1. Thấy gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga V. Putin?
Một số xuất phát điểm của cá nhân trước khi viết nhận xét này. Một là, tôi là người ủng hộ cả Nga lẫn Ukraine trong một cuộc chung sống hòa bình, do vậy tôi là người theo chủ nghĩa hòa bình. Hai là, tôi học luật nên về nguyên tắc, không ủng hộ mọi hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Ba là, tôi ủng hộ tư tưởng dân chủ của văn minh nhân loại, vì vậy từ khi quan sát những thay đổi trong chính sách của Putin, tôi cho rằng ông này càng ngày càng đưa đất nước đi theo hướng quân phiệt hóa, thậm chí phát-xít hóa, nên ủng hộ Nga tôi vẫn không ủng hộ Putin. Điều này dẫn đến việc riêng trong cuộc chiến tranh của Putin gây ra ở Ukraine, tôi không ủng hộ Nga.
Đây là lần thứ năm Putin đến Việt Nam, bốn lần trước gồm có:
Chuyến thăm đầu tiên diễn ra từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3 năm 2001, một năm sau khi Putin nắm quyền lãnh đạo ở Liên bang Nga. Được Chủ tịch nước Trần Đức Lương mời, chuyến thăm hữu nghị chính thức của Putin đã dẫn tới việc ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nga.
Chuyến thăm thứ hai vào tháng 11 năm 2006, theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Putin tới tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14.
Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Putin thăm cấp Nhà nước vào ngày 12/11. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Putin tới Việt Nam.
Chuyến thăm thứ tư diễn ra vào ngày 10/11/2017, khi Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Trong chuyến thăm, ông ta đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
• Đầu tiên, về mục đích của chuyến thăm. Phải nói rằng trong tất cả các lần thăm Việt Nam của Putin, lần nào cũng do Việt Nam chủ động mời – trừ lần này. Quý vị có thể phản đối tôi rằng lần này Putin tới do lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – cũng có lý. Tuy nhiên tôi lại cho rằng lời mời đó chỉ nhằm mục đích xã giao, và không nhất thiết phải diễn ra trong tương lai gần sau khi có lời mời.
Nếu là lời mời chính thức để có một chuyến thăm cấp nhà nước, thì phải là lời mời từ nguyên thủ quốc gia. Nếu Việt Nam thực sự cần Nga thì phải theo trình tự sau khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa lời mời không chính thức (qua điện đàm), nguyên thủ quốc gia tức chủ tịch nước Việt Nam phải gửi thư mời chính thức.
Nhưng lời mời đó vẫn tạo cho Putin cái cớ và khi cần, ông ta cho bộ máy của mình gần như bắt ép, đẩy Việt Nam vào thế đã rồi, từ chối không được mà tiếp cũng không thuận. Vì vậy, về mục đích của chuyến thăm thì lần này, Nga của Putin cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Nga Putin.
• Thứ hai. Tại sao Việt Nam nên từ chối – nhưng chắc chắn là không được, cũng như tiếp Putin cũng không thuận. Hãy nhìn lại phát biểu của phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuyên bố: “Không quốc gia nào nên tạo cơ hội cho Putin quảng bá cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và giúp ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”. Người này nói thêm: “Nếu ông ta có thể đi lại tự do, như thế tức là có thể bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga”, ý muốn nói đến cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine mà ông Putin phát động từ hồi tháng 02/2022 – đoạn này từ nguồn RFI. Cũng theo đài này, khi được Reuters liên hệ, bộ Ngoại Giao Việt Nam không trả lời đề nghị bình luận về sự việc.
Như vậy là không có tuyên bố chính thức về phát biểu trên, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không có trả lời bán chính thức. Thông thường với động thái dạng này, người ta sẽ hiểu là “ngầm thừa nhận.” Tuy nhiên việc Việt Nam vẫn phải tiếp Putin, nó đúng với chính sách lâu nay là đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao (đường lối ngoại giao cây tre).
