jeudi 4 avril 2024

Phúc Lai - Những vấn đề tiếp theo bài viết « Tháng đầu tiên của năm thứ ba »

 

(Vài gạch đầu dòng về cuộc chiến tranh ở Ukraine – ngày 04/04/2024)

1. Có đúng bom lượn được lắp động cơ tên lửa để tăng tầm?

Có một người hỏi tôi vì “ai đó bảo thế,” tôi nói tôi mù mờ về vũ khí, nhưng đã đi tìm thông tin thì không thấy chỗ nào nói như vậy, mà bom lượn của Nga được lắp thêm bộ cánh lượn ở trên, như trong bức ảnh này.

Đó là quả bom FAB-1500 M-54, nó có bộ cánh lượn được lắp thêm vào quả bom cỡ lớn chứ không phải là được thiết kế từ đầu. Một trong những nguyên tắc của thiết kế vũ khí của Liên Xô – Nga là hạn chế việc nâng cấp quá nhiều gây tăng chi phí phát sinh mà không hiệu quả. Điều này đã thể hiện rất rõ trong quan điểm chủ đạo từ thời chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Thời đó, họ so sánh với đối thủ trực tiếp là nước Đức quốc xã. Nhận ra rằng việc dễ nhất khi tiếp nhận những yêu cầu từ mặt trận, các nhà thiết kế sẽ chạy theo những yêu cầu đó: nâng cấp vỏ giáp cho xe tăng, làm xe nặng thêm nên lại nâng công suất động cơ, xe lại nặng tiếp lên… và chạy theo nâng cấp hỏa lực, cuối cùng ra một cái xe rất nặng.

Sai lầm của Đức là giảm sản lượng xe tăng Panzer IV, một loại xe tăng hạng trung rất thành công và hiệu quả với chi phí sản xuất thấp, hoạt động cực tốt trên chiến trường mặt trận phía Đông. Loại xe tăng này chỉ nặng có 25 tấn, vỏ thép vừa phải nhưng pháo chính của nó đường kính 7,5cm, độ cơ động trong điều kiện đường sá ở Liên Xô là không phải bàn. Nó được đưa ra chiến trường số lượng lớn, đã đóng vai trò hỗ trợ cực tốt cho bộ binh.

Nhưng Hitler và thậm chí một số tướng lĩnh của hắn, vẫn đam mê với chiến tranh chớp nhoáng Blitzkrieg, thích có những vũ khí thay đổi cuộc chơi và lao vào xe tăng to hơn, tuy là “hạng trung” nhưng vẫn nặng hơn rất nhiều. Panther (PzKpfw V) là một ví dụ điển hình nhất. Đây là kiểu xe tăng tốt nhất trong chiến tranh thế giới 2, với những đặc điểm thiết kế giống T-34 “vỏ thép dốc” nhưng nó lại không phù hợp với chiến trường vì khá nặng, đồng thời nhiều nhược điểm làm cho nó vừa tốt, vừa không tốt trên thực tiễn. Sai lầm hơn nữa là xe tăng Tiger của Đức, lại còn to và nặng hơn Panther nữa.

Hồi đó Liên Xô con nhà nghèo, nên không cố thay đổi quá nhiều trừ phi cho ra một mẫu vũ khí mới. Vì vậy việc nâng cấp T-34 lên T-34-85 là một thay đổi lớn nhất – thay tháp pháo to hơn để lắp lên nó khẩu pháo phòng không 85 mm, chấm hết. Để đối phó với Cọp và Báo, họ sửa xe tăng T-34 thành pháo tự hành SU-100 chẳng hạn, tức là không cố nâng cấp xe tăng, mà biến nó thành cái khác.

Với bom lượn cũng vậy thôi. Nếu lắp cho nó động cơ phản lực, thì có thể bay xa được một chút. Nhưng cũng có thể làm giảm khối lượng của lượng nổ trong quả bom, và cũng không chắc sẽ đem lại độ chính xác của bom. Một điều chắc chắn là sẽ làm tăng giá thành. Do vậy, theo những quan sát của tôi và từ những suy tính trên, tôi cho rằng Nga sẽ chỉ nâng cấp bộ kit lượn hết mức của mình chứ không làm cái việc lắp động cơ cho nó đâu.

Ảnh : Bom FAB-3000 M46 (sản xuất năm 1946)

2. Về câu chuyện “cầu Kerch sẽ được chiếu cố trong nửa đầu năm nay.”

Mới nhất, anh chàng đẹp trai Budanov bảo: Ukraine không rời mắt khỏi cầu Kerch và nó sẽ bị nện phát nữa trong nửa đầu năm nay.

Vui nhỉ! Có kiểu gì mà tấn công lại thông báo trước như thế không? Có – kiểu thực là hư, hư là thực. Có vẻ như với lời cảnh báo này, phía Ukraine muốn làm cho Nga gồng căng hết lực lượng bảo vệ cây cầu lên, coi như còn bao nhiêu cái tàu bè của hạm đội Biển Đen đem ra hết, rồi tiễn một thể xuống đáy biển.

