dimanche 3 mars 2024

Dương Quốc Chính - Cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô đã diễn ra thế nào ?

 

Cuộc chiến 60 ngày chống Pháp của Việt Minh ở Hà Nội thực tế diễn ra thế nào? Mình cho là không có nhiều người biết cụ thể.

Vì những người thực sự có trải nghiệm và còn minh mẫn thì giờ này đã chết vãn. Những người đó phải sinh trước 1940. Thế nên khi phim Đào công chiếu đã tạo nên những tranh cãi về lịch sử rất nhiều.

Các page dư luận viên thì hầu như do các cháu sinh viên hoặc tầm 3x tuổi chém gió, kiểu cháu Tifosi, mà toàn chém dựa vào sách giáo khoa, làm cho giới trẻ hiểu lệch lạc diễn biến. Một số status của người có tuổi hơn, nhưng đa số cũng sinh tầm 195x về sau, chém sâu hơn tí nhưng cũng sai nhiều. Cơ bản do lười đọc sách (do có trải nghiệm đâu) hoặc đọc sách một chiều.

Vậy thực tế cuộc chiến đã diễn ra thế nào?

Bài trước mình đã viết, thực ra là copy từ sách người Pháp viết, những biến cố cho tới thời điểm 19/12. Bài này mình viết tiếp giai đoạn 60 ngày chiến tranh. Từ đó mọi người có thể so sánh với nội dung phim Đào. Nó giống như dùng Tam quốc chí (lịch sử) so với Tam quốc diễn nghĩa (truyện hay phim).

Trước khi chiến tranh nổ ra, không phải chỉ có Pháp gây hấn với ta, mà thực tế là cả hai cùng gây hấn nhau. Mấy vụ được coi là thảm sát như vụ Hàng Bún là do lính Pháp bị tấn công từ nhà dân ra, nên Pháp bắn vào các nhà dân lân cận, dẫn tới dân chết oan, cỡ 30-50 người. Trong đó cũng chả biết được có ông dân nào tham chiến hay không. Đại khái cũng như Hamas tấn công Israel thì dân Gaza chết oan. Nhưng dân chết đó cũng chả thể biết chính xác ông nào là chiến binh Hamas ông nào thiện lành. Hiểu tổng quan là như vậy, cho nó khách quan.

Thời điểm đó, quân chính quy Vệ quốc đoàn chỉ có 5 tiểu đoàn, trong đó chỉ có một tiểu đoàn đóng ở nội ô, nhiệm vụ chính là bảo vệ cơ quan đầu não ở Bắc Bộ phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc và sống ở đó, chứ không phải ở Dinh Toàn quyền nhé. Kể từ 19/08, Việt Minh chưa bao giờ được sử dụng Dinh Toàn quyền. Ban đầu là Nhật, sau đó là quân Tàu Tưởng (Lư Hán, Tiêu Văn) rồi sau Hiệp định Sơ bộ thì Pháp dùng tòa nhà đó.

Nhưng đêm 19/12 thì tiểu đoàn bảo vệ Bắc Bộ phủ chết sạch (theo sách Tây, ta không nhắc tới!), chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) chạy thoát được về Hà Đông để chỉ huy cuộc chiến. Tư liệu ta nói chính phủ chạy từ hôm trước, Tây bảo bác suýt bị bắt vì hôm đó mới chạy. Nhưng tới ngày 20/12 thì mới công bố lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến trên đài phát thanh. Đó cũng là câu hỏi tại sao đánh nhau một ngày rồi mới kêu gọi?

Theo tư liệu Tây thì 4 tiểu đoàn còn lại đóng ở quanh ngoại ô, đã có kế hoạch tấn công phối hợp với tự vệ thành nhưng cuối cùng lại có lệnh hoãn của ông Giáp. Đây cũng là câu hỏi. Tây lý giải có thể do Pháp đã dự đoán trước nên cho xe bọc thép chặn các cửa ô trọng yếu, nên Vệ quốc đoàn không dám vào. Thế nên thực tế hầu hết quân chống Pháp chỉ là tự vệ, dân quân. Lực lượng này rất lóng ngóng, đúng như anh Dân trong phim, vì hầu như không có huấn luyện quân sự. Chi tiết này tương đối giống đợt tấn công Tết Mậu Thân, quân chủ lực không tham gia, mà chủ yếu là biệt động (cũng như tự vệ, là dân thôi) nên tổn thất cũng lớn do không có lính chuyên nghiệp.

Lực lượng tự vệ lúc đó có khoảng 3.500-8.000 người, vì lẫn lộn với dân nên số liệu tương đối thôi. Vũ khí rất thiếu, huấn luyện mồm là nhiều, nên cũng dễ chết. Sau đó, mới thành lập trung đoàn Liên khu 1, sau đổi tên thành trung đoàn thủ đô, là dựa trên nòng cốt đó, chứ không phải quân chính quy của ông Giáp đâu. Chính quy vẫn ở ngoại thành với lý do là để bảo vệ trung ương, nhưng thực ra lý do chính là còn để giữ quân, do ít quá. Ban đầu có 4 tiểu đoàn, sau chiêu mộ thêm thành 7. Bộ chỉ huy tiền phương đóng ở gần sân bay Bạch Mai, khu Không quân Lê Trọng Tấn bây giờ, quanh đó bây giờ vẫn còn nhiều trại lính và cắt đất chia cho bộ đội làm nhà ở.

Cuộc chiến dữ dội không diễn ra trên toàn thành phố Hà Nội. Hà Nội thời Pháp thuộc không to như giờ, phía Nam tới đường Đại Cồ Việt, Tây Nguyễn Thái Học, bắc tới đường Thanh Niên, đông là đê sông Hồng, đại khái vậy, giới hạn bởi 5 cửa ô thôi.

Cuộc chiến trong bối cảnh phim và ác liệt chỉ diễn ra ở Liên khu 1, Hà Nội lúc đó chia làm nhiều liên khu, trong đó Liên khu 1 là khu phố cổ bây giờ. Phía Nam là phố Tràng Tiền, Tràng Thi, phía Tây là Phùng Hưng, bắc giáp hồ Trúc Bạch, đông là đê Yên Phụ. Chính là khu phố cổ ngày nay. Thực ra Liên khu 1 bao trùm cả khu Ba Đình, nhưng thực tế khu đó Pháp kiểm soát toàn bộ, nên coi như không. Quân Pháp đóng chính là ở trong khu vực Hoàng thành, sau này Bộ Quốc phòng tiếp quản cho đến nay. Mấy chú bộ đội bây giờ bảo “Vào thành”, tức là vào Bộ Quốc phòng đó, khái niệm đó là từ thời Pháp.

Khu này được Việt Minh chọn là nơi cố thủ do nhà phố liên tục, có thể đục tường thông nhau để đi lại, phố chật hẹp có thể chặn bởi chiến lũy dễ dàng, nói chung là dễ lẩn trốn để phát động chiến tranh đô thị. Đây lại là nơi ở trung tâm nên giữ được khu này sẽ có tiếng là giữ được Hà Nội.

Khu vực các khu phố Tây cơ bản yên ổn, không có chiến sự đáng kể, như khu nhà ông Phán ở trong phim. Phố Tây kiểu Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt bây giờ toàn biệt thự và đường rộng, không thể làm chiến lũy hay ẩn nấp được.

Dân đi tản cư cũng phần nhiều là dân phố cổ, do là vùng chiến sự, nhưng ở Liên khu 1 có hàng vạn dân bị kẹt lại chưa kịp tản cư, trong đó có nhiều Hoa kiều. Mấy phố kiểu Thuốc Bắc, Lãn Ông…quanh đó, là phố Tàu, sau 79 mới bị dạt đi. Dân này họ không đi tản cư mấy, vì cũng chả theo Việt Minh mấy. Thế nên chính vào ngày 17/02 (bối cảnh trong phim) thì lãnh sự Tàu Tưởng còn đề nghị Việt Minh hưu chiến để di tản Hoa kiều. Ta nhân cơ hội đó để rút quân luôn! Vì Tàu phải đàm phán ngưng bắn với cả Pháp và Việt Minh. Một phần là do ta sợ khi Hoa kiều rút sạch thì Pháp sẽ oanh tạc bằng bom, thì quân ta chết sạch. Nên ta tương kế tựu kế.

Chi tiết này ít người để ý, nhưng mình nhìn cái áo của ông họa sĩ trong phim lại liên tưởng đến Hoa kiều! Không rõ đạo diễn có ý đồ đó không? Vì Hoa kiều họ không đi tản cư mấy. Nhưng mấy phố Hoa kiều lại ít đánh nhau hơn mấy phố giáp phía Cửa Bắc, vì khu đó giáp thành Hà Nội, mới là tiền đồn.

Một chi tiết hay ho nữa là ngày 15/01/1947 đã có một cuộc ngừng bắn, để cho dân đi tản cư theo lối Hàng Than lên Yên Phụ. Vài ngàn dân đã đi tản cư an toàn và cũng có vài ngàn chiến sĩ tự vệ cũng giả làm dân để lên chiến khu theo lối này. Phải nói là đa số Vệ quốc quân đã trốn thoát bằng con đường này. Theo lệnh từ trung ương thì chỉ giữ lại khoảng 500 quân ở lại giữ Liên khu 1 mà thôi, còn lại rút hết, tính ra là rút đến 80-90 % rồi còn gì? Mà như vậy là Tây nó cũng rất nhân văn nó mới cho làm vậy chứ thảm sát mẹ gì ở đây mà bò đỏ với thiện lành cứ húc tán loạn?

Nếu Tây nó ác thì nó đem máy bay và pháo kích nát bét Liên khu 1 là êm chuyện, chiến tranh mà. Nhưng thực tế sau 19/12 chả có đợt thảm sát nào được ghi nhận cả, kể cả sử ta nhé. Trong khi nó còn ngừng bắn cho dân đi tản cư, quân cũng trốn theo được đến 80 % như vậy thì nó rõ là ngu và nhân văn chứ ác gì!

Đợt ngừng bắn này có sự phối hợp với lãnh sự Anh, Mỹ, Tàu Tưởng, với lý do để ngoại kiều rút nữa.

Thực tế quân ở lại là 1.200, bao gồm 200 phụ nữ và 100 trẻ em. Sách ta bảo là người ta tình nguyện ở lại, nhưng cũng lạ chuyện đó, sao để cả 100 cháu ở lại đánh nhau chứ? 200 cô gái còn bảo để làm quân y thì chấp nhận được. Sau đợt tản cư này, thì Pháp mới dùng đến bom vào pháo đánh vào một số vị trí.

Từ ngày 15/02/1947, kế hoạch “Cường công, mật rút” được triển khai, tức là quân ta tấn công ồ ạt từ khu vực ngoại ô vào, để quân trong Liên khu 1 bí mật rút ra. Ngày 16 mới chính thức triển khai kế hoạch ở trung đoàn và ngày 17/02 mới là ngày rút chính thức.

Đêm 17/02, mưa phùn gió rét, đánh nhau ầm ĩ ở các cửa ô, chứ không đẹp trời và yên tĩnh cho đôi trẻ tâm sự như trong phim đâu! Đêm đó quân ta mới chính thức rút, phim làm sai thời điểm ở chỗ quân ta rút sớm một ngày. Đêm 17 mà còn mỗi đôi trẻ động phòng, anh em trốn hết cả rồi. Quân ta rút qua phía Yên Phụ, mùa này nước cạn nên lội ra bãi giữa rồi đi thuyền sang bên Cơ Xá, Gia Lâm.

Cuộc chiến cuối cùng không phải là của đôi trẻ trong phim, mà vào 6 giờ sáng 18/02 và ở khu vực bãi giữa sông Hồng. Pháp phát hiện ra tự vệ rút lui nên tấn công, nhưng chỉ một bộ phận còn đang ở bãi giữa là chết, còn thì lên thuyền chạy thoát qua bên kia, vẫn còn còn kịp bắn trả. Đến ngày 19/02 Pháp mới tiếp quản Liên khu 1 bỏ trống, thì quân ta đã về tới Phúc Yên rồi.

Phim điện ảnh nói chung có quyền hư cấu lịch sử, nhưng chính vì thế nên khán giả cũng đừng có nghĩ đó là lịch sử, là mắc bẫy tuyên truyền cực đoan. Và anh em dư luận viên, thiện lành dốt sử cũng đừng có lấy lịch sử ra để biện minh cho sạn ở trong phim. Trong tư liệu của Vương Thừa Vũ, tư lệnh mặt trận, cũng không hề nhắc đến việc dùng bom ba càng để đánh tăng Pháp như là chiến thuật chủ đạo, vẫn là dùng mìn và chai xăng thôi. Hình ảnh chiến sĩ cảm tử với bom ba càng chủ yếu là để tuyên truyền chứ thực tế không rõ có mấy lần đánh? Toàn mặt trận có đúng 1 khẩu súng chống tăng là bazoka và 5 viên đạn.

Tài liệu tham khảo để khóa mõm bò:

- Hồi ký Những chặng đường chiến đấu của Vương Thừa Vũ, tư lệnh Khu 9 (mặt trận Hà Nội)

- Paris-Saigon-Hanoi bản dịch của NXB Tổng hợp TP HCM, đã xuất bản 2 lần, đảm bảo tái bản sẽ bán tốt nhưng lại không tái!

- Việt Nam 1946 – Chiến tranh bắt đầu như thế nào? Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, sách tham khảo nội bộ không bán, nên bò đỏ chắc không được đọc! Đảm bảo tái bản cũng bán tốt, nhưng cũng không thấy tái.

Hai cuốn sau của Tây nhé. Dân nghiên cứu chắc biết cả nhưng đồng bào chắc ít biết. Có đọc sách đâu mà biết, chỉ chửi là khỏe, ebook free đầy trên mạng cả ba cuốn.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 02.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.