jeudi 14 décembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Người Hoa ở Chợ Lớn

 

Tôi là người Việt gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Bên nội tôi là người gốc Quảng Đông sống ở Chợ Lớn còn bà ngoại tôi là người lai Phúc Kiến.

Theo lời kể của bà ngoại tôi thì bà là hậu duệ của một nghĩa sĩ trong một tổ chức cách mạng chống lại Từ Hy Thái Hậu, do tránh truy bắt nên lưu lạc sang Việt Nam rồi lấy vợ sinh con định cư ở Bến Tre. Còn bên nội tôi thì sang Việt Nam từ khi nào, vì lý do gì chưa bao giờ tôi nghe ba tôi kể lại.

Khi tôi ra đời thì ông bà nội tôi đã mất từ lâu nên tôi chỉ biết mang máng rằng ông nội tôi từng coi sổ sách cho một hãng buôn của Pháp ở Sài Gòn, sau đó vì siêng năng nên được chủ người Pháp cho mượn vốn ra mở cửa hàng làm ăn riêng nhưng không may làm ăn thua lỗ nên buồn bực sinh bệnh mà chết.

Theo lời kể của ba tôi, ông nội tôi là người rất siêng năng và tiết kiệm nhưng cũng rất khắc nghiệt và gia trưởng đối với vợ con. Điều này phần nào cũng ảnh hưởng tính cách của ba tôi sau này. Riêng tôi thì tôi thấy điều này không đem lại lợi ích mà chỉ làm khổ bản thân và vợ con nên quyết tâm không bắt chước.

Ông bà nội tôi có đến 9 người con, trong đó ba tôi là áp út. Khi tôi ra đời thì toàn bộ những người chị của ba tôi, tức là các cô của tôi đều đã vượt biên sang Mỹ sau những đợt đánh tư sản năm 1975 khiến tiền bạc của cải trong nhà gần như mất hết chỉ còn lại một căn nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh quận 11 mà gia đình tôi sống chung với hai người bác.

Hai bác tôi lúc đó đều già và không nói rành tiếng Việt nên hầu như cũng chẳng có nghề nghiệp gì ổn định. Bác Hai tôi mở cửa tiệm sửa tivi và radio cho người ta nhưng họa hoằn lắm mới có người mang đồ tới sửa còn bác Tư tôi thì gà trống nuôi con sau nhiều năm phiêu bạt giang hồ, cuộc sống vô cùng cơ cực. Bác Hai không có vợ con nên rất thương tôi, gần như tôi muốn gì cũng được. Chính bác Hai là người dạy tôi nói tiếng Quảng Đông vì ba tôi hầu như chỉ nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt. Còn bác Tư thì do mâu thuẫn với ba tôi nên chưa từng nói chuyện với tôi câu nào cho tới ngày bác mất.

Lúc tôi còn nhỏ, do bận đi làm nên ba mẹ tôi gửi tôi cho bà ngoại và mấy dì ở Phú Nhuận chăm sóc, cứ cuối tuần lại đón tôi về nhà nội ở Chợ Lớn một lần. Một thời gian sau tôi chuyển hẳn về sống với ba mẹ trong nhà nội trên đường Nguyễn Chí Thanh suốt mấy năm liên tục. Đó là khoảng thời gian tôi bắt đầu hòa nhập với cuộc sống cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn và có bạn cùng lứa tuổi người Hoa mặc dù tôi vẫn đi học trường tiếng Việt như bao đứa trẻ Việt Nam khác.

Rồi ba mẹ tôi chia tay, tôi lại cùng mẹ về sống với bà ngoại ở Phú Nhuận, đến chủ nhật thì ba tôi đón tôi về Chợ Lớn với ông và cuộc đời tôi cứ thế mà di chuyển giữa Phú Nhuận và quận 11 cho tới khi tôi sang Mỹ du học. Đối với tôi, những kỷ niệm của tôi ở khu Phú Nhuận cũng nhiều như những kỷ niệm của tôi ở Chợ Lớn mặc dù thời gian tôi sống ở Chợ Lớn không lâu bằng.

