jeudi 2 mai 2024

Dương Quốc Chính - Kênh Phù Nam và Liên bang Đông Dương

Kênh Phù Nam Techo rút bớt lưu lượng nước sông Mêkông không quá nhiều như nhiều người đồn đoán. Nếu tính một cách tương đối về diện tích mặt cắt dòng sông, thì kênh Phù Nam có độ rộng trung bình khoảng 80-100 mét ở trên và khoảng 50 mét ở dưới (mặt cắt hình thang), độ sâu nước trung bình 4,5-5 mét.

Trong khi sông Hậu (kéo dài của sông Bassac mà kênh Phù Nam đấu vào), có độ rộng nhỏ nhất tầm 450 mét, độ sâu khoảng 15 mét. Vì mặt cắt sông tự nhiên biến đổi rất nhiều (chỗ rộng nhất có thể tới 4,5 kilomet, sâu 50 mét ở hạ lưu), nên mình tạm tính chỗ nhỏ nhất.

Như vậy suy ra lưu lượng nước của Phù Nam chỉ tối đa 1/10 của sông Hậu, chưa tính sông Tiền là nhánh trên. Lưu ý là kênh Phù Nam đấu cả vào hai nhánh sông của Campuchia (xem bản đồ).

Vì kênh Phù Nam chỉ là kênh đào, nên vì lý do kinh tế, Campuchia không thể đào quá rộng để có thể lấy 50-70 % lưu lượng nước sông chảy về Việt Nam như nhiều người lên tiếng cả trên mạng xã hội và báo chí Việt Nam.

Với kích thước trên, tàu thuyền đi trên sông cũng không thể quá to như tàu vào các cảng quốc tế. Mình cho rằng con kênh này chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề tưới tiêu, thủy lợi cho miền Nam Campuchia, như đa số các con kênh thủy lợi khác.

Về vận tải thủy, sẽ không hiệu quả so với chuyển bằng tàu hay đường cao tốc, mà chi phí thì cao hơn nhiều. Campuchia hiện vẫn có đường cao tốc chạy ra cảng Sihanouk ville theo hướng con kênh này. Đợt đi du lịch Campuchia mình đã đi con đường này, không mất phí như ở Việt Nam.

Nếu vận chuyển hàng sang các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật, Hàn, Đài), Campuchia dùng đường bộ xuyên qua Việt Nam để đi qua cảng của Việt Nam thì lợi hơn là đi đường cảng Sihanoukville, vì khi đó sẽ phải vòng xuống dưới Cà Mau để quay ngược lên. Sihanoukville chỉ có lợi thế khi chuyển hàng sang châu Âu, bờ Đông Mỹ. Tuy nhiên, cảng này cũng quan trọng, khiến cho Campuchia có thể độc lập với Việt Nam được, do có đường ra biển, trong khi Lào không thể thoát khỏi Việt Nam do buộc phải đi nhờ cảng của Việt Nam. Đó là lý do Lào luôn thần phục Việt Nam!

Vậy Campuchia đào con kênh này với vốn của Trung Quốc (dạng BOT) chủ yếu với mục đích thủy lợi và tăng khả năng vận chuyển từ nội địa ra cảng Sihanoukville, giảm bớt sự phụ thuộc vào cảng của Việt Nam.

Lý do quân sự kiểu như để tàu chiến (Trung Quốc) áp sát mặt Tây của Việt Nam hơn mình cho là cũng có, nhưng không phải hiệu quả lắm, vì cũng không gần biên giới Việt Nam lắm. Chỗ gần nhất lại chính là ở cửa kênh thông ra biển, trong tầm pháo kích, thì Việt Nam chỉ cần khống chế cái cửa kênh đó là êm về mặt an ninh quốc phòng. Không phải là quá nguy hiểm về an ninh cho Việt Nam, do cũng không quá khó để phòng thủ ở đây.

Điều đáng lo ngại nhất mà có lẽ chưa thể tính toán chuẩn là sự biến đổi về hệ sinh thái sông nước của sông Mêkông, do tác động của con kênh này, rất khó lường về sự sạt lở, đổi dòng và sự biến đổi các sinh vật trên sông. Cái này ảnh hưởng lâu dài và khó tính toán.

Con kênh này cũng là con bài của gia đình Hun Sen/Manet để gây sức ép với Việt Nam, thể hiện sự độc lập của Campuchia với Hà Nội, cũng như việc dựa vào Trung Quốc làm đối trọng để dằn mặt Việt Nam.

Vậy Việt Nam nên làm gì?

Mình cho rằng, việc to tiếng chửi bới chính quyền Campuchia không giải quyết vấn đề gì, họ đâu có sợ Việt Nam nữa, khi có Trung Quốc bảo kê rồi. Hơn nữa, con kênh nằm trên đất Campuchia, Ủy hội sông Mêkông cũng chỉ là một tổ chức lỏng lẻo, không thể có chế tài ngăn chặn một nước nào phải làm gì hay không được làm gì ở con sông này.

