Status này viết cho Thành Bưởi, nhưng đó chẳng qua chỉ là cái cớ để nói về chuyện trên đường thiên lý. Tuy nhiên, vì đã nhắc Thành Bưởi nên phải nói chuyện về Bưởi trước đã.
Hành trình Sài Gòn - Đà Lạt theo quốc lộ 20 là hành trình tấp nập, với rất nhiều đội xe. Ngoài hai đội được xem là lớn nhất - Thành Bưởi và Phương Trang - còn nhiều đội khác trên tuyến này để hành khách tha hồ chọn lựa.
Hồi lâu lâu lắm rồi, gã cũng có đi Phương Trang, rồi sau đó cũng hông nhớ sao lại không đi Phương Trang nữa. Gã ở Gò Vấp nên sau này đi xe Anh Tuyên, giá vé rẻ hơn. Nhưng rồi đội xe Anh Tuyên rút ngắn hành trình, chỉ đi tới Di Linh thôi nên gã không đi nữa, chuyển qua đi xe Điền Linh. Giá vé rẻ hơn Thành Bưởi 30-50 ngàn. Tất nhiên, đổi lại thì độ chuyên nghiệp có chút thấp hơn. Chẳng hạn như xe Điền Linh không có cái thẻ gởi hành lý dưới gầm và không có tiết mục phát loa chào mừng quý khách trước khi xe xuất phát.
Vì gã ở Tà Nung, thực chất không cần phải lên Đà Lạt rồi đón xe buýt ngược về Tà Nung mà chọn đi Điền Linh xuống Ngã ba Cửa rừng (Đức Trọng) rồi bắt xe buýt lên Tà Nung, đỡ phải vượt đèo. Sau này thì gã phát hiện ra còn có xe Vạn Hạnh, xe Hoa Bình cũng đi tuyến này, giá vé rẻ hơn nữa, mà lại về gần chỗ gã hơn. Chẳng hạn như xe Hoa Bình sẽ chở gã về tận Từ Liêm (Thị trấn Nam Ban, không phải Từ Liêm ngoài Hà Nội). Từ độ ấy, gã đi xe Hoa Bình, nhưng khi cần đi Đà Lạt từ Sài Gòn, gã sẽ chọn đi Điền Linh, không thì sẽ đi Thành Bưởi.
Chuyện xe khách quốc lộ 20 giành đường, lấn làn, vượt ẩu, nhiều lần gây tai nạn là chuyện thường ngày ở chợ. Thực ra phải bổ sung thêm đội xe tải chở rau từ Đà Lạt, bảng số 49 nữa. Đội này chạy kinh lắm! Nói chung, khi bạn liếc vào kính chiếu hậu mà thấy xe khách hoặc xe rau bật đèn hazard thì điều đó có nghĩa là họ sẽ vượt, bất kể tình trạng giao thông lúc đó ra sao. Nhiều trường hợp hai xe khách kè nhau trên đường và xe ở chiều ngược lại buộc phải nhường - nép sát lề nếu không muốn lỗ đầu.
Một lần, trên đèo Bảo Lộc, gã đang đổ đèo. Ngay khúc cua, vừa lú đầu ra phải lập tức đạp thắng đứng, bấm một