Những đặc điểm của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn

Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn là một trong những cộng đồng lâu đời nhất ở miền nam nói chung và mảnh đất Sài Gòn nói riêng. Họ là con cháu của những người Minh Hương đến miền Nam từ thời các chúa Nguyễn bắt đầu khai hoang lập ấp hoặc những người từ Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau đã đến Sài Gòn và “nhận nơi này làm quê hương”.

Không như người Hoa ở Hong Kong, người Hoa ở Chợ Lớn rất ít người còn người thân ở Trung Quốc vì đã di cư sang Việt Nam qua nhiều thế hệ. Trong quá trình sống ở Việt Nam, người Hoa ở Chợ Lớn đã có nhiều đóng góp và xây dựng cho sự phát triển kinh tế cũng như văn hóa của miền Nam và Sài Gòn cả trước và sau năm 1975.

Nếu như những thế hệ người Hoa ở Chợ Lớn sinh trước năm 1975 ít hòa nhập với cộng đồng người Việt thì những bạn trẻ thế hệ từ 8x trở đi bắt đầu có sự hòa nhập tốt hơn với người Việt. Ở nhà họ có thể nói tiếng Quảng Đông hay tiếng Triều Châu với cha mẹ, chú bác và ăn uống theo kiểu người Hoa nhưng khi ra đường thì họ cũng nói tiếng Việt rành rẽ như người Việt và cũng ăn bún mắm hay bún đậu mắm tôm không khác gì bạn bè người Việt. Sau đây là một số đặc điểm của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn mà có thể bạn chưa biết:

1. Người Hoa ở Chợ Lớn phần lớn thuộc về bốn nhóm người chính: Quảng Đông (Việt) tính tình rộng rãi, thích kết giao và giỏi kinh doanh buôn bán, Phúc Kiến (Mân) bảo thủ gia trưởng và coi trọng việc thi cử đỗ đạt nên có nhiều gia đình khoa bảng, Triều Châu (Tiều) sống tiết kiệm, kham khổ và siêng năng và Khách Gia (Hẹ) đầu óc phóng khoáng, thích đi chu du đây đó và đặc biệt nấu ăn rất ngon, nhất là những món Tây vì thời Pháp, rất nhiều người Hẹ xin đi làm bếp cho những nhà người Pháp.

Trong đó Quảng Đông là nhóm đông nhất vì thế ngôn ngữ chính để giao tiếp của người Hoa ở Chợ Lớn với nhau là tiếng Quảng Đông vì tiếng Quảng Đông tương đối dễ nói và cũng gần với tiếng Việt nhất về cả phát âm lẫn ngữ pháp. Người Hẹ, Tiều và Phúc Kiến phần lớn đều có thể nói lưu loát tiếng Quảng Đông, còn người Quảng Đông hiếm ai có thể nói được ba thứ tiếng còn lại. Điều này khiến Chợ Lớn rất giống Hong Kong về mặt ngôn ngữ với tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ chính. Nhiều người Hoa ở Chợ Lớn biết tiếng Phổ thông nhưng nói không tốt vì hầu như chẳng bao giờ sử dụng.

2. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn gọi nhau là Thoòng dành (Đường nhân) để nhắc nhở gốc gác nhà Đường, một triều đại huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc còn gọi người Hoa đến từ Trung Quốc là Tài Lục dành (người Đại Lục) để phân biệt. Họ gọi Sài Gòn là Xấy Cung (Tây Cống) và Chợ Lớn là Thày Ngòn (Đề Ngạn) hoặc theo cách quen thuộc của mình là “Thoòng dành cái” (Phố người Hoa) và Chợ Lớn cũng chính là “Thoòng dành cái” lớn nhất trên thế giới.

Và tuy phần lớn người Hoa sống tập trung ở Chợ Lớn (quận 5,6,8,11), họ cũng sống rải rác khắp các quận huyện khác ở Sài Gòn. Ngay trên những con đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Trọng Tuyển, Phan Đăng Lưu ở quận Phú Nhuận cũng có rất nhiều gia đình người Hoa sống trong các khu xóm người Việt. Trong khu xóm người Việt hễ nhìn vào nhà nào có dán hai câu liễn chữ Hoa giấy đỏ hai bên cửa ra vào và phía trên có treo kiếng bát quái thì chắc chắn đó là nhà người Hoa.

