Những ngày này ở Việt Nam những ca khúc xuân vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, làm cho mình dù đang rất bận việc mà lòng cũng rộn ràng.
Mùa xuân. Chỉ hai chữ đó cũng đủ gợi cho chúng ta một sự mới mẻ và tươi trẻ. Ba ngày Tết đánh dấu một sự khởi đầu mới, một trang sử mới, một tuổi mới. Có lẽ chính vì vậy mà mùa xuân và ngày Tết là cảm hứng của biết bao sáng tác thơ, văn và nhạc.
Nhưng tôi có cảm giác những sáng tác về xuân thời trước 1975 có sức sống rất mãnh liệt so với những ca khúc sau này. Có những ca khúc đã được viết ra từ những 60-70 năm trước mà tới nay vẫn còn được yêu chuộng khi mỗi dịp xuân về.
Một ca khúc hay là do giai điệu hay và lời ca đẹp. Những ca khúc về xuân thời trước 1975 đáp ứng hai tiêu chuẩn này. Bài nào cũng được viết dùng giai điệu đơn giản, dễ ca. Nhưng quan trọng hơn là lời ca trong những khúc nhạc xuân rất tinh tế và mang tính nghệ thuật cao. Chẳng hạn như ca khúc ‘Ly Rượu Mừng’ (của Phạm Đình Chương) có giai điệu valse, vừa sang trọng vừa vui tươi, rất hợp với ba ngày Tết. Còn lời ca của Ly Rượu Mừng thì thật đơn giản mà giàu chất nhạc:
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Nhưng những câu chữ được chọn để chúc Tết các thành phần trong xã hội thì rất ư là sâu sắc. Chắc nhạc sĩ phải nghĩ lâu và sâu mới viết ra những câu hào sảng bất hủ dưới đây:
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Trước 1975, Ly Rượu Mừng được xem là ‘Đệ nhứt xuân ca’ (vậy mà sau này nó phải ‘lưu vong’ gần nửa thế kỷ). Tôi thì xem ca khúc này như là một bài ‘quốc ca xuân không thể thiếu được trong ba ngày Tết.
Nhạc xuân trước 1975 trải dài theo thời gian. Trước, trong và sau ba ngày Tết đều có những ca khúc nói lên những suy tư và tỉnh cảm của tất cả mọi giai tầng xã hội. Ngay từ lúc giao mùa, dù Tết chưa về, nhưng thấy :
Một rừng hoa mai nở
Một bầy chim én đưa tin
Là báo hiệu xuân đang về với nhân gian. Rồi Tết đến, gia đình sum vầy, và cũng là dịp để thăm hỏi nhau, ôn lại những thành bại trong năm, và không quên chúc nhau một năm mới an lành:
Trên đường đi lễ xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo nổ rượu hồng
Phải sống ở miệt quê mới thấm câu ‘trên đường đi lễ xuân đầu năm’. Ngày Tết người ta đi chúc nhau trên con lộ đất (thời đó quê tôi chưa có lộ trải nhựa hay xi măng như bây giờ), những tà áo màu mè sặc sỡ trên những cánh đồng lúa vàng, tất cả làm nên cái không gian vui tươi. Những lời ca như hòa quyện với đất trời vào niềm hoan lạc của thế gian.
Nhạc xuân trước 1975 là một dòng nhạc riêng. Bên cạnh dòng nhạc tình, nhạc lính, nhạc chống chiến tranh là dòng nhạc xuân. Đặc điểm chánh của dòng nhạc xuân là không bi lụy, mà thường là tươi tắn và đầm ấm. Tuy số lượng sáng tác có lẽ không nhiều như các dòng nhạc kia, nhưng những ca khúc xuân có vẻ lưu lại trong lòng người mộ điệu lâu hơn.
Sở dĩ như vậy, tôi đoán là do lời ca nói lên những tâm tư, nguyện vọng và tình cảm giùm cho mỗi chúng ta. Có thể chúng ta không đủ văn chương để nói ra lời chúc, thì đã có nhạc sĩ nói dùm chúng ta:
Tôi chúc yên lành người người khắp chốn
Mong gió đưa duyên cho cô gái Xuân thì
Ước nguyện sao chóng thành rượu hồng se duyên
(Cánh Thiệp Đầu Xuân của Lê Dinh và Minh Kỳ)
Có thể nói rằng nếu ngày Tết mà không vang lên những bài xuân ca 'Hát lên nhân loại trả buồn cho Đông' thì ngày Tết chưa được trọn vẹn. Những bài xuân ca góp một phần quan trọng làm nên cái không khí đón Tết thêm tươi tắn và có ý nghĩa.
Cánh Thiệp Đầu Xuân là một trong những ca khúc tâm đắc nhứt của tôi. Mặc dù ca khúc này được sáng tác từ thập niên 1960, nhưng cho đến nay tôi vẫn thích. Thích cách mà nhạc sĩ miêu tả cảnh trời đất hòa quyện trong khi xuân đang tới, rồi tự hỏi mình 'chúc gì đây vào mùa xuân này'. Với đất nước, tác giả chúc cho 'non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình' để gia đình đoàn viên. Còn với người đang yêu, tác giả chúc 'ước nguyện sao chóng thành rượu hồng se duyên'. Toàn ca khúc giống như một bài thơ -- thơ nhạc.