Vì vậy, các phát biểu trên có thể là quan điểm chính thức của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ có quyền phát biểu nhưng không có quyền yêu cầu hay bắt buộc Việt Nam phải làm cái nọ cái kia theo ý mình. Theo quan sát của tôi, cả hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam đều cư xử hiểu biết, có thể nói là “biết điều” và ngầm hiểu ý nhau, ngầm hiểu hoàn cảnh của nhau trong khía cạnh này. Vì vậy ở đây chúng ta hiểu rằng tiếp Putin là không thuận, nhưng vẫn phải làm.
• Thứ ba. Về hoạt động tiếp đón.
3.1. Putin đến Việt Nam đã được áp dụng nghi lễ tiếp đón cấp nhà nước, tức là long trọng nhất. Về chuyện này, có người hỏi tôi rằng, tại sao lại như thế, dù sao thì Việt Nam cũng có vẻ không muốn tiếp Putin trong hoàn cảnh quốc tế thì chiến tranh (do Nga gây ra, chẳng phải ai khác) còn trong nước, Việt Nam mới có Chủ tịch nước mới, nhìn chung bộ máy chưa hoàn toàn được kiện toàn, mà vẫn tiếp đón long trọng thế?
Tôi trả lời rằng, Việt Nam bao giờ cũng vậy, dành cho khách quốc tế sự tiếp đón trọng thị nhất. Đến Mỹ còn đón được long trọng như vậy nữa là Nga, “người bạn thủy chung, nghĩa tình, son sắt.” Trước khi Putin sang, buổi sáng hôm đó gần nhà tôi đã diễn ra tập dượt cho hoạt động đón đoàn của công an Hà Nội, rất cẩn thận và chuyên nghiệp. Tuy nhiên tôi đánh giá so với chính những lần trước Putin sang Hà Nội, lần này chính phía Nga cũng không “nâng tầm quan trọng.” Những lần trước việc Putin sang với các yêu cầu cao hơn, giống… Tổng thống Mỹ hơn.
Lần gần đây nhất Hà Nội chứng kiến rình rang là chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (năm ngoái). Tại sao tôi lại có so sánh đó? – Là vì tùy thuộc mức độ quan trọng của quốc gia mình đối với quốc gia đón tiếp mà đưa ra yêu cầu. Chẳng hạn nếu Việt Nam sang Mỹ, có thể nguyên thủ Việt Nam phó thác luôn việc bảo vệ an ninh cho phía Hoa Kỳ. Nhưng nếu nguyên thủ Hoa Kỳ sang Việt Nam thì vác đủ các thứ bộ máy an ninh, xe cộ, súng ống, thậm chí cả… chó sang, và Việt Nam vẫn phải chấp nhận tất cả các yêu cầu theo tiêu chuẩn của họ. Lần này, cá nhân tôi quan sát thấy Nga và Putin lép vế đi nhiều.
3.2. Thông thường một nguyên thủ quốc gia sang thăm một nước bao giờ cũng có vài hoạt động chính thức, hoặc có tính thực chất liên quan đến nâng tầm quan hệ, hoặc có tính ngoại giao hiếu hỉ…
Việt Nam là nước có 4 lãnh đạo theo chế độ “tứ đầu chế” (tứ trụ) mà phía Nga chắc chắn hiểu, người quan trọng nhất vẫn là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên lần này, sức khỏe của Tổng bí thư có vẻ không được tốt nên việc ông chỉ tổ chức hội kiến với Putin là hợp lý. Các cuộc gặp với chủ tịch quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ được đưa tin trên truyền thông khá vừa phải. Hoạt động đáng kể nhất là cuộc giao lưu cựu học sinh Việt Nam tại Liên Xô và Liên bang Nga (rất mang tính… tình cảm) và quốc yến mời khách ăn cỗ… tất cả đều do Chủ tịch nước Tô Lâm đảm nhiệm.
Tất nhiên, chuyến thăm này với thời gian gấp gáp, không thể có nhiều hoạt động hơn. Thường với những chuyến thăm dài ngày hơn, với nhiều hoạt động thì sẽ có nhiều lãnh đạo Việt Nam hơn đảm nhiệm việc tiếp đón và đưa đi, đóng vai đối tác. Lần này chỉ một mình Chủ tịch nước đảm nhiệm là đúng thủ tục, nhưng lại đem lại cảm giác xa cách, thậm chí lạnh lẽo. Theo quan sát của tôi, Chủ tịch nước Tô Lâm tươi cười nhưng mang tính xã giao, ông khá kiệm lời, thái độ đúng mức, không quá nồng ấm nhưng không quá lạnh lùng – một thái độ như vậy là rất phù hợp với hoàn cảnh.
