vendredi 24 mai 2024

Thái Hạo - Bánh vẽ


Có một người nọ, sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng đã tìm ra công thức và cách làm một loại bánh ngon đặc biệt. Loại bánh này tốt cho sức khỏe, tốt cho cả tinh thần, có thể cứu đói và mang đến nhiều giá trị khác nữa cho đời sống con người.

Người ấy vốn tính tình phóng khoáng, rộng rãi, nên đã không giữ riêng cho mình, mà ngược lại, mang đi chia sẻ rộng rãi cho tất cả. Vì thấy bánh ngon, có nhiều người đã học theo và làm loại bánh này. Và vì cảm công lao và tấm lòng của người thợ làm bánh năm xưa, người ta thờ ông như thờ một tổ nghề.

Thời gian thấm thoát trôi đi, mỗi ngày một dài rộng, trên thế giới ngày càng đông người thờ vị tổ nghề kia, nhưng dần dà không ai bắt tay vào làm bánh nữa. Họ tạc những pho tượng lớn, xây những ngôi đền nguy nga, ngày ngày thắp hương lễ lạy và cầu nguyện, mong ông tổ sẽ ban cho họ món bánh tuyệt hảo trong truyền thuyết.

Người ta lũ lượt rủ nhau đi hành hương, chiêm bái, mang theo hoa tươi, quả ngọt và lòng mong cầu tha thiết; họ quỳ mọp và ước nguyện. Có những người khác thì mang công thức làm bánh xưa ra, ngày ngày đọc tụng, ghi chép, nghiên cứu, giảng giải, ca ngợi... nhưng tuyệt nhiên không bắt tay làm.

Thử nghĩ xem, với tất cả những việc làm ấy, món bánh có vì thế mà hiện ra không?

Đó là tình trạng của đạo Phật hiện nay. Cái ông thầy làm bánh năm xưa đã bị biến thành một vị thần, và cái việc làm bánh chỉ còn là những đốt nhang, cúng bái, dâng lễ, quỳ lạy, van xin. Người có trí não bình thường mà xem cách ấy, chắc phải phì cười hoặc thương xót.

Có một chân lý rất giản dị, là muốn có bánh ăn thì đầu tiên phải học để nhớ công thức và cách thức làm. Sau đó bắt tay vào thực hiện: chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, phối trộn, nặn hình, ủ bánh... Phải kiếm củi, chuẩn bị nồi niêu, canh lửa... Dù đã có công thức, nhưng vẫn có thể sẽ thất bại nhiều lần, cho đến khi thành công là cả một sự kiên trì và không bỏ cuộc. Khi đã thuần thục và lành nghề, người ấy có thể chủ động biến hóa chứ không còn cứng nhắc trong việc làm bánh nữa.

Làm bánh mà còn phải thế, chứ học cách giải thoát khỏi khổ đau thì còn khó hơn vạn lần. Tin Phật, sùng bái Phật, kính ngưỡng Phật và suốt ngày mang lời Phật nói ra để đọc lại nhưng không bắt tay vào thực hành, thử hỏi sẽ có kết quả gì? Những người này mà so với một người vô tình nhặt được cuốn sách có “công thức thoát khổ”, không biết tác giả là ai, chẳng sùng bái hay lạy lục, không cần ca tụng hay tán thán, nhưng vì thấy hợp lý mà mang ra áp dụng, ai sẽ đạt được kết quả?

Biến ông thầy làm bánh thành thần rồi đặt ông ta lên bàn thờ và suốt ngày cầu nguyện để có bánh ăn, phải chăng không có sự buồn cười nào lớn hơn? Ngày nay, nhiều người thích tin Phật, sùng bái Phật, thậm chí bảo vệ Phật, nhưng chẳng có mấy ai làm như Phật làm. Và vì thế, suốt đời ăn bánh vẽ.

THÁI HẠO 24.05.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.