Vậy tình trạng cây cầu là như thế nào? Sau cú đánh tháng Bảy năm ngoái, cây cầu được đánh giá là hỏng nặng bên đường bộ. Do kết cấu đặc thù của nó, các chuyên gia nhận định sau cú nổ đầu tiên, cây cầu bị hỏng nặng nhất cho cả hai bên đường sắt và đường bộ, nghiêm trọng nhất là với bên đường sắt. Đến lần thứ hai, thì đến lượt bên đường bộ bị ảnh hưởng nặng hơn nhưng bên đường sắt cũng không tránh khỏi. Hậu quả này là do kết cấu đặc biệt về địa chất của khu vực và biện pháp kỹ thuật khi xây dựng cầu là không đảm bảo.

Vì vậy ngay sau cú nổ thứ nhất, các chuyên gia đã nhận xét rằng cây cầu không thể tiếp tục được sử dụng với tải trọng lớn như trước, nếu không được thay thế tối thiểu 8 trụ cầu về mỗi bên sau vụ nổ. Như vậy chưa cần vụ tấn công thứ hai, bản thân vụ thứ nhất đã đủ để chấm dứt vận tải quân sự qua cầu rồi. Mọi nỗ lực sửa chữa cây cầu để tiếp tục vận hành nó đặc biệt là bên đường sắt, chỉ dẫn đến việc nó bị hỏng vĩnh viễn. Sự cố kỹ thuật với cây cầu đòi hỏi phải được tháo dỡ một đoạn dài, đánh giá khả năng đóng lại cọc móng và đổ trụ mới. Yêu cầu này rất khó đối với điều kiện đang chiến tranh.

Nhìn lại 1. Cú đánh đầu tiên này là hàng tấn thuốc nổ trong thùng xe container, một vụ nổ như thế mà đi trên cái cầu như Chương Dương của ta, nó sẽ đủ thổi bay cả mấy trăm mét cầu và chấn động đương nhiên xuống tận móng.

Vụ tấn công thứ hai bằng Sea Baby, một loại drone mặt nước của Ukraine là nhắm vào vận tải ô tô bên đường bộ. Sau vụ tấn công, chính ông Vasyl Malyuk người đứng đầu cơ quan an ninh Ukraine cho biết: Có những chỉ dấu rõ ràng cho thấy các trụ cầu đã bị di chuyển. Còn các cơ quan quan sát và phân tích nước ngoài thì cũng nhận thấy điều này qua các ảnh vệ tinh khi theo dõi quá trình sửa chữa cây cầu từ phía Nga, khi công việc bộc lộ những khó khăn về mặt kỹ thuật: đã có những vênh váo nghiêm trọng.

Nhìn lại 2. Ngay sau khi thi công gần xong cây cầu, lúc hợp long cầu đã bị lệch độ cao giữa hai đầu là 1 mét. Điều này cho thấy không chỉ trình độ thi công kém của nhà thầu, mà còn do khâu khảo sát thiết kế, và cũng là chủ quan không tính đến, không tính nổi tính chất phức tạp của địa chất đáy biển khu vực eo Kerch. Điều này đã được các nhà khoa học xô-viết cảnh báo từ những năm 1950 rồi 1960. Ngoài các túi bùn dạng núi lửa ở dưới đáy, thì dòng chảy từ biển Azov ra biển đen vào mùa gió đông bắc, là một vấn đề phức tạp. Hồi đó họ đã tính: Ngay cả khi cây cầu được xây dựng xong và sau đó được duy trì với điều kiện bảo vệ tốt của thời bình, thì nó cũng khó trụ vững trong một thời gian dài, khoảng 7 đến 8 năm gì đó mà các trụ cầu không bị xê dịch vì dòng chảy.

Hồi đó, các chuyên gia và nhà khoa học Liên Xô đã đề nghị là bằng mọi giá, trong trường hợp cây cầu được xây dựng thì phải có những cột trụ phụ ở phía trước các trụ cầu chính có ý nghĩa giảm sức nước chảy cho các trụ cầu (dạng này chúng ta thấy rất rõ với cầu Long Biên phía đầu gần bên Gia Lâm). Phía từ Biển Đen vào Azov thì không cần thiết vì dòng chảy theo mùa khá nhẹ, nhưng phía từ Azov ra Biển Đen thì bắt buộc phải có. Thiết kế này còn có tác dụng bảo vệ các trụ cầu khỏi các tảng băng trôi từ Azov trôi ra Biển Đen vào mùa tan băng. Không hiểu tại sao đến thời Nga của Putox người ta lại lờ đi những ý kiến rất xác đáng như vậy.

Đó là chuyện cây cầu. Vì vậy dù anh Budanov có nói gì chăng nữa, thì việc đưa cây cầu vào hoạt động trở lại với ý nghĩa là phục vụ vận tải quân sự như mức trước chiến tranh, là khó. Điều này trong một bài phân tích hồi tháng Sáu 2023 tôi đã viết: Nếu cố chạy tàu như trước chiến tranh thì nó sẽ hỏng nặng và không cứu vãn được. Ở đây chúng ta cần hiểu, mục tiêu của người Ukraine lúc này, không phải là cây cầu, nó chỉ còn có ý nghĩa tuyên truyền với uy tín của Putox.