3. Người Hoa ở Chợ Lớn có một số đức tính như rất siêng năng và giữ chữ tín trong kinh doanh, hầu như hiếm khi xảy ra chuyện thất tín hay mua gian bán lận. Cũng như người Hoa trên thế giới, họ rất coi trọng tính cộng đồng và giúp đỡ nhau trong chuyện làm ăn buôn bán.

Khi buôn bán với người Việt hoặc người nước ngoài, người Hoa cũng không lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ để bán giá khác cho khách. Họ cũng ít khi se sua chưng diện vẻ bề ngoài bằng xe xịn, điện thoại xịn mà thiên về ăn chắc mặc bền. Nhiều ông già người Hoa nhỏ thó ăn mặc giản dị ngồi uống cà phê quán cóc hay vô quán ăn tô hủ tíu mì bình dân có thể là xì thẩu (đại gia) cỡ bự của chìm của nổi trong tay đếm không hết.

4. Người Hoa có tinh thần đoàn kết tương trợ rất cao qua các hội đồng hương được gọi là hội quán hoặc thông qua các nhà thờ của một dòng tộc nào đó. Các hội quán lúc trước là các hội kín của người Minh hương chống lại nhà Thanh. Khi qua tới Việt Nam, các bang hội này dần mất đi màu sắc chính trị mà chủ yếu tương trợ giúp đỡ đồng hương về mặt kinh tế. Trụ sở của các hội quán thường được đặt ở các miếu thờ Quan Công, Thiên Hậu nương nương hay Bổn Công (Triều Châu).

Đây cũng là nơi cộng đồng người Hoa tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống trong các dịp năm mới, tết Nguyên Tiêu, tết Đoan Ngọ hay Trung Thu bằng các hoạt động như hát Việt Kịch (tuồng cổ của người Quảng Đông), hát Hồ Quảng và múa lân sư rồng. Người Hoa phát lì xì hầu như bất cứ khi nào nhà có hỷ sự như đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, khai trương, tân gia...với ý nghĩa chia lộc lấy hên chứ không chỉ riêng dịp tết. Màu may mắn là màu đỏ, màu xui xẻo là màu trắng, chỉ dùng cho tang ma.

5. Người Hoa ăn tết tương đối giống người Việt, cũng cúng giao thừa, xông nhà, chúc tết cha mẹ và nhận lì xì vào mùng 1 tết nhưng không chưng mai đào hay hoa trong nhà như người Việt. Ngày giáp tết, người Hoa hay mua những tờ giấy đỏ viết chữ Phúc hoặc những câu chúc tết như "vạn sự như ý", "xuất nhập bình an", "sinh ý hưng long" (mua may bán đắt) viết bằng sơn nhũ kim về dán trên dưa hấu hoặc trên tường nhà và trước cửa. Nhà làm ăn thì hay rước đội lân về múa khai trương xông nhà đầu năm để cầu việc kinh doanh thuận lợi, mua may bán đắt.

6. Người Hoa Chợ Lớn coi trọng gia đình và phần lớn dạy con rất nghiêm và có phần hơi cổ hủ do chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo. Cha mẹ đối xử với con cái khá khắc nghiệt và gia trưởng, ít khi thể hiện sự yêu thương con cái bằng hành động hay lời nói. Đứa trẻ người Hoa nào lớn lên cũng đã từng nếm mùi “thằng thỉu” (roi mây) của ba mẹ hoặc ông bà. Người Hoa nói chung rất sợ việc mình làm xấu hổ cha mẹ khi bị chửi là đồ “vô gia giáo” hay “có cha sinh nhưng không có mẹ dạy” nên có lẽ vì vậy tỉ lệ người Hoa ở Sài Gòn ăn chơi lêu lổng, xì ke ma túy, cướp giật, đâm chém hoặc chửa hoang khá thấp mặc dù phần lớn ít ai học cao mà chủ yếu chỉ làm công việc lao động hoặc buôn bán nhỏ.