• Thứ tư. Về kết quả. Hai nước có ra được thông cáo chung và như thường lệ, chúng ta sẽ quan tâm tới nội dung liên quan đến chiến tranh Nga – Ukraine. Toàn văn của nó, quý vị có thể đọc ở đây đoạn liên quan đến chiến tranh.
Ghi nhận : “Nga đánh giá cao lập trường cân bằng, khách quan của Việt Nam về vấn đề Ukraine, theo đó cần giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới; hoan nghênh Việt Nam sẵn sàng tham gia các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững cho vấn đề Ukraine.”
Đoạn này mặc dù là “Nga đánh giá cao lập trường…” nhưng nó hoàn toàn tương đồng với lập trường của Việt Nam đối với cuộc chiến tranh Nga – Ukraine mà nhà phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nói rõ, đó là đặt nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế lên đầu tiên. Với nguyên tắc này, thì những yếu tố như triệt để tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, không sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, triệt để tuân thủ các cam kết quốc tế mình đã tham gia đàm phán, ký kết và tham gia. Với những nguyên tắc này, nếu bắc lên bàn phân xử tính pháp lý, Ukraine đúng hết và Nga sai hết.
Như vậy mặc dù tuyên bố chung đã được viết khéo đi là “cần giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình” (uyển ngữ) thì các đoạn sau như “phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc” hay “có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan” thì tất cả đều có lợi cho Ukraine. Chẳng hạn – những lần đưa ra Liên hiệp quốc để bỏ phiếu phản đối Nga, không có lần nào có lợi cho Nga cả, phần lớn là bất lợi, thậm chí có thể nói là thua dứt điểm, không cần bàn cãi, vì họ hoàn toàn phi lý trước Hiến chương Liên hiệp quốc. Hoặc, nếu xét về “lợi ích chính đáng” thì ai cũng có lợi ích, nhưng không có nghĩa là đem quân đi xâm lược và chiếm đất, đó không phải là chính đáng.
Vị thế của Việt Nam không phải là đi cãi nhau với Nga hay với Ukraine, vì vậy cũng không cần phải đôi co trong những việc như vậy – tức là câu chữ của tuyên bố chung. Tuy nhiên với nội dung như thế này của tuyên bố chung, nếu cần có ý kiến với trường hợp không thể không lên tiếng, thì Việt Nam có điều kiện để đưa ra những tuyên bố hoàn toàn có lợi cho Ukraine.
Tôi đánh giá việc ra một nội dung tuyên bố chung như thế này là thể hiện thế yếu của Nga.
Đánh giá chung thay cho kết luận. Khi có tin tức trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink sẽ ở Hà Nội trong hai ngày 21 và 22-6, có người bạn Facebook nhắn hỏi tôi nhìn nhận như thế nào về vấn đề này. Thậm chí trước khi ông này tới Hà Nội, Hoa Kỳ còn có ý “mục đích của chuyến đi nhằm nhấn mạnh ‘cam kết mạnh mẽ’ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Cũng như hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở và tái khẳng định ‘sự ủng hộ của Mỹ đối với một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng’.”
Người bạn hỏi tôi ý này là như thế nào, vì trước khi Putin đến Hà Nội thì đại diện Sứ quán Hoa Kỳ đã có phát biểu khá thẳng thắn, nay trợ lý ngoại trưởng đến lại với ý khác. Chuyện này theo thiển ý của tôi, quan điểm của Hoa Kỳ như thế nào họ đã nói rõ trước chuyến thăm của Putin, nhưng không vì chuyến thăm vẫn diễn ra mà Hoa Kỳ cần phải làm căng lên – làm như vậy không có lợi cho cả hai bên, không giải quyết được vấn đề gì cả. Nếu so sánh quan hệ Việt Nam – Nga và Việt Nam – Hoa Kỳ thì có thể nói rằng “Nga tuổi gì” – vì vậy Hoa Kỳ có cần làm căng thẳng về việc này hay không?
