Trên báo chí truyền thông nhà nước hầu như chỉ đưa tin hoạt động rất tích cực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, mà không thấy hoạt động của 63 Ban phòng chống tham nhũng địa phương.
Vậy từ khi thành lập đến nay các ban địa phương này làm gì, khui ra bao nhiêu quan chức cấp tỉnh, huyện, xã tham nhũng?
Câu hỏi đó đang rớt vào cõi im lặng.
Đã đến lúc phải đặt câu hỏi, có cần thiết hay không các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các tỉnh. Khi mà nó là bản sao chồng chéo một tổ hợp các lãnh đạo đảng phụ trách khối tổ chức, nội chính và lãnh đạo khối nội chính của chính quyền, dưới sự chỉ huy của bí thư tỉnh ủy?
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các tỉnh sẽ khó có tác dụng khi đây là sân cỏ của cuộc đua “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Không ai lấy đá ghè chân mình trừ khi ghè… diễn.
Vai trò của các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng hàng loạt tỉnh như Bắc Giang, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bến Tre, Quảng Nam… ở đâu, khi chính các bí thư các tỉnh đó đồng thời là trưởng ban chỉ đạo luôn được 100 % phiếu tín nhiệm cao, nhưng lại là tội phạm tham nhũng tệ hại? Trên truyền thông nhà nước chưa thấy một ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nào các tỉnh trên đưa ngài trưởng ban ra luận tội và kỷ luật? Các quan ngài trên đều bị vạch mặt bởi bộ Công an và Ban chỉ đạo trung ương.
Người Dân có quyền đặt câu hỏi, ngay cả Ban chỉ đạo trung ương nếu không do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người được thừa nhận là sạch sẽ trong lĩnh vực kinh tế là trưởng ban - thì liệu Ban chỉ đạo trung ương có được những hoạt động mạnh mẽ như hiện nay không?
Nên nhớ thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban, rất ít quan chức cao cấp ra tòa hoặc bị cách chức.
Rõ ràng một ban rất quan trọng mà hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò người đứng đầu, thì có nên xem xét lại cơ cấu tổ chức và tính pháp lý cũng như vai trò của nó không?
Một nhân vật có ảnh hưởng chính trường hỏi gã mô hình nào thích hợp trong giai đoạn thực tiễn hôm nay, để phòng chống tham nhũng hiệu quả?
Với tư cách công dân gã cho rằng, với thực tiễn chưa có tam quyền phân lập và đa nguyên chính trị theo điều 4 Hiến pháp, thì đảng phải thực hiện Hiến pháp sớm nhất có thể. Yêu cầu Quốc hội thông qua “Luật thành lập hội” và “Luật biểu tình” như Hiến pháp quy định, để người Dân chính danh thực hiện quyền làm chủ và quyền giám sát của mình.
Người Dân với hội đoàn chính danh của mình có quyền thành lập “Ủy ban thực thi Luật pháp”. Chọn những người trong sạch trong Dân vào ủy ban. Lấy ủy ban này là nòng cốt thiết lập quyền giám sát trật tự kỷ cương phép nước. Một khi phát hiện quan chức ăn hối lộ, tham nhũng họ đưa ra công luận. Nếu tổ chức cấp trên của quan chức này bao che thì họ tổ chức biểu tình theo luật định phản đối.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Dân biết hết tất cả đấy.
Đúng vậy, nhưng tại sao tham nhũng vẫn tràn lan? Là do bọn tham nhũng không sợ Dân.
Làm thế nào để bọn tham nhũng phải sợ Dân?
Đó, trao “Luật tổ chức hội” và ”Luật biểu tình”, tức là trao quyền lực thực sự cho Dân thì bố bảo các quan chức dám tự do ăn cướp, ăn cắp vô tội vạ đồng tiền mồ hôi nước mắt của Dân.
Và khi đó, không có chuyện hàng loạt quan tai to mặt lớn dính tới tham nhũng chỉ giản đơn “thôi chức”, để hạ cánh an toàn với núi của mà chúng tham nhũng, làm mất uy tín đảng cầm quyền và người lãnh đạo đảng cầm quyền ấy như hiện nay.
LƯU TRỌNG VĂN 02.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.