samedi 1 juin 2024

Nguyễn Thanh Huy - Cần pháp lý trước những ảo tưởng quyền lực


Ngày 29/05/2024 có hai vị trở thành spotlight khắp cõi mạng. Sự chú ý đến họ có phần “lấn lướt” sư Minh Tuệ. Chỉ khác là sự nổi tiếng bất ngờ đó mang tính tiêu cực. Làm nên một sự tương phản rõ nét giữa tốt - xấu, thiện - ác; đạo - vô đạo; nhân - phi nhân, pháp - phi pháp.

Sự thể là, chiều muộn ngày 28/05/2024, sư Minh Tuệ và các huynh đệ tòng tu tìm đến một nghĩa địa gần cầu Hiền Lương (thuộc xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) để nghỉ lại qua đêm.

Đột nhiên, xuất hiện hai gương mặt đầy uy quyền, thái độ gắt gỏng, chống nạnh kênh kiệu (được biết đó là hai ông quan to nhất xã), đuổi sư Minh Tuệ và những người cùng theo phải rời khỏi địa bàn khẩn trương. Thời điểm ấy, tất cả mọi người đã quá mệt mỏi vì cả ngày đi đầu trần chân đất, nhưng họ đành phải lê bước thêm 3 km nữa trong đêm mới đến được một nghĩa địa khác thuộc làng Võ Sá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Ơn Phật, họ đã có chỗ nương nhờ!

Sau khi những video và hình ảnh rất chân thực về chân dung hai vị quan xã này được công bố, nó tạo nên một làn sóng bất bình, giận dữ, phẫn nộ, và cả nguyền rủa của cộng đồng đối với cách hành xử vô lương, vô cảm ấy. Bên cạnh đó, có một vài ý kiến bảo vệ cho hai vị quan này, rằng do địa phương đó nhân dân không theo bất kỳ tôn giáo nào.

Chưa cần xem xét cách giải thích (về niềm tin tôn giáo) đó có khách quan hay không, thì rõ ràng đây là một sự bao biện vô căn cứ và khó chấp nhận.  Vì lẽ, vấn để cho sư Minh Tuệ cùng những đồng tu khác ở lại ngay lúc họ đang quá mệt mỏi mà lỡ bước giữa trời đêm, nó thuộc về đạo lý, nhân nghĩa, tình người trong quan hệ giữa người với người. Cho nên, chỉ có thể lý giải thỏa đáng ở đây là sự vô cảm, lạnh lùng mà nó nằm sâu trong tâm thức của họ.

Nhưng chúng ta cũng không cần quan tâm đến sự ban phát tình cảm, đạo đức ấy.

Điều mà chúng ta cần làm rõ là:  Cơ sở pháp lý nào để một chủ tịch xã có quyền trục xuất một công dân Việt Nam đang ở trên chính lãnh thổ Việt Nam? Hay có phải địa bàn của một xã là cát cứ và thuộc quyền cai trị độc lập của lãnh đạo xã, nghĩa là nó tách ra khỏi chỉnh thể lãnh thổ của một quốc gia?

Theo luật sư Trần Đình Dũng, sau khi rà soát lại các quy định pháp luật, ông không tìm thấy bất kỳ quy định nào cho phép Chủ tịch UBND Xã trục xuất người khác ra khỏi địa bàn.

Tại Điều 23 Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam hiện hành nêu rõ: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Và thẩm quyền trục xuất có quy định tại Điều 5 Nghị định 112/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 của Chính phủ; và Khoản 5, Khoản 7 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, chỉ có Giám đốc Công an tỉnh và Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, mới có đủ thẩm quyền.

Và luật sư Dũng giải thích thêm: “Ở bất cứ nơi đâu, công dân Việt Nam cũng có thể đi lại, cư trú, miễn là đừng vi phạm các quy định pháp luật. Và một người nghỉ lại qua đêm tại nghĩa địa, nếu không đập phá mồ mả, không gây tiếng ồn, thì không ai có thể ngăn cấm họ nơi công cộng này. Nghĩa địa là nơi công cộng, khác với nghĩa trang cũng là nơi công cộng nhưng có ban quản lý.”

Theo đó, ta rút ra ba kết luận như sau:

1- Quyền cư trú qua đêm là quyền Hiến định tại Điều 23 Hiến pháp (như trích dẫn ở trên).

2- Quyền trục xuất thuộc về Giám đốc Công an cấp Tỉnh và Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

3- Chủ tịch UBND Xã không có quyền trục xuất bất cứ công dân Việt Nam ra khỏi địa bàn mình đang quản lý.

Như vậy, việc trục xuất (sư Minh Tuệ và những người đồng tu) của hai vị đứng đầu xã (chủ tịch & phó chủ tịch) nói trên là vi hiến và không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào.

Chúng ta hay nói về một nhà nước pháp quyền, nghĩa là đề cao đến sức mạnh và sự vận hành của luật pháp. Ở đó là tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, luật pháp không có tính giai cấp hay những tiêu chuẩn kép.

Đối với người dân, họ có thể không biết hết các quy định của pháp luật (vì nhiều lý do), nhưng người lãnh đạo, người thực thi pháp thì không thể không nắm chắc những quy định, quyền hạn cho phép. Vì nếu không, họ sẽ làm việc bằng cái gì? Bằng tình cảm riêng tư chăng? Hay bằng những cảm xúc vui buồn tùy hứng?

Tất cả sự vô pháp sẽ dẫn đến những hệ lụy hết sức nguy hiểm, làm suy yếu, bào mòn những cơ sở pháp lý; đồng thời dẫn tới nhiều bất an cho nhân dân.

Tóm lại, qua sự việc đáng tiếc trên, nếu như lỗi do cán bộ không nắm kỹ các quy định và quyền hạn cho phép, thì họ, hoặc do ảo tưởng quyền lực, hoặc cố tình đứng trên Hiến pháp và Luật pháp.

Ps: Tôi tin chắc, người dân Quảng Trị sẽ cảm thấy hơi buồn, hơi tiếc bởi việc này. Vì dù gì, một con sâu cũng làm rầu cả nồi canh.

NGUYỄN THANH HUY 30.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.