Vì vậy, chuyến thăm Hà Nội của Putin mặc dù được toàn thế giới đánh giá là “muốn chứng tỏ Nga không bị cô lập” nhưng hóa ra, “được tiếp đón đã là may rồi” và đem về… không gì cả – không có kết quả. Lời nhắn nhe của sứ quán Hoa Kỳ đã đủ để lãnh đạo Việt Nam hiểu cần phải hành động như thế nào, đi với ai… Còn chuyện tình nghĩa thì cứ để nó là tình nghĩa, nếu mài được ra mà ăn thì tốt, nếu không thì cứ để lên bàn thờ ngày ngày thắp hương, cũng vẫn tốt.
Trong những nội dung liên quan đến hợp tác làm ăn kinh tế, đáng kể nhất vẫn là liên doanh Vietsovpetro. Tuy nhiên theo xu thế chung của thế giới việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng giảm bớt, tăng cường sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng… Vì thế những nội dung liên quan đến quan hệ kinh tế Việt Nam – Nga, hầu hết là không thực chất, kể cả lĩnh vực truyền thống là mua bán vũ khí. Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam trước chuyến thăm này đã phát biểu trước Quốc hội: không cẩn thận lại tha những thứ lạc hậu về nhà. Vũ khí lạc hậu hiện nay, chỉ có thể là của Nga.
Vì vậy, chuyến thăm này của Putin tới Hà Nội, theo tôi kết quả của nó khá đáng “chán”.
2. Liên quan đến cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.
Khi chuẩn bị kết thúc chuyến thăm, Putin đã có cuộc họp báo và đã đưa ra một số tuyên bố liên quan đến phương Tây như sau:
“Quả thực, chúng tôi thấy điều này, đang quan sát, họ [tập thể phương Tây] đang không ngừng nâng cao nhiệt độ, làm tình hình leo thang. Rõ ràng, họ đang tin đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ sợ hãi. Nhưng đồng thời họ cũng nói muốn đánh bại Nga trên chiến trường. Điều này có ý nghĩa gì đối với Nga? Điều này có nghĩa là sự kết thúc của lịch sử hàng nghìn năm của nhà nước Nga – tôi nghĩ vậy. Mọi người đều biết rõ. Tại sao chúng ta không nên sợ hãi? Đi đến cùng không phải tốt hơn sao?”
Theo nhìn nhận của tôi, Putin đang không nói về nhà nước Nga hay đất nước Nga, mà ông ta nói về chính quyền của mình. Ông ta lo sợ cho sự tồn tại của nó, vì nước Nga trường tồn, và nhà nước Nga thì không có chính quyền này sẽ có chính quyền khác. Việc ông ta chĩa mũi dùi vào phương Tây cần phải được đặt vào bối cảnh Nga của ông ta vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược hỗ tương, bảo vệ lẫn nhau với Bắc Triều Tiên.
Đây là động thái như hôm qua tôi đánh giá là nhằm phá vỡ thế cân bằng địa chính trị chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á, liên quan trực tiếp đến Hàn Quốc và Nhật Bản, là hai đồng minh tin cậy của Hoa Kỳ. Đi nước cờ này, Nga của Putin nhằm đáp trả quyết định của Hoa Kỳ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa bắn vào các mục tiêu quân sự phục vụ chiến tranh trên lãnh thổ Nga. Nếu điều này thực sự xảy ra, cuộc chiến chắc chắn sẽ đi đến hồi kết hoàn toàn không tốt đẹp gì cho quân đội Nga.
Kết quả của nước cờ này của Putin như thế nào, chúng ta hãy xem các động thái của Hàn Quốc (có hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine hay không) và Hoa Kỳ (có chính thức dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí bắn vào các mục tiêu quân sự phục vụ chiến tranh trên lãnh thổ Nga hay không). Nếu những điều này xảy ra, quân đội Nga sẽ chắc chắn thua.
PHÚC LAI 22.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.