Trong những ngày rét mướt, u ám và phập phồng như thế này, ngồi ngẫm ngợi xa gần.
Từ lịch sử sang đương thời, cứ quay đi quành lại những chuyện liên quan đến ngôi vua, chuyện xã tắc hưng thịnh rồi suy phế, triều đại lên cao rồi thấp xuống, tiếp nối rồi đứt đoạn. Thấy trong lịch sử có rất nhiều biến chuyển ghê gớm đều từ chuyện loạn ngôi vương mà dẫn đến.
Loạn ngôi vương là loạn vua hay loạn từ việc tranh chấp, thoán đoạt ngôi vua. Hoặc từ mưu đồ để hướng đến việc nắm ngôi, dẫn đến những hệ lụy, làm thay đổi hoặc chao đảo triều chính, triều đại.
Loạn vua là sự kiện bất thường diễn ra việc thay đổi vua không theo nhẽ thường, êm thuận. Có khi mãi chẳng có ai lên được. Có khi nhiều người, nhiều phe nhóm, lao vào giết chóc thù hận để tranh đoạt ngai vàng. Từ đấy sinh lửa máu, khổ nạn ập xuống đầu dân đen. Sau loạn vua, thường xảy ra mất nghiệp, phải cần rất nhiều thời gian, phải xuất hiện những nhân vật kiệt xuất mới dựng lại được triều chính. Nói chung, loạn vua là thường dẫn đến cơ hàn.
Trước nay, học về lịch sử các triều đại nước Việt, chúng ta thường chỉ chú trọng những sự kiện và câu chuyện oai hùng, không mấy khi được nghe nói về những bi thảm như chuyện loạn ngôi vương. Thế nhưng hầu như ở thời nào trong lịch sử nước Việt ta, cũng đều thấy xảy ra.
Không kể thời Triệu Đà, thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa không thành. Bỏ qua thời Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Triệu Quang Phục, Khúc Thừa Dụ... tồn tại ngắn ngủi, chỉ là đứng đầu tương đối, độc lập tương đối. Phải đến khi Ngô Quyền xưng vương, nước Việt mới thật sự độc lập, thì cũng nhanh sau đó đã có chuyện loạn này.
Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 rồi xưng vương, mở nền độc lập cho nước Việt sau bao nhiêu năm là châu huyện phương Bắc. Ở ngôi ngắn, chỉ 5 năm (939-944), Ngô Quyền mất, là đã xảy ra loạn ngôi vương. Dương Tam Kha là anh rể (có sách nói là em rể) liền cướp ngôi của cháu. Ngô Xương Ngập (con trai trưởng Ngô Quyền) phải trốn đi. Ngô Xương Văn (thứ) được Kha nhận làm con nuôi, âm thầm tính kế giành lại.
Năm 950, Văn giết được Kha, lên ngôi, đón anh mình (Ngô Xương Ngập) về cùng làm vua. Một nước khi ấy có hai vua. Cũng chả được bao lâu, anh em xảy ra mâu thuẫn. Rồi Ngập chết (954) và Văn tử nạn (965), Ngô Xương Xí (con Ngập) lên ngôi, chả tài cán gì. Từ đó dẫn đến 12 sứ quân cát cứ, đất nước nát tươm trong nhiễu loạn.
Đinh Hoàn, năm 968, dẹp xong được loạn 12 sứ quân, nhất thống thiên hạ, lên ngôi Đinh Tiên Hoàng, đặt ra quốc hiệu Đại Cồ Việt, xưng Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Chỉ 10 năm sau (978), là xảy ra loạn ngôi vương. Lý do là Đinh Tiên Hoàng phế Đinh Liễn (người con trai trưởng đã vào sinh ra tử cùng cha dựng lên đại nghiệp), lập con trai út Đinh Hạng Lang làm thái tử. Đinh Liễn tức giận, đã tàn bạo giết chết em trai (979), Tiên Hoàng không dám làm gì. Và rồi cũng trong cuối năm ấy, hai cha con Tiên Hoàng cùng chết dưới tay Đỗ Thích, một nội quan mắc chứng vĩ cuồng. Năm 980 triều Đinh kết thúc, Lê Hoàn lên, mở ra triều Tiền Lê.
Lê Hoàn lên ngôi Lê Đại Hành, chiến thắng vang dội đội quân xâm lược nhà Tống vào năm 981, tại vị đến năm 1005 thì mất. Lại diễn ra loạn ngôi vương. Lê Hoàn có nhiều con trai. Ông đã chọn Lê Long Việt làm thái tử. Lê Long Đĩnh, là em trai Việt, không tuân phục anh, quyết giành lấy ngôi báu. Triều đình rối ren. Sau khi Lê Hoàn chết, đến 8 tháng sau đó, ngôi vua cứ để trống. Đến khi các quan trọng thần thống nhất được, đưa Long Việt lên. Chỉ 3 ngày sau, Long Đĩnh ra tay giết chết anh trai và cướp ngôi. Sau đó là các cuộc thanh trừng, giết chóc liên tiếp diễn ra. Long Đĩnh chiếm chắc được ngôi, ăn chơi sa đọa, róc mía đầu sư, mắc bệnh giang mai, phải nằm thiết triều, bị mang xú danh Lê Ngọa Triều, được 4 năm thì chết (1009), Tiền Lê liền đứt mạch, chuyển sang triều đình nhà Hậu Lý.