Quá trình bao vây, phong tỏa Crimea – phải gọi là chiến dịch mới đúng, đã bắt đầu rất rõ từ đầu năm nay và lúc này, thời điểm tháng Tư năm 2024, Crimea đã chính thức trở thành chiến trường, thậm chí có thể nói là chiến trường chính của người Ukraine. Nếu theo dõi các diễn đàn mạng xã hội của Nga, quý vị sẽ thấy một tâm lý khá bi quan về bán đảo. Có rất nhiều tin tức cho phép chúng ta nhận thấy điều đó. Chẳng hạn, giá thực phẩm bên bán đảo từ sau cú đánh thứ hai tháng Bảy năm ngoái, tăng vài lần – tối thiểu 2 lần, cá biệt có những thời điểm tăng 4 lần vì các tài xế xe tải đông lạnh từ chối chở hàng đi qua phà.

Tại sao vậy? Vì các chuyến phà biển thường xuyên bị dừng lại do đủ các nguyên nhân, mà thường xuyên nhất là điều kiện tự nhiên, dòng chảy từ Azov ra Biển Đen thất thường và liên tục có những pha rất mạnh. Gần đây với bán đảo còn là vấn đề của nhiên liệu: với các chủ xe ô tô vớ vẩn không có xăng mà chạy về đất liền. Chúng ta cũng cần nhớ lại, sau năm 2014 đã có giai đoạn “hoắng” với người Nga, kéo nhau sang mua bất động sản nghỉ dưỡng ở bán đảo. Làm như mỡ đấy mà húp.

Vì có những tư tưởng bi quan đến vậy về tình hình bán đảo, nó không chỉ có nguồn lây lan từ quân đội, mà từ nguồn chính là cư dân, dẫn đến một tình trạng không tránh khỏi là một cái nhìn cực kỳ u ám về tương lai làm chủ bán đảo của Nga. Điều này cũng giúp chúng ta lý giải tại sao lại có những chuyện rộ lên vừa rồi: Nga cố bắn tên lửa vào Odesa từ tàu ngầm – để cố chứng minh rằng hạm đội Biển Đen vẫn còn sống.

Nhưng một hạm đội không chỉ dựa vào lực lượng tàu ngầm – nó là vô nghĩa với những mục tiêu chẳng hạn như hỗ trợ chiến dịch chiếm Odesa, chắc chắn sẽ phải có hoạt động tác chiến đổ bộ từ phía biển. Vì vậy khi chúng tung tin là có kế hoạch chiếm Odesa nhưng “siêu kế hoạch bị lộ” (báo chí xứ phía đông nước Lào đổ xô ôm lấy tin này) nên chắc là… đánh không được tha làm phúc. Sic!

Kết cục tất yếu của Crimea là hoặc lính Nga trên đó đầu hàng, hoặc bỏ chạy, không có cách nào khác. Ngay cả khi Nga có xây dựng thành công đường tàu Ilovaisk – Mariupol, nó cũng chưa thể cứu được cái bán đảo đó. Vì từ Mariupol đến Simferopol (thủ phủ bán đảo) thôi, đã dài đến 600 ki-lô-mét rồi, mà là vận tải đường sắt trong điều kiện chiến tranh với một tuyến đường chỉ cách chiến tuyến vài chục ki-lô-mét. Để đảm bảo tuyến đường này hoạt động thông suốt, an toàn, quân đội Nga phải nỗ lực đẩy chiến tuyến về phía bắc đồng loạt khoảng 30 ki-lô-mét nữa ở mọi chỗ – đây là điều không thể có trong điều kiện hiện nay.    

Với chúng ta thì từ bây giờ cứ ngồi xem cái chiến dịch phong tỏa Crimea này thôi. Sẽ lại có thêm nhiều tàu bè của hạm đội biển Đen chuyển hệ tàu ngầm tiếp.        

3. Lại có những câu hỏi tiếp tục đến về chiến dịch bắn phá hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Ngay sau khi các nhà máy điện của Ukraine bị bắn phá dẫn đến mất điện mấy chục giờ, một nhà máy điện của Nga cũng bốc cháy và được cho là bị drone tấn công. Như vậy có thể coi là tấn công hạ tầng dân sinh hay không?

Không, và cũng có. Trong điều kiện chiến tranh, một nhà máy như vậy có thể là phục vụ trực tiếp hoạt động của một nhà máy quân sự khác, thậm chí cả một tổ hợp công nghiệp quân sự, nhưng đồng thời nó cũng có thể phục vụ cho một cụm dân cư (khu gia binh các công nhân quốc phòng chẳng hạn). Nga là bên có hành động tấn công trước và phần lớn tấn công vào các công trình dân sinh với mục đích hạ gục ý chí của người Ukraine nói chung. Họ cứ dừng những trò đó, thì Ukraine chắc chắn cũng không leo thang trả đũa. Gieo gió thì phải gặt bão, đó là chuyện bình thường. Không có lý thuyết lương tâm gì ở đây cả.

