Là đất chết!
Nơi nào mà đất chai cứng vào mùa khô và nhão nhoẹt bùn lầy vào mùa mưa, thường là đất chết.
Khi không còn độ mùn thì đất chết! Không có độ mùn thì dù có cày đất tơi xốp thì nước ngấm hết chứ không giữ lại độ ẩm, nên mùa hạn dù có tưới cây thật nhiều thì cây chỉ hút được một phần nhỏ và đa số bốc hơi.
Tương tự, vào mùa mưa, đất không có độ mùn để giữ nước thì nước cứ từ cao trôi xuống thấp và lỗi luôn cả đất tạo thành lũ nước, lũ bùn.
Cách mà những người nông dân ở các vùng cao như Tây Nguyên, Tây Bắc đang canh tác đơn canh ở nơi từng là rừng đa dạng sinh học, cũng góp phần vào việc thiếu nước mùa khô và lũ lụt mùa mưa.
Những cánh rừng già càng đào sâu xuống thì lớp mùn càng dày. Chúng là tích tụ của trăm năm, ngàn năm và thậm chí cả triệu năm. Có một điều chắc chắn là càng là rừng già thì trầm tích của nó càng chắc chắn là than bùn.
Rừng càng già càng đa dạng tầng tán và càng sâu các lớp trầm tích có thể giữ nước. Những cánh rừng đơn canh như tràm, keo, cao su được trồng trong mấy mươi năm gần đây không có những trầm tích như vậy, bởi cao lắm là 25 năm (với cao su) hay chỉ 3-6 năm (với tràm, keo) là khai thác gỗ. Thời gian tích tụ không còn, và càng trồng đơn canh thì phân thuốc càng nhiều mà cây càng đẹt.
Sau mỗi một đợt cực đoan thời tiết như đại hạn xong thì sẽ tới lũ lụt cực mạnh. Tây Nguyên đã ở mức hạn và nóng hiếm có của lịch sử thì hạ nguồn của Tây Nguyên cũng nên chuẩn bị cho những đợt lũ lụt lớn sắp tới.
Đất đai và cây cối có trước con người, hãy tôn trọng và hòa thuận với chúng thay vì nhân danh phát triển rồi đánh đổi lấy những hậu quả ngày càng lớn.
Có lẽ cứu những xe nước từ thiện vào mùa khô và những chuyến mì tôm vào mùa mưa sẽ rất dễ gây niềm xúc động. Những cái cần cứu nhất chính là trang bị tri thức biết khiêm hạ và tuyệt đối tôn trọng tự nhiên cho những người đang đuổi theo các hão vọng phát triển kinh tế bất chấp.
Đất chết thì người sống nổi sao?
MAI QUỐC ẤN 06.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.