Lý Công Uẩn vốn được các nhà sư thông tuệ nhận làm con nuôi, truyền dạy kinh sách kỹ càng từ nhỏ trong chùa Tiêu Sơn. Rồi được tiến cử, trở thành trọng quan, giữ chức Thân Vệ vương, được nhất loạt quan quân cùng tôn lên làm vua Lý Thái Tổ, khai triều Hậu Lý (Triều Lý Nam Đế gọi là Tiền Lý). Lý Thái Tổ là một vị vua kiệt xuất, có công dời đô, dựng lên kinh thành Thăng Long, mở mang Đại Việt.
Năm 1028, Lý Công Uẩn qua đời, lại xảy ra loạn ngôi vương, ba con trai của ông cùng tranh ngôi vua, gọi là "Loạn tam vương". Do được các trọng thần tài giỏi phù tá, trong đó có Lê Phụng Hiểu, nên Lý Phật Mã đã dẹp được loạn này, lên ngôi Lý Thái Tông. Nhà Hậu Lý là triều đại kéo dài nhất (216 năm) trong lịch sử nước Việt.
Tuy nhiên, vào giai đoạn suy vong, vua tôi nhà Lý yếu ớt, một đảng giặc cướp Quách Bốc cũng đủ lực làm nhục Thăng Long, vua, thái tử và quần thần bỏ chạy tứ tán. Đến khi về lại thì vua Lý Huệ Tông lên ngôi, rồi bị ép phải vào ở chùa và tự tử. Trước đó, vua Huệ Tông buộc phải truyền ngôi cho cô con gái còn nhỏ tuổi là Lý Chiêu Hoàng, tạo nên cơ hội cho Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ thiết kế êm thấm để nhà Trần tiếp nối triều chính Đại Việt vào năm 1225.
Nhà Trần kéo dài 175 năm (1225-1400) lẫy lừng Hào khí Đông A, ba lần đại phá quân xâm lược Nguyên Mông. Thế mà cũng xảy ra chuyện loạn vương. Lần thứ nhất là sau khi vua Trần Dụ Tông chết, với sự mù mờ của Thái hậu, ngôi vua rơi vào tay ngoại thích họ Dương, gọi là "Loạn Dương Nhật Lễ". Một nàng công chúa nhà Trần đứng lên phất lệnh phế bỏ nghịch vua, mời lão anh Trần Phủ già đang ở ẩn trên Đà giang về kinh thành lên ngôi Trần Nghệ Tông. Nhưng chính sự từ đó không sao vực dậy yên ổn được.
Trần Nghệ Tông lên làm thượng hoàng, lập em trai lên ngôi vua Trần Duệ Tông. Duệ Tông hữu dũng vô mưu, chết trận khi đi đánh Chiêm Thành. Lại lập tiếp con Duệ Tông làm vua Trần Phế Đế, lập em mình làm vua Trần Thuận Tông. Trần Phế Đế bị bức chết, Trần Thuận Tông ngu ngơ, chính sự đều hỏng cả. Giặc Chiêm Thành ba, bốn lần kéo ra Thăng Long đốt phá như đi dạo chơi.
Ngày ấy có chuyện thượng hoàng Nghệ Tông định dựng một người lên làm vua mới, nghe tin, mẹ người này đến dập đầu khóc lóc xin thượng hoàng không cho con mình lên làm vua, vì nó khí chất yếu ớt, không thể làm vua được. Thế mà vẫn phải lên, rồi phải chết. Ngôi vua cuối cùng vào tay một đứa trẻ con, là Trần Thiếu Đế (1399) và nhà Trần suy vong sau đó.
Hồ Quý Ly cướp ngôi từ cháu ngoại mình, chính là vua Trần Thiếu Đế, lập ra triều Hồ năm 1400. Ở ngôi một năm thì truyền cho người con thứ Hồ Hán Thương. Triều Hồ ngắn ngủi, tồn tại có 7 năm (1400-1407), đất nước rơi vào họa xâm lược của nhà Minh, nước non bị cướp phá, sách vở bị đốt, người tài bị nhốt, văn vật tan hoang...
Lê Lợi sau hơn 20 năm kháng chiến, đánh đuổi giặc Minh, lập ra nhà Hậu Lê, lên ngôi Lê Thái Tổ (1428). Lê Lợi lên ngôi thì bắt đầu ngờ vực, bắt nhốt công thần. Ông cũng phế con trưởng Lê Tư Tề đã cùng ông trận mạc, lập con thứ Lê Nguyên Long làm thái tử. Lê Lợi chết sớm, Lê Nguyên Long lên ngôi Lê Thái Tông, cũng chết trẻ, vua ranh con Lê Bang Cơ lên. Thế là triều đình rơi vào tay đàn bà Nguyễn Thị Anh, án lòa mờ mây Lệ Chi Viên và sự kiện bi thảm tru di họ nhà Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ diễn ra...
May rồi sau đó, vua Lê Thánh Tông lên ngôi, đã ngăn được đà suy vong, mở ra thịnh trị kéo dài mấy chục năm. Sau Lê Thánh Tông băng, thì lại diễn ra loạn vương. Những trư vương, quỷ vương lộng hành, gần chục vua nhà Hậu Lê mất mạng vì tranh giành ngôi báu. Chính trường chia rẽ, Lê - Mạc phân tranh, rồi xuất hiện việc Chúa ngồi bên vua, át vía vua và giang sơn chia thành đàng Trong, đàng Ngoài...
Rồi đến nhà Tây Sơn với Nguyễn Huệ nổi lên, có công đại phá quân xâm lược nhà Thanh. Nguyễn Huệ lên ngôi, ở được ba năm thì mất đột ngột (1792), để lại triều đình cho ông vua trẻ, nịnh thần toàn nắm quyền cao, mười năm chao đảo rồi lại diệt vong.
Năm 1802, nhà Nguyễn tiếp nối. Nguyễn Ánh, hiệu Gia Long, tài năng và ý chí bền bỉ, đã thống nhất đất nước, triều chính nhuần thuận. Kéo qua các đời vua kế tiếp là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thì lại sa vào suy thoái. Lúc này diễn ra họa loạn vương là bốn tháng có ba vua liên tiếp lên ngôi, "Tứ nguyệt tam vương, triệu bất tường" (Bốn tháng ba vua, điềm chẳng lành). Bốn tháng ấy là sau thời điểm vua Tự Đức chết, từ 7 đến tháng 11/1883. Ba vua ấy là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Trong đó vua Dục Đức chỉ ở ngôi được 3 ngày rồi bị phế bỏ, đem nhốt vào trong ngục, bỏ đói cho đến chết, đem bó chiếu cho hai lính lệ khiêng đi chôn.
Thôi, chuyện lịch sử không nói nữa. Giờ chuyển sang bình luận một chút.
1. Làm vua không chắc đã sướng. Nhiều người cứ ước, giá được một ngày làm vua. Cho hẳn ba ngày như Lê Long Việt hay Dục Đức đi, rồi bị giết, bị bỏ đói đến chết, thật khốn khổ khốn nạn. Liệu có được bằng anh cu dân đen lội đồng nuôi vịt không?
2. Làm vua, ngoài phải có tài, có đức và bản lĩnh ra, còn phải có nhiều người tài phò trợ, có lực lượng và sức mạnh của riêng mình, lại gặp được thời vận thì mới lên ngôi và chống chọi mà ở ngôi được, nếu không chết dễ bất đắc kỳ tử lắm. Cũng có kẻ tài hèn đức mỏng vẫn được làm vua, thì đấy là vua bù nhìn canh dưa, chả thể nào hy vọng lập được công tích gì.
3. Loạn ngôi vương không bao giờ là bình thường. Loạn ngôi vương thường dẫn đến rối loạn triều chính, dẫn đến suy vong. Trong lịch sử, chỉ có hai lần diễn ra loạn ngôi vương rồi dẹp được, tiếp tục ổn định và phát triển, là vụ "Loạn tam vương" thời nhà Lý ; và Lê Tư Thành được các trung thần phò tá phế bỏ Bang Cơ và Thái hậu Thị Anh rồi lên ngôi Lê Thánh Tông, là làm được điều này. Còn lại đều hỏng ngay, hỏng dần, tất yếu dẫn đến diệt vong để cho một triều đại mới tiến bộ hơn tiếp nối.
4. Các triều đại Việt tồn tại ngắn trong lịch sử, như triều Ngô Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Quang Trung, Hồ Quý Ly chỉ truyền được đến hai đời là hết lộc, nếu xảy ra loạn ngôi vương là dẫn đến kết cục diệt vong.
5. Các triều đại tồn tại dài hơn, như triều Hậu Lý, triều Trần, Hậu Lê, nhà Nguyễn, thì thường đến đời vua thứ 5 hoặc thứ 6, là bắt đầu suy thoái. Lúc đã suy thoái thì khó có thể vực dậy lại được.
6. Cứ tưởng tượng rằng, giả sử thôi nhé, là mình đang sống giữa thời loạn vương đi, thì sao? Thì trước hết là hy vọng sẽ có ai đó kiệt xuất xuất hiện để vực dậy triều chính mà ổn định. Nếu không có người kiệt xuất phò tá vực dậy triều cũ, thì phải chờ đợi, sẽ đến lúc triều đại mới xuất hiện. Cầu mong là êm thuận yên bình nhất có thể để chào đón sự xuất hiện ấy thôi.
NGUYỄN THÀNH PHONG 20.03.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.