Vậy tác động – hay hậu quả, khi các nhà máy bị tấn công đó của hai bên, có giống nhau không? Có thể, nếu có thể quy được về cùng một tiêu chuẩn. Những phân tích của tôi trong bài trước là đúng: Hệ thống điện của Ukraine dựa trên hệ thống thời Liên Xô, nó có những nhà máy rất lớn – và tất nhiên khi được xây dựng chúng có những tiêu chuẩn bảo vệ trong điều kiện chiến tranh rất cao, an toàn. Điều này sẽ đúng với cả những nhà máy bên Nga.

Vì vậy nếu có bị tấn công, thì thiệt hại cho cả hai bên có thể nói rằng, sẽ tương tự như nhau, chẳng hạn tác động được vào những thành phần chính quan trọng nhất, trái tim của nhà máy là khó chứ không dễ. Như cái tua-bin phản lực nhiệt điện chắc chắn là phải được bảo vệ khỏi khả năng ném bom cỡ lớn. Tác động của không kích dù bằng tên lửa hay drone, chỉ có thể vào các hạng mục phụ hơn của nhà máy: phòng điều khiển, trạm breaker… Và tùy thuộc vào việc mỗi bên có năng lực phục hồi đến đâu, nhanh hay chậm. Nhất là việc phụ thuộc công nghệ nước ngoài của mỗi bên, có khả năng tiếp cận tốt hay không hay bị cấm vận, trừng phạt… mà sẽ có khả năng phục hồi khác nhau.

Với Ukraine, thời điểm bị thiệt hại nặng nhất là mùa đông năm 2022 và từ đó người ta đã phải thích ứng với thời chiến. Vì vậy về logic mà nói, Ukraine sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa và có phương án khắc phục, còn với Nga bây giờ mới bắt đầu. Chúng ta cũng không có căn cứ để cho rằng người Nga yếu kém trong khả năng này. Chẳng hạn tình trạng mất điện, cháy nhà máy điện cuối năm 2023 dẫn đến vỡ đường ống nước nóng sưởi ấm ở khắp nơi, không có những thông tin cho biết ở Nga có mất điện kéo dài. Vì vậy cần hiểu rằng họ cũng có năng lực phục hồi, nhất là trong điều kiện đất nước rộng lớn, mục tiêu phân tán có muốn tấn công họ cũng không dễ.

Vậy có một câu hỏi nữa, rằng nhà máy điện kiểu Liên Xô thì khác gì so với những nhà máy lọc dầu đang bị tấn công hiện nay về mặt bảo vệ? – Câu trả lời là tôi không biết, có phải chuyên gia đâu mà biết. Tuy nhiên có những thông tin như thế này cho phép chúng ta suy đoán được. Chẳng hạn vài nhà máy lọc dầu của Nga bị drone đâm trúng cái gọi là “tháp chưng cất” – còn chưng cất cái gì thì tôi… không biết, nhưng nó là đòn nặng.

Lại xem ảnh các nhà máy lọc dầu, chẳng cần của Nga mà của bất cứ nước nào trên thế giới thấy nó to lắm, tháp rồi bể, cột, đường ống… lung tung cả. Nên tôi cho rằng (1) Nhà máy nào bảo vệ cũng khó, nhưng (2) Nhà máy lọc dầu mà nó phức tạp lại to tướng như thế thì bảo vệ là một vấn đề nghiêm trọng. Do vậy mà khi bị tấn công, chúng hỏng nặng là những thông báo có thể tin được. Hơn thế nữa chiến lược của người Ukraine như vậy là đã rõ, nhân tiện Nga không có khả năng phục hồi các nhà máy lọc dầu trong điều kiện bị cấm vận và trừng phạt, thì tấn công, có thế thôi.

4. Tại sao anh Macron lại trở nên hung hăng đến vậy – và liệu Pháp có đưa quân vào Ukraine hay không?

Nói túm lại là anh đồng bóng Macron quay xe, thay vì “không được sỉ nhục nước Nga” thì bây giờ là “Nga phải thua trong cuộc chiến.” Mới đây trên RFI có bài về chuyện này: cuộc chiến của Nga ở Ukraine qua hai năm, đã đánh dấu sự phá sản của tư tưởng thân Nga của Pháp. Tư tưởng này đã có từ mấy chục năm qua, mà bài báo đánh giá thân nhất là ông François Mitterrand, sau đó hai ông Jaques Chirac và Nicolas Sarkozy cũng đều thân không kém. Nội dung chính của chính sách thân mật này, chính là mong muốn của nước Pháp độc lập với Hoa Kỳ, nhất là trong chính sách đối ngoại – quân sự, chẳng hạn trong nội bộ OTAN tức NATO.

