an, vì trước đây họ chỉ nghĩ rằng chiến tranh không tới được giường ngủ của họ. Chính vì thế sẽ tạo làn sóng phản đối chiến tranh ở Nga, tất nhiên không mạnh như ở Mỹ vì Nga độc tài. Nhưng mầm mống phản ứng là chắc chắn có, các nước cộng hòa cũng có thể lợi dụng để ly khai.
Nếu là Zelensky, thậm chí mình đã cho tấn công khủng bố khắp nước Nga lâu rồi, chủ yếu để gây tiếng vang. Tuy nhiên, có lẽ vì Ukraine đánh nhau theo kiểu của các thể chế dân chủ, nên không chấp nhận kiểu đánh đó (là bài của các thể chế độc tài). Thế nên Ukraine mới dùng quân chính quy, nhưng điểm yếu là không thế thọc quá sâu vào hậu cứ của Nga.
Trận này mình dự là không kéo dài được lâu, vì Nga sẽ kéo đại quân tới, thì Ukraine sẽ rút lui thôi. Nhưng chắc chắn Ukraine sẽ dùng bài này để mở các mặt trận khác tương tự, do biên giới rất dài. Điều này khiến quân Nga sẽ bị kéo căng ra toàn tuyến để phòng thủ, không tập trung quân đến tấn công được.
Việc chiếm giữ một số lãnh thổ này của Nga cũng có thể có lợi cho việc đàm phán ngưng chiến trong tương lai, có thể đổi đất (Ukraine không bao giờ nhượng đất).
Tuy nhiên, trận chiến kiểu này cũng sẽ tạo nguy cơ bất lợi cho Ukraine nếu Putin đẩy mạnh được tuyên truyền, kích động dân Nga căm phẫn Ukraine hơn nữa, càng ủng hộ chiến tranh. Mặt khác, Nga cũng có cớ để đẩy mạnh việc tấn công trả đũa vào thẳng Kyiv. Vì thế, Ukraine phải cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phương Tây để đánh chặn tên lửa. Cần máy bay chiến đấu và tên lửa để chống lại không quân Nga. Vì thế mạnh của Nga trước Ukraine chủ yếu là ở vũ khí chiến lược, chủ yếu ở tên lửa tầm xa và không quân.
Hiện chưa thể chắc chắn được diễn biến trận này sẽ tới đâu, nhưng mình tin rằng sẽ có lợi cho Ukraine hơn là hại.
Trong chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ cũng đã từng bị điểm bế tắc, có thể dẫn tới thua, đó là không dám dùng quân bộ tấn công Bắc Việt, điều này tướng Westmoreland đã từng phân tích trong hồi ký của mình. Ông ta từng kiến nghị cho lính Mỹ nhảy dù xuống Trường Sơn và đòi tăng quân. Nhưng tổng thống Mỹ và phía ngoại giao không chấp nhận, đã triệu hồi viên tướng diều hâu này về nước, khiến cục diện chiến tranh thay đổi.
Là do Mỹ sợ Trung Quốc sẽ kéo quân sang như ở Triều Tiên. Vì thế nên quân cộng sản có thể tập trung quân vào Nam giành thế chủ động tấn công. Điều này cũng giống Ukraine và NATO sợ Nga dùng vũ khí hạt nhân, nên không dám đánh Nga. Vì thế nên Nga được lợi thế là chỉ có thể thắng đến hòa chứ không thua.
Mặt trận Kursk sẽ phá tan cái thế đó của Nga.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 13.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.