7. Đàn ông người Hoa hiếm khi nhậu nhẹt rượu bia sa đà sau giờ làm việc như đàn ông Việt Nam. Dịp duy nhất tôi thấy họ uống ngà ngà là trong những đám cưới, thôi nôi hoặc tân gia và hầu như không bao giờ ép khách hay bạn bè uống tới say mèm. Người Hoa ở Sài Gòn không mở quán nhậu mà chủ yếu là mở các quán ăn gia đình để vợ chồng con cái chở nhau đi ăn “xiu dè” (ăn khuya). Trừ những ông chủ cả (tài xì thẩu) dư tiền lắm của cặp bồ với các cô “ngày hùng xỉu chẻ” (vũ nữ phòng trà), đàn ông người Hoa bình thường rất hiếm có người nào “páo dìa lái” (có vợ bé). Chuyện đánh ghen cũng hầu như ít khi xảy ra ở các cộng đồng người Hoa trong Chợ Lớn.

8. Người Hoa Chợ Lớn những thế hệ trước vẫn có một số nhược điểm như nhà ở không chú trọng vệ sinh nên rất bừa bộn và cũ kỹ, coi trọng việc đẻ con trai nối dõi tông đường,bảo thủ gia trưởng và mê tín. Các nghi thức ma chay cưới hỏi đều rất rườm rà và tốn kém. Con cái người Hoa thế hệ trước ít ai được cha mẹ khuyến khích học hành lên cao mà chỉ chủ yếu học cho đủ biết chữ đọc báo và làm sổ sách rồi sau đó đi tìm một cái nghề nào đó kiếm sống hoặc ở nhà phụ giúp cha mẹ trông coi cơ sở làm ăn của gia đình theo lối cha truyền con nối.

Tuy nhiên những nhược điểm này đã được các thế hệ 9x-10x dần dần khắc phục do chịu ảnh hưởng của lối sống mới tiến bộ. Học trò người Hoa của tôi hiện nay cũng đi học đại học, cao học và thậm chí ra nước ngoài du học khá nhiều chứ ít khi chịu nghỉ học sau khi tốt nghiệp phổ thông.

9. Tiếng Quảng Đông và tiếng Tiều (Triều Châu) đóng góp khá nhiều cho kho tàng phương ngữ miền nam với rất nhiều từ vẫn còn được dùng tới bây giờ như tài mà ( đại ma = cần sa), xộ khám (toạ giam = ngồi tù), nhị tì (nghĩa địa) → hui nhị tì (ra nghĩa địa = chết), tẩy chay, a có (ca = anh), a chế (tỉ = chị), sườn xám (trường xiêm = áo dài), xá xẩu (áo ngắn tay của đàn ông), tài xỉu, xập xám chướng, thùng phá sảnh, xí ngầu, xí muội, tài xế, xì thẩu, hầu sáng, phổ ky ... trong tiếng Quảng Đông, cà na, pò pía, hủ tíu (kuay teo), mì, phá lấu, thím (thẩm = vợ của chú hoặc người phụ nữ trung tuổi), tía (cha), má (mẹ), tùa hia (đại huynh)...trong tiếng Triều Châu góp phần làm phong phú tiếng Việt đặc biệt là tiếng Việt ở Sài Gòn-Chợ Lớn.

10. Trong thời đại kỹ thuật số và mạng xã hội ngày nay, có khá nhiều bạn trẻ người Hoa ở Sài Gòn mở những kênh YouTube hoặc facebook với nỗ lực giới thiệu văn hóa đặc sắc của người Hoa ở Việt Nam đến cho nhiều người trong đó có hai kênh đặc biệt được rất nhiều người theo dõi đó là Chợ Lớn Downtown và Hỷ Khí Dương Dương. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì thế hệ 2x của người Hoa Chợ Lớn vẫn rất quan tâm và có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc cũng như bảo tồn văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam nói chung và ở Sài Gòn nói riêng.

HUỲNH CHÍ VIỄN 03.12.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.