Để hiểu rõ hơn về tư tưởng này, chúng ta cần ngó thêm một chút về lịch sử. Người Pháp – trong quan hệ với Nga, có vẻ rất thích thú khi có một nước mạnh mẽ, cường quốc quân sự nhưng lại là học trò của mình một cách lâu đời đến thế - một cơ hội quá tốt để duy trì ảnh hưởng của Pháp thông qua “văn minh Pháp.” Nga là một nền văn minh đã học của Pháp từ nghệ thuật ballet và phát triển lên đến đỉnh cao, đến lối sống và quan trọng nhất là văn phạm, tức quy tắc ngữ pháp.

Vì vậy lần này cú quay xe của Macron, với sự thúc đẩy quá mạnh của tính siêu phi nghĩa của cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, còn là cơ hội rất tốt để Pháp bành trướng ra quốc tế khi Mỹ đang co lại theo truyền thống.

Thế thì, liệu họ có đưa quân sang không, và nếu có thì nó sẽ như thế nào, họ có tham chiến trực tiếp hay không?

Theo quan sát của tôi, đây là một dạng leo thang, nhưng bằng phát ngôn và hành động mang tính chính trị, chưa bằng hành động quân sự. Khi tuyên bố đưa quân Lê Dương vào Ukraine của Pháp đến với chúng ta, ta cũng biết luôn rằng họ dự định đưa quân vào bảo vệ Odesa, là cái mục tiêu không thể có kế hoạch đánh chiếm của Nga, tức là không bao giờ xảy ra. Hóa ra mấy nghìn quân đó được đưa vào để đi nghỉ mát bên bờ Biển Đen.

Nhưng nếu việc đó diễn ra thật, thì hậu quả chính trị của nó là lớn, vì nó dẫn đến việc can thiệp quân sự vào một cuộc chiến tranh “tạm thời chưa quá liên quan”. Tất nhiên phải nói rằng đầu tiên, tác động của nó là tích cực. Một nhóm quân Pháp đóng ở đất nước đang có chiến tranh, buộc đối thủ của nước đó – ở đây là Nga phải rón rén vì bất cứ một tác động nào lên dù chỉ một người lính được cử chính thức đi đó, một quả đạn pháo lạc chẳng hạn, cũng đủ châm ngòi cho những hành động leo thang xung đột lớn hơn. Ý nghĩa của việc đưa quân vào là như vậy.

Như thế, chúng ta thấy Macron chỉ đang leo thang về thái độ chính trị, và hệ quả phái sinh của nó là hành động giao thêm một số khí tài cho Ukraine. Đây là hành động vật chất thực tiễn, nhưng tôi vẫn xếp vào những hành động có ý nghĩa chính trị. Tác động của nó lên tình hình chiến tranh nhỏ thôi, nhưng chắc chắn sẽ có tác động tâm lý lên chính trường Hoa Kỳ. Một số kha khá các ông nghị nước này sẽ nhận ra rằng nước Mỹ đang bị mất vị thế, điều đó sẽ ảnh hưởng đến chiến lược địa chính trị.

Vừa qua hai nước mới được kết nạp vào NATO có Phần Lan và Thụy Điển cho thấy việc phá bỏ, cho giải tán khối Minh ước này theo ý tưởng của Donald Trump là không bao giờ có, vì vậy chỉ có thể xảy ra khả năng nước Mỹ mất quyền lãnh đạo khối này mà thôi.

Tình thế chính trị đã đến hồi thú vị, vì chuyện xảy ra khi nước Mỹ còn có hơn nửa năm nữa là bầu cử. Dù đảng nào thắng cử thì nước Mỹ vẫn phải có những hành động quyết liệt hơn để giữ chiến lược địa chính trị của mình.

5. Vậy có thể hình dung tình hình sắp tới sẽ như thế nào?

Thế nào – ngày càng có nhiều đạn pháo được đưa đến cho Ukraine. Mà bên nào cứ có nhiều đạn pháo và bảo vệ được lực lượng pháo binh, thì bên đó thắng thế.

Sáng nay, sau khi gửi mẩu tin về hoạt động du kích lật tàu hỏa ở tận tuyến… xuyên Siberia cho một anh bạn, không hiểu sao anh này vẫn giữ nguyên thái độ bi quan. Anh ta bảo: Putox thắng cử, vững như bàn thạch, chưa có tác động nội bộ gì.

Ô hô hô, thế chúng nó định làm gì với nhau thì phải thông báo cho mình à? Mình lại chẳng phải ngồi phân tích bỏ mẹ ấy chứ. Cá nhân tôi thì thấy tình hình của Nga Putox còn tệ hơn năm 1944 của Hitler. Ngay cả thời gian Đức bắt đầu thua trận, thì các cơ quan mật vụ Đức gồm Gestapo, Abwehr đều hoạt động rất tốt, năng lực đảm bảo và hoàn toàn không có những vấn đề nội bộ.

Điều này thể hiện rõ nhất qua vụ đàn áp sau đảo chính – ám sát Hitler tháng Bảy 1944 (vụ đại tá Claus von Stauffenberg mang thuốc nổ vào tận Hang Sói) và sau đó các cơ quan mật vụ này còn hoạt động tốt cho đến khi hết chiến tranh, nhất là hành động xóa dấu vết tội ác trong các trại tập trung. Các vụ phá hoại trong lòng nước Đức hầu như không xảy ra.

