Tu hạnh đầu đà là đã tự giác nhận kiếp nạn về mình.
Gốc tu này không phải "phát minh" của Phật giáo mà ở nhiều tôn giáo.
Phương Tây và Trung Đông từng có sự thực hành chủ nghĩa khắc kỷ của giới tăng lữ mà người đời phong là Thánh. Ngay tại Ấn Độ, trước khi Đức Phật Thích Ca xuất gia, đã từng có vô số nhà tu thực hành lối sống khắc khổ, ăn ngày một bữa chay hoặc thậm chí nhịn ăn nhiều ngày, mặc y rách rưới hoặc ở trần, không tắm rửa. Tại Ấn Độ hiện nay vẫn còn gặp nhiều nhà sư như vậy.
Sáu năm đầu xuất gia, thái tử Tất Đạt Đa đã từng tu theo cách ấy. Sáu năm đầu, với cách tu như vậy, ngài rơi vào suy kiệt và nhận ra đường tu bất thành chánh quả nên trở lại ăn uống bình thường. Nhờ khôi phục sinh lực ngài mới đi đến giác ngộ và hào quang tỏa sáng.
Ngài nhận ra con đường "trung đạo", không rơi vào hai thái cực, hoặc dục lạc hoặc khắc khổ. Tuy nhiên, trong các đệ tử của ngài vẫn có người duy trì hạnh đầu đà truyền thống. Tiêu biểu là Ca Diếp, về già tuổi cao sức yếu vẫn duy trì hạnh đầu đà. Phật khuyên: "Này Ca Diếp! Nay thầy đã lớn tuổi, già cả, quá suy, lọm khọm, vậy thầy nên bỏ hạnh khất thực, cho đến các hạnh đầu đà, mà nên nhận lời mời của các trưởng giả và nhận y áo" (Kinh Tăng nhất a hàm, tập 1, phẩm Nhập đạo).
Ca Diếp xin không nghe lời Thế Tôn, vẫn duy trì cho đến chết. Phật vẫn "tán dương" "lành thay" là ở nghĩa chính hạnh đầu đà giúp con người từ bỏ dục lạc của thân xác chứ chưa phải là con đường đi đến giác ngộ.
Tôi hình dung, cảnh giới cao nhất mà Đức Phật đặt ra không phải chính mình tạo khổ hạnh cho mình, mà chính thử thách của cuộc đời tạo ra khổ hạnh (đời là bể khổ) để mình vượt qua.
Tôi không rõ, trên đường hành giả Thích Minh Tuệ đi, ngài đã gặp khổ nạn nào. Nhưng trước mắt, đám người bao vây ầm ĩ làm cho ngài bị dư luận trái chiều giằng xé, bị ma quỷ nấp bóng quyền lực thế tục tấn công đã là một kiếp nạn lớn đầy thách thức với ngài. Ngay cả sự cám dỗ của danh tiếng cũng là thách thức. Không vượt qua được mà phải trong cảnh "ở không yên ổn, ngồi không vững vàng" thì coi như đường tu của ngài đã thất bại.
Hiện có thông tin đoàn người nơi quê hương của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đeo bám ngài để xin phước đông vô kể, đông hơn ma quỷ ở Thập điện Diêm Vương kéo lên. Đã có người đổi ruột nồi cơm điện của ngài để lấy phước. Và cái "y bát" ấy đang buộc phải đổi mới nhiều lần từ những kẻ "háo phước". Không chừng sẽ có người rình chờ ngài đi tắm, đánh cắp y của ngài, giống như có người lấy trộm cà sa của Đường Tăng trên đường đi Tây Trúc!
May mà ngài đã xuống tóc chứ không chừng sẽ có đám người thi nhau nhổ tóc ngài làm xá lị. Và xem chừng có kẻ đòi ăn thịt ngài để được trường sinh bất lão như trong truyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân.
Chữ "phước báu" lâu nay bị nhà tu và đám đông hiểu lệch lạc ở lợi ích vật chất có thể biến ngài thành con mồi của dục vọng.
Ở đất nước mông muội như đất nước này, không gì không thể diễn ra. Cầu mong ngài vượt qua thử thách của chính cuộc đời này (chứ không phải thử thách của hạnh đầu đà) để đi vào con đường chính đạo!
CHU MỘNG LONG 18.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.