Những bài ca xuân thời xưa được viết cho tất cả thành phần trong xã hội. Từ người nông dân, cậu học trò, đến người lính chiến đều có những ca khúc xuân dành cho họ. Những năm trước 1975 là thời chiến tranh, nên nhiều người lính không thể về quê ăn Tết. Họ chắc chắn có nhiều tâm tư và nhủ lòng rằng quê hương
trong thời đau thương
mùa xuân chia ly là thường.
Một trong những ca khúc tôi thích nhứt là Mùa Xuân Trên Cao (sáng tác vào thập niên 1960) của Trầm Tử Thiêng:
Trời bây giờ trời đã sang Xuân
Anh và mai ngủ bên bìa rừng
Chờ giấc ba mươi mộng ảo
Mùa Xuân vẫn đẹp vô cùng
Nếu xuân này môi em còn hồng
Tình Yêu nào chợt về đêm xuân
Ta cần nhau, gặp nhau vài lần
Nhìn én bay qua đầu núi
thì xuân đã ngập trong lòng
Thương anh vào những ngày lập đông
Nếu chú ý, các bạn sẽ thấy các ca khúc xuân dù viết cho lính hay về lính, nhưng lời ca rất trữ tình và nhân văn. Rất rất khó tìm một lời nào mang tính hô hào, hung hăng hay giết chóc trong đó. Tiêu biểu là bài Lời Đầu Năm Cho Con (Nguyên Thảo) có những câu nhắn nhủ con ở nhà lo việc đèn sách :
Lời đầu năm thêu bướm thêu hoa
Cho con vui để gọi là quà
Ba chỉ còn niềm tin sau cuối
Con hãy chăm chỉ học nên người
Nơi miền xa ba vui
Còn ba thì vẫn 'miệt mài thân chinh chiến' ở nơi 'khói lửa rã mòn'. Nhưng ba vẫn hy vọng một ngày không còn chiến tranh:
Một mai quê hương không còn chinh chiến
Ba sẽ về thăm con
Bỏ đi ngày tháng mỏi mòn.
Thật cảm động!
Đất nước không còn chiến tranh nữa, nhưng những ca khúc như thế vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Tại sao? Tại vì những ca khúc đó không chỉ giàu tính nghệ thuật và đậm chất thơ, mà còn hàm chứa những thông điệp giàu tính nhân văn, kêu gọi yêu người và yêu quê hương.
Ngày nay, chúng ta hay nghe những thông điệp chúc Tết của mấy người giữ trọng trách, suốt năm này sang năm khác các lời chúc đó giống y chang nhau (như 'quyết chiến', 'quyết thắng', dù không còn chiến tranh). Trong bối cảnh đó thì những ca khúc xuân thời xưa rất ư là cần thiết để hạ nhiệt anh hùng chủ nghĩa và trở về cái bản chất muôn đời của con người: Chân - Thiện – Mỹ.
TB: Xin giới thiệu đến các bạn một số ca khúc xuân hay thời trước 1975:
* Câu Chuyện Đầu Năm (Hoài An)
* Cám Ơn (Nhật Ngân)
* Cánh Thiệp Đầu Xuân (Minh Kỳ và Hoài Linh)
* Đám Cưới Đầu Xuân (Trần Thiện Thanh)
* Đan Áo Mùa Xuân (Phạm Thế Mỹ)
* Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa (Châu Kỳ)
* Đồn Vắng Chiều Xuân (Trần Thiện Thanh)
* Gác Nhỏ Đêm Xuân (Lê Dinh và Minh Kỳ)
* Hạnh Phúc Đầu Xuân (Anh Bằng)
* Hẹn Một Mùa Xuân (Đinh Việt Lang)
* Lời Đầu Năm Cho Con (Nguyên Thảo)
* Ly Rượu Mừng (Phạm Đình Chương)
* Mùa Xuân Đầu Tiên (Tuấn Khanh)
* Mùa Xuân Đó Có Em (Anh Việt Thu)
* Mùa Xuân Lá Khô (Trần Thiện Thanh)
* Mùa Xuân Trên Cao (Trầm Tử Thiêng)
* Mùa Xuân Của Mẹ (Trần Trịnh và Nhật Ngân)
* Mùa Xuân Hoa Đào (Hoàng Thi Thơ)
* Nếu Xuân Này Vắng Anh (Bảo Thu)
* Ngày Xuân Thăm Nhau (Hoài An)
* Nhớ Một Chiều Xuân (Nguyễn Văn Đông)
* Phiên Gác Đêm Xuân (Nguyễn Văn Đông)
* Phút Giao Mùa (Trần Thiện Thanh)
* Rước Xuân Về Nhà (Nhật Ngân)
* Ta Đã Gặp Mùa Xuân (Nhật Ngân và Trầm Tử Thiêng)
* Tâm Sự Ngày Xuân (Hoài An)
* Tôi Chưa Có Mùa Xuân (Châu Kỳ)
* Thư Xuân Trên Rừng Cao (Trịnh Lâm Ngân)
* Xuân Ca (Phạm Duy)
* Xuân Muộn (Hoài Linh)
* Xuân Này Con Không Về (Trịnh Lâm Ngân)
* Ước Nguyện Đầu Xuân (Hoàng Trang)
NGUYỄN VĂN TUẤN 07.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.