mardi 25 juin 2024

Nguyễn Tuấn Khoa - Nắng ấm sân trường

Tôi lại xách máy đi chụp dạo cho chủ đề Street Photo. Tôi không chụp trên đường phố mà vào Sở Thú để chụp sinh hoạt của du khách.

Đám học trò thấy tôi cầm pro-camera nên nhờ chụp cho cả lớp. Thấy đẹp, tụi nhỏ lại nhờ tôi chụp tụi nó với cô giáo. Chụp xong tôi ngồi ở góc khuất, quan sát sinh hoạt của tụi nhỏ để nhớ về kỷ niệm của thời đi học.

Hôm nay là những ngày cuối cùng của năm học, học trò nhiều trường, từng tốp tụ tập dưới dãy phượng với tán hoa đỏ rực để chụp ảnh.

“Bây giờ còn nhớ hay không?

Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa

Ngây thơ em rủ anh ra

Nhặt được hoa phượng về nhà chơi chung”

(Bây giờ còn nhớ hay không- Nhạc Anh Bằng)

Tụi nhỏ đang vô tư vui đùa kia có biết rằng chúng nó đang sống trong những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời và những ngày cuối cùng ở ngôi trường trung học lại càng đẹp hơn. Những bức ảnh chụp ngày hôm nay sẽ là kỷ niệm đẹp nhưng vẫn chưa đủ để chúng nhớ lại quãng thời gian 7 năm cùng học với nhau…

Ngày xưa những lớp đông con gái thường có những mối “tình hộc bàn”. Những người ngồi cùng bàn khác buổi thường làm quen với nhau và mối tình học trò đẫm nước mắt bắt đầu từ những bức thư không cần người đưa thư này. Ngày nào các trò cũng nôn nóng, đến lớp thật sớm để nhận được lá thư trong hộc bàn. Tình cảm cứ thế đậm đà dần theo thời gian.

Họ trao cho nhau những bức thư lãng mạn, nhớ nhung da diết để rồi lần đầu gặp nhau giữa sân trường nắng ấm mà chẳng nói nên lời. Sử học đường có ghi lại rằng: tình hộc bàn chóng đến rồi chóng đi. Không có cuộc tình nào có một Happy Ending cả. Nó chỉ tồn tại trong một năm học với những hờn giận xen lẫn nhớ nhung. Để rồi ngày bãi trường đánh dấu là ngày tàn của những mối tình bàn học.

Tình hộc bàn rất ít xảy ra ở các trường nam trung học vì nó không phù hợp với tính cách của dân quần dài xanh- áo trắng. Nhiều hơn ở các trường nam nữ học chung, ở đó các trò tỏ mò với cảm xúc tình yêu đôi lứa. Ở trường nữ trung học tình hộc bàn cũng nhộn nhịp lắm, nhưng đó là tình chị em.

Những ngày cuối cùng của năm học, học trò trường nữ trung học lại có những bận rộn khác. Họ chuẩn bị cho mình quyển lưu bút thật đẹp với những hình vẽ rất học trò và cũng rất cải lương. Bên trong quyển lưu bút là giấy pelure đủ màu sắc với trang đầu là những lời tâm sự và tình cảm của chủ nhân dành cho các bạn trong lớp, rồi kèm theo là những tấm ảnh chân dung ưng ý nhất. Lưu bút được trao cho những người bạn thân nhất. Họ đem hết kỹ năng viết văn vụng về để diễn tả một đoạn trường ba tháng xa nhau với những bức ảnh và câu thơ không biết tác giả là ai mà được sử dụng qua nhiều thế hệ:

“Dù cho ảnh có phai nhòa.

Xin đừng xóa bỏ đau lòng bạn thân”

Để tăng phần ướt át, có trò viết câu thơ nghiêng theo đường chéo của quyển sổ rồi ép hoa phượng đỏ thắm vào trang kế tiếp. Có trò còn đưa nhau ra cây phượng để khắc tên hai đứa và thề thốt rằng năm sau sẽ ngồi cạnh nhau.

Ảnh tuy chưa phai nhòa, cũng không ai xóa bỏ nhưng thật tiếc cho đến nay không nghe thấy ai còn giữ được lưu bút học trò của những năm học thời giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Lưu bút là nét văn hóa học đường đặc sắc của các học trò ở thành thị lẫn nông thôn ở miền Nam Việt Nam. Nó thể hiện rõ nhất nét hồn nhiên và tính cách của mỗi bạn, mà nét chữ vẫn còn lưu lại nơi những tờ giấy pelure trắng tinh như tâm hồn của các trò vậy.

Tôi đi ngang trường cũ thấy học trò lăng-xăng cho văn nghệ ngày bãi trường. Tôi cố tìm hình ảnh của tôi ở đâu đó trong đám học trò mang khăn quàng đỏ này. Tôi không thấy gì, chỉ thấy Tình Hộc Bàn, Lưu Bút Ngày Xanh, Hoa Phượng đỏ, câu hát “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” và Nắng Ấm Sân Trường đầy kỷ niệm.

NGUYỄN TUẤN KHOA 24.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.