1- Sáng nay, đó là câu hỏi đầu tiên của tôi : Tại sao không dán nhãn sách 13+, 16+, 18+ như các sản phẩm điện ảnh?
Một số lý giải rằng do phim với hình ảnh có tác động quá mạnh với trẻ em nên phải thế! Lý giải này không thỏa đáng: Ngôn ngữ với một số người còn có tác động mạnh hơn cả hình ảnh, để lại ấn tượng sâu sắc và khủng khiếp hơn. Âm thanh cũng vậy.
Một hình ảnh chết chóc chúng ta nhìn thấy có khi không gây sốt bằng một hình ảnh chết chóc như vậy khi đưa vào phim ảnh, và có thể còn khủng khiếp hơn khi nó được nhà văn viết bằng ngôn ngữ.
Vậy, sách rất nên được phân loại như phim để các phụ huynh có thể định hướng cho con cái đọc. Sách nên dán nhãn 13+, 16+, 18+...
2- Một cuốn sách có thể được đánh giá là tuyệt hay, được rất nhiều giải thưởng lớn? nhưng không hẳn phù hợp với mọi độc giả. Việc gắn nhãn không làm giảm đi giá trị của tác phẩm, đó chỉ là sự định hướng cho độc giả để tìm và đọc nó thích hợp với lứa tuổi.
3- Tôi đọc rất nhiều bài, nhiều Facebook khoe đã đọc Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, Lady Chatterley's Lover, Lolita...khi còn rất bé. Họ vẫn lớn lên bình thường không bị ảnh hưởng gì và trên kinh nghiệm bản thân, họ tuyên bố: Trẻ em đọc sách có yếu tố tình dục không có vấn đề gì.
Một kinh nghiệm của bản thân, không là kinh nghiệm chung cho tất cả. Tôi tin rất nhiều bạn bè tôi từng xem phim đen chiếu lậu bây giờ cũng sẽ tuyên bố không ảnh hưởng gì. Nhưng tôi biết rõ những thứ ấy đã tác động xấu đến họ rất nhiều ở tuổi trưởng thành. Các nhà giáo dục phải đưa ra quyết định phù hợp với số đông.
Khi những tác phẩm đó, hoặc một số chương đoạn trong tác phẩm không phù hợp với lứa tuổi nào đấy, chúng ta cần cân nhắc khi lựa chọn, mang đến cho các em.
4- Tôi thấy nhiều nhà văn, nhiều nhà lý luận phê bình...lấy sự hiểu biết của mình để đè bẹp tiếng kêu của người mẹ phụ huynh. Nhưng theo tôi quyền lo lắng của người mẹ đó hoàn toàn chính đáng.
Bà với tư cách một người mẹ, hiểu và đồng cảm với đứa con của mình, bà hoàn toàn có quyền lên tiếng về những gì nhà trường mang ra dạy cho con mình mà bà thấy không phù hợp.
5- Nhiều lập luận theo hướng: Ối cái bà phụ huynh này lo xa, ở tuổi nó, nó vào mạng đã coi đủ thứ tình dục còn khủng khiếp hơn.
Có thể vậy, con bà đã tìm coi, coi theo kiểu tò mò của trẻ. Nhưng nó khác với việc chúng ta hướng dẫn chúng coi cái gì: Vì đó là định hướng. Điều đó, trẻ sẽ hiểu: Cái này là công khai và là bình thường...
6- Bỉ vỏ, một tác phẩm rất nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng được giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn. Nguyên Hồng đúng là khủng khiếp khi mới 16 tuổi đã viết được một cuốn tiểu thuyết như vậy.
Bỉ vỏ là một tác phẩm hay, nhưng tôi không mong muốn con trai tôi đọc nó khi còn dưới 16 tuổi. Bởi thế giới trong cuốn tiểu thuyết ấy có thể mang đến cho tâm hồn nó nhiều sự u ám hơn sự tươi sáng và tốt đẹp ở tuổi nó.
ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN 05.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.