Về tư tưởng, đến đầu năm 1945 Hitler vẫn còn hô hào được dân Berlin tử thủ, với sự tham gia của đoàn thanh niên Hitler và cả… thiếu niên Hitler nữa ấy chứ. Các trường hợp rã ngũ chỉ diễn ra khi đơn vị thua nặng ngoài mặt trận, nhưng sau đó các chỉ huy Đức quốc xã vẫn tập hợp được đội ngũ và tổ chức phản công. Trận các điểm cao Seelow năm 1945 là một ví dụ, chỉ để tiêu diệt khoảng 1 vạn quân Đức, Liên Xô đã phải trả giá khoảng từ 30.000 đến 35.000 mạng lính.

Trước đó, trận Ardennes (Battle of the Bulge) cuối năm 1944 đầu 1945 của Đức cũng làm cho quân đồng minh, cụ thể là quân Mỹ liêng biêng. Hậu quả của nó, Mỹ thương vong đến 81.000 quân, mất 800 xe tăng và 1000 máy bay chiến đấu. Phía Đức ghi nhận thiệt hại tương đương như vậy, nhưng chiến dịch này suýt nữa thì làm thất bại chiến dịch đánh chiếm nước Đức từ phía Tây của Đồng Minh.

Trong khi đó, cái “bàn thạch” sau bầu cử được mở hàng bằng cú khủng bố của IS. Đánh giá về sự kiện thì tôi đã làm rồi, nay xin nói tiếp về những phản ứng của Nga Putox. Vụ tấn công khủng bố ở Crocus, bằng cách nào đó Điện Kẩm-linh đã cố gắng đổ lỗi cho Ukraine một cách tuyệt vọng. Đúng là phải dùng từ “tuyệt vọng” – vụ khủng bố xảy ra ở thời điểm cuộc bầu cử vừa diễn ra xong với “chiến thắng huy hoàng và thuyết phục” với một đất nước đáng nhẽ ra là “thái bình thịnh trị.” Nhưng hóa ra, chính quyền không thể bảo vệ được người dân của mình.

Vì vậy, dễ nhất là đằng nào cũng quá tập trung vào chiến tranh, thì để dân chúng cùng đổ lỗi cho người Ukraine cũng được. Vụ khủng bố và đổ lỗi cho Ukraine, nói lên hai điều: Năng lực của Ủy ban an ninh quốc gia Ép-Étx-Be là quá có vấn đề, và tinh thần của dân Nga đối với cuộc chiến, là quá rệu rã. Đổ lỗi cho Ukraine, họ hy vọng sẽ thúc đẩy cái tinh thần rệu rã đó của dân chúng.

Trên đây tôi có nói về năng lực của cơ quan mật vụ Đức được duy trì cho đến tận hết chiến tranh. Chủ yếu là do nội bộ của họ được đảm bảo không chia rẽ, phản bội và điều này đã dẫn đến tình trạng chiến tranh đã diễn ra ác liệt đến những ngày giờ cuối cùng. Chỉ khi Hitler nhận ra không thể cứu vãn được nữa, hắn tự sát mới mở ra khả năng cho các tướng lĩnh của Đức đầu hàng.

Còn vụ khủng bố Crocus cho thấy, có những khả năng như thế này trong nội bộ cơ quan an ninh Nga:

(1) Có bọn có trách nhiệm biết, nhưng để vụ khủng bố xảy ra một cách có ý thức để đổ lỗi cho Ukraine.

(2) Cái bọn có trách nhiệm ấy, đã không khống chế được vụ việc, để nó dẫn đến hậu quả quá nghiêm trọng với số lượng người chết nhiều ở ngay thủ đô, dưới mũi cơ quan an ninh và cả lực lượng cảnh sát cơ động OMON của Vệ binh quốc gia.

(3) Có một số bọn nào đó trong cơ quan an ninh có thể hành động nhưng tự cho là không có trách nhiệm, đứng ngoài sự việc để dẫn đến việc một số nhân vật cấp cao của cơ quan, sẽ phải mất đầu vì chuyện này.

(4) Cao hơn, có một số thế lực chồng chéo, có ảnh hưởng cả trong cơ quan an ninh lẫn các cơ quan quyền lực khác, cả trong quân đội, cố tình để cho vụ việc xảy ra để ảnh hưởng đến uy tín của Putox và vây cánh.

Sau vụ khủng bố diễn ra một hoạt hành động bắt bớ của cơ quan an ninh nước này nhằm vào dân Tajikistan. Thêm việc nước này xem xét bình thường hóa quan hệ, công nhận chính thức Taliban, cũng như bất hợp tác với các nước phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố, đã chính thức đặt họ vào một tình thế không thể dở hơn. Đó là đối đầu với tổ chức vô hình IS.

Tại sao tôi vẫn đánh giá tình thế của Nga Putox là khó khăn, thậm chí nguy ngập? Phải chăng trước đây tôi đã từng hy vọng sai vào một tiến trình liên quan đến bầu cử? Không, tôi không sai, mà tôi cho rằng tiến trình này gắn với một diễn biến trên chiến trường, ví dụ liên quan đến cầu Kerch… Nhưng Putox đã đúng – gói viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine bị Mike Johnson chặn ít ra qua bầu cử. Điều này cũng đã giúp cho những diễn biến chiến trường không xảy ra, hay không có đột biến. Nhưng tiến trình nguy ngập vẫn không thay đổi được, vì có những điều Putox sẽ không tác động được, chẳng hạn như tư tưởng.

Nhìn lại, năm 2011 ở nước Nga đã diễn ra những phong trào phản đối mạnh mẽ trước khả năng Putox quay trở lại ghế tổng thống. Lần sửa hiến pháp trước đó vào năm 2008 cho phép người đã làm Tổng thống sau khi rời ghế tối thiểu một nhiệm kỳ, sẽ được phép quay trở lại tranh cử và lần này với nhiệm kỳ 6 năm, thay vì 4 năm như trước đây. Năm 2011 đó diễn ra cú chuyền bóng từ chân Mít-vi-đíp sang cho Putox trong nội bộ đảng Nước Nga Thống nhất. Sự kiện này đã dẫn đến một phong trào rộng khắp nước Nga, lên đến hàng triệu người tham gia biểu tình với khẩu hiệu “Một nước Nga không Putox.”

Đến năm 2022, suốt khoảng 3, 4 tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh, các cuộc biểu tình phản chiến ở nước Nga đã diễn ra, sau đó chúng… biến mất. Các sự kiện liên quan đến ứng cử viên Nadezhdin và cái chết của Navalny, đều là những ví dụ rất cụ thể và sinh động về một quá trình đàn áp dân chúng trong nước.

Câu hỏi đặt ra là, những người đã phản đối chế độ đó, bây giờ họ đi đâu cả? Bây giờ họ thế nào, tư tưởng quay xe à? Họ vẫn ở đó, một số người bị bắt, xử tù… nhưng phần lớn vẫn… ở nhà. Họ có quay xe không? Đời nào – đàn áp mạnh thì ở nhà, vậy thôi. Nhưng tư tưởng họ vẫn thế. Một cuộc khủng bố Crocus không thể thuyết phục những người như vậy để tin vào cuộc chiến phi nghĩa của Putox ở Ukraine được.

Có ý kiến cho rằng, số người đó là không đủ áp đảo – điều này sai. Sự kiện chính trị không nhất thiết phải lôi kéo được 90 % dân chúng, mà thường nó là sự biến trên thượng tầng và lôi kéo được chỉ cần một bộ phận nhỏ dân chúng.

Như những sự kiện ở Liên Xô năm 1990 dẫn đến sụp đổ Liên Xô năm 1991, chỉ có những diễn biến lôi khoảng 10 vạn dân Mục-tư-khoa kéo đến tòa nhà của Xô-viết tối cao Liên Xô và thế là đủ để luận tội lẫn nhau để mất kiểm soát tình hình. Sau đó tình hình tương tự lan ra nhiều nước cộng hòa, nhưng cũng không phải là quá đông dân chúng tham gia. Đến lúc nó đổ thì nó phải đổ, vậy thôi. Hồi đó dân số của Liên Xô là 290 triệu dân (1990).

Trong khi đó, nước Nga hiện nay vẫn bất ổn liên miên, vụ lật tàu mới nhất là ví dụ. Nhà máy vẫn cháy tiếp, cháy như điên từ năm ngoái. Người Ukraine đâu ra mà đốt lắm thế. Chỉ có thể là tự đốt với nhau. Hồi 1944 đố mà thấy chuyện này ở Đức. Đảng cộng sản Đức hơi hoạt động một tí là bị tóm luôn ấy chứ.

Quay ra với chiến trường. Có câu hỏi gửi đến cho tôi, rằng tại sao Nga cứ phải tấn công – đúng là tôi viết là để duy trì động lực, nhưng cần giải thích thêm chỗ này như thế nào?

Vì quân đội Nga hiện nay vẫn giữ truyền thống như quân đội Xô-viết, là có sức ì rất lớn và họ phản ứng rất kém với sự biến, biến cố bất ngờ. Vì vậy mà, ngoài sức vóc rất yếu vào năm 1941, họ còn mất thế chủ động chiến lược và tình trạng này kéo dài suốt hai năm, từ 6/1941 đến 7/1943. Thậm chí để chuyển từ rút lui chiến lược sang cầm cự chiến lược, họ cũng mất nửa năm – 3 tháng trước và 3 tháng sau trận đánh Stalingrad. Từ sau trận Kursk 7/1943, Hồng quân mới chuyển sang phản công và từ đó duy trì được thế chủ động chiến lược đến tận cuối chiến tranh. Thế chủ động chiến lược này thể hiện ở việc nó cho phép họ chọn thời điểm và hướng tấn công cho các chiến dịch mới.