Thực tế Lào cũng đã từng dùng tiền của Thái để đắp đập làm thủy điện, lấy nước từ sông Mêkông. Quyền lợi quốc gia vẫn là trên hết. Không thể to mồm chửi mà được. Ở Bắc Phi và Trung Đông, chiến tranh đã nổ ra nhiều lần chỉ về nguồn nước. Nhưng ở đây chưa tới mức độ đó và chiến tranh không còn là cách tốt nhất.

Giải pháp hòa bình, win-win vẫn nên là cách lâu dài, như việc để Campuchia sử dụng cảng của Việt Nam để chuyển hàng. Việc sông Tiền và Hậu Giang bị giảm nước thì đã có từ trước khi có kênh Phù Nam, do biến đổi khí hậu và việc các nước thượng nguồn đắp đập giữ nước. Điều này không tránh khỏi. Nên Việt Nam cũng cần chủ động về đê điều, hồ, để giữ nước ngọt, đồng thời chủ động chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng với việc bị nhiễm mặn. Đấy là cách thuận tự nhiên, nếu không thể/muốn đem quân đi đánh Campuchia, Lào...

Việc Campuchia dựa vào Trung Quốc làm đối trọng với Việt Nam là cách rất khôn khéo, không thể chửi họ vì họ...khôn! Điều này Campuchia đã làm tốt khi chủ động mời người Pháp bảo hộ, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Sau đó Lào cũng làm vậy.

Lào và Cam đã lựa chọn đúng khi chủ động nhờ Pháp bảo kê, còn hơn để Đại Nam và Thái bảo kê, do Pháp mạnh hơn nhiều. Nếu không có người Pháp, rất có thể bây giờ Cam và Lào đã thuộc về Việt Nam rồi. Bây giờ Pháp được thay bởi Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang có ảnh hưởng về kinh tế ở Lào hơn Việt Nam nhiều, nhất là với dự án đường sắt cao tốc xuyên Lào để chở hàng Tàu qua...Thái! Lào đã dính bẫy nợ của Trung Quốc.

Xin lưu ý rằng, người Campuchia và Lào trước đây không có ý đồ chống Pháp như Việt Nam, có một số nhóm quốc gia (không cộng sản) cũng chống Pháp nhưng không phải dòng chủ lưu. Người cộng sản Campuchia và Lào chống Pháp chủ yếu do Việt Nam giật dây.

Từ vấn đề chia sẻ quyền lợi và tranh chấp nguồn nước từ sông Mêkông, chúng ta nhận thấy rằng nếu Liên bang Đông Dương còn tồn tại, thì việc xử lý các vướng mắc này sẽ dễ dàng hơn nhiều, và đây là điều đáng tiếc nhất với Việt Nam. Xin nhớ rằng, hồi mới lập Đông Dương, việc khó nhất là chia lại lãnh thổ ba nước Đông Dương và Thái, Trung Quốc, người Pháp đã làm dễ dàng và tương đối hợp lý, nên bản đồ đó vẫn là nền tảng để phân định biên giới ngày nay.

Nếu còn Liên bang Đông Dương, thì với sức mạnh của Việt Nam, người Việt sẽ vẫn nắm quyền lực chi phối liên bang, thủ đô Đông Dương vẫn là Hà Nội hoặc Sài Gòn. Người Pháp lúc đó có thể chỉ còn vai trò tượng trưng kiểu nữ hoàng Anh đối với Úc, Canada...hoặc phải rút lui hoàn toàn.

Điều quan trọng nhất nếu còn Liên bang Đông Dương là không có ba cuộc chiến tranh Đông Dương 1, 2, 3 huynh đệ tương tàn. Không có hàng triệu người Việt bỏ mạng vì chiến tranh và cả trăm ngàn người làm mồi cho cá hoặc thiệt mạng trên đường vượt biên.

Có thể nhận thấy, tổng bí thư Lê Duẩn đã có mưu đồ tái lập Đông Dương theo kiểu vua Minh Mạng, tức là biến Lào, Cam thành chư hầu hoặc sáp nhập, nhưng đã không thành công. Liên bang này chỉ tồn tại hòa bình dưới sự cầm trịch của người Pháp, cũng như nước Ấn Độ vĩ đại chỉ tồn tại được dưới sự quản lý của thực dân Anh.

Trong tương lai, nếu ba nước Đông Dương tái lập được một cách hòa bình thì cũng khá hay, nhưng khả năng gần như bằng không vì Campuchia luôn đề phòng bị Việt Nam ăn thịt!

Anh em cần lưu ý về cái tên Funan Techo của con kênh, nó là tên của quốc gia tiền thân của nước Chân Lạp (sau là Campuchia). Phù Nam nguyên có lãnh thổ bao trùm toàn bộ Nam Kỳ (lúc đó gần như đất hoang, thưa người). Techo có nghĩa đại khái là vĩ đại, hoành tráng, tối cao. Từ đó cho thấy tham vọng của gia đình "Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen" trong tiếng Khmer hay "Lord Prime Minister and Supreme Military Commander" trong tiếng Anh, tiếng Việt có nghĩa là Thủ tướng Samdech Hun Sen kiêm Tư lệnh quân đội tối cao”.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 02.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.