Đêm qua 29 tháng chạp Quý Mẹo, lúc đó mới rảnh việc cuối năm, xách xe lượn một vòng các khu "chợ bông" tìm sắm vài cặp về chưng Tết.
Mai rất ít, giá rất "bèo", chỉ đôi ba trăm đến dưới một triệu cây mai 3 - 4 năm tuổi, mai bonsai cũng rẻ rề. Mai cội, chậu lớn cũng giá tương đối, người bán không cần nói thách, người mua không bận tâm mua.
Vạn thọ và cúc vàng là dễ bán, dễ mua nhứt. Vạn thọ từ 120.000 - 150.000/chậu (4 - 5 cây), giá chốt là 120.000, vạn thọ Pháp, bông to, mịn, sáng và thiệt đẹp. Cúc nằm tầm giá 200.000 - 240.000/cặp, cúc mâm xôi kêu giá 300 ngàn, bán 250, 260...
Mồng gà (mào gà) ít ỏi, chủ yếu là mồng gà bảng, mồng gà đuôi chồn ít hơn. Sống đời thì loe ngoe; sao nháy (soi nhái) hầu như không có; hạnh (tắc) gần như không thấy bán, trừ Bến Bình Đông có lai rai. Lan các loại: Địa lan không, phong lan và mộc lan lưa thưa ở Bến Bình Đông, khu Nguyễn Văn Cừ - Đại học Sư phạm hoàn toàn không có. Dạ lan hương, dừa cạn (giò treo) chỉ mấy trại cây kiểng chuyên doanh mới có, chợ phiên mùa tết không có.
Nhận định chung:
1. Thị trường bông kiểng tết ở Sài Gòn ảm đạm đến thê thảm. Người bán rất ít nhưng vẫn "nhiều hơn" người mua.
2. Không diễn ra tình trạng chen lấn vì đông người ngắm, nhiều người mua. Đổi lại, người bán bán thiệt, người mua mua thiệt. Thời gian cho một lần mua bông rất nhanh, không kỳ kèo trả treo nhiều.
3. Tâm trạng: Người bán có tâm trạng (dự phóng chủ quan của người viết do đã quan sát, ghi nhận) mệt mỏi, bán cho xong, bán thiệt nói thiệt. Người mua với tâm trạng mua nhanh rồi dìa, không thưởng hoa kiểng, ngã giá, trả giá.
Có vẻ như đều cảm thông, chia sớt khó khăn cho nhau?
4. Nhà nhà, cửa cửa, phố phố, phường phường, trừ các tiệm vàng, trang sức đá quý, công ty thương mại, siêu thị…có trưng bày ít nhất một cặp cúc đại (loại 3 triệu/cặp hôm đầu mùa, tức từ thời điểm đưa Táo về trời 23 tháng chạp). Hầu hết dân sinh đều không trang trí bông hoa, bài trí đèn, hoa đăng ở một số tuyến đường truyền thống ở quận 5, quận 6 cũng không.
Tuyến đường thời trang lớn nhất Sài Gòn – Chợ Lớn là Nguyễn Trãi, xe chạy bon bon, không nhích bánh kẹt xe như mọi khi. Tuyến đường đẹp nhứt nối Sài Gòn – Chợ Lớn là tuyến Trần Hưng Đạo, một nỗi trầm mặc, vắng vẻ lạ thường. Tuyến rộn rịp nhứt là Nguyễn Văn Cừ, cũng lưa thưa người qua lại. Chợ đầu mối hoa Hồ Thị Kỷ, người bán nhiều hơn người mua. Chợ lớn 2 là Hòa Bình đông người bán, vắng người mua. Quán xá ăn uống thưa khách...
5. Cuối cùng, về phần tôi: Sắm được hai cặp vạn thọ Pháp. Nói nhiêu mua nhiêu, chắc giá 120.000/cặp. Đi xe máy công nghệ hai bận gần trăm bạc, tốn gần hai trăm vì tự nguyện "pourboire" do ngày Tết, thương mấy cậu sinh viên. Sáng 30 ghé chợ, ghé sạp trái cây miền Tây gom một mớ quít, mận, xoài, nói nhiêu mua nhiêu cho nhanh đặng dìa, không quên gửi lại lời chúc mua may bán đắt, về nhà nghỉ sớm. Người mua người bán đều hoan hỉ. Dìa nhà mở máy biên cái này, và khoe bốn chậu vạn thọ sắm đêm qua, 29 tháng chạp.
Tết thiệt nhẹ nhàng!
TRẦN XUÂN THÁI 09.02.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.