Trong cuộc chiến tranh lần này ở Ukraine, đã có những lúc Nga mất thế chủ động chiến lược – đó là giai đoạn kết thúc trận đánh bảo vệ Kyiv và sau đó là các chiến dịch giải phóng Kharkiv, Kherson. Vậy sau này, năm 2023 với những “chiến thắng” Bakhmut và Avdiivka, thì có được gọi là chủ động chiến lược không?

Phải chia buồn với các cháu dư luận viên Pro-Putox, câu trả lời là KHÔNG. Trong chiến tranh thế giới hai, khi tấn công Hồng quân tiến trung bình 60 ki-lô-mét một ngày, cá biệt có ngày đêm tiến 150 ki-lô-mét. Còn bây giờ Hồng quân của bác Pu tiến 150 mét một ngày còn khó. Khổ cái, vẫn cứ phải tấn công.

Trận “sử dụng xe tăng lớn nhất” ở Avdiivka tuần này, khi 30 xe tăng Nga vào trận và bị đốt đến 20 chiếc lại cho thấy điều khác: Thế chủ động phòng thủ chiến lược của Ukraine. Như tôi viết hồi đầu chiến tranh, Nga vốn là quân đội của pháo binh và xe tăng, do đó đầu tiên cần củng cố năng lực chống tăng của mình – để đảm bảo giữ vững và không thua. Sau đó cần hạ gục pháo binh Nga, sẽ đảm bảo chiến thắng. Vì vậy, kiểu tấn công gặm nhấm đất của Nga hiện nay chỉ có lợi cho bọn nguyên soái ván ép trong tuyên truyền nội bộ dân chúng mà thôi.

Thực tế, có những việc Nga nhìn rõ nhưng không thay đổi được. Rõ nhất là quá trình bao vây Crimea đã bắt đầu, Nga thấy rõ điều đó nhưng nỗ lực chỉ là… bắn tên lửa vào Odesa. Càng bắn tên lửa, thì càng gây ra thiệt hại dân sự. Càng gây ra thiệt hại dân sự, thì người bị thiệt hại càng nỗ lực để chiến thắng ở cuối cuộc chiến thì mới có hi vọng nhận được tiền bồi thường chiến tranh, đầu hàng giữa chừng là mất hết. Vô vọng cho Nga.

Vậy Nga làm gì để xoay chuyển tình thế? Bọn nguyên soái ván ép đang thúc đẩy sản xuất bom lượn với nỗ lực lớn hơn bao giờ hết. Nhưng phải nói thật lòng rằng, về cơ bản, chúng hơi giống bom bay V-1 và V-2 của Đức trong giai đoạn cuối của Thế chiến thứ hai. Chúng đều là những vũ khí khủng bố hàng loạt, hủy diệt hàng loạt được sử dụng để chống lại các mục tiêu dân sự. Điều này cuối cùng sẽ khiến Nga thua trận vì họ không đầu tư vào khả năng chính xác của vũ khí.

Đúng, những “quả bom Sa hoàng này”, chúng sẽ gây ra vấn đề, nhưng chúng sẽ được sử dụng để chống lại các mục tiêu dân sự, chống lại cơ sở hạ tầng như phá hoại lưới điện của Ukraine. Chúng ta đã biết từ Thế chiến thứ hai tất cả các bên đã thử ném bom chiến lược, kể cả Anh quốc và Hoa Kỳ và đều hiểu rằng ném bom không thể dẫn đến sự kết thúc của chiến tranh, dù nó gây ra sự tàn phá ghê gớm.

Nga đang đi vào đúng vết xe đổ đó.

Có nhiều tranh luận về việc liệu Hoa Thịnh Đốn và Bá-linh có đúng là không hài lòng với chiến lược của Ukraine nhằm tấn công vào khả năng lọc nhiên liệu ở Nga. Lập luận được đưa ra có thể đẩy giá dầu, giá dầu thô lên cao. Nhưng điều đó có vẻ không hợp lý vì người Ukraine không đánh vào nguồn cung dầu thô, mà đang đánh vào việc sản xuất dầu nhiên liệu nội địa phục vụ cho nỗ lực chiến tranh. Trong khi đó tại sao Nga đang tấn công hạ tầng dân sinh của Ukraine, thì không được lôi ra tranh luận?

Cái giá của chiến thắng của Ukraine khi nó xảy ra trong năm nay, năm sau hoặc thậm chí, năm 2026, sẽ cao hơn rất nhiều so với cái giá phải trả nếu đạt được chiến thắng vào năm 2022. Nhưng càng cố kéo dài, thì sự bất ổn mang tính hệ thống ở Nga và sự suy thoái của xã hội dân sự nước này, dù ở mức độ “của những phế tích” cũng đang tiếp tục bị xói mòn. Vì vậy, khi sự sụp đổ diễn ra (cuối cùng kiểu gi nó cũng sẽ diễn ra), với nước Nga nó sẽ còn thảm khốc hơn nhiều so với việc Ukraine có thể giành được chiến thắng nhanh chóng. Điều đáng sợ nằm ở chỗ đó.

PHÚC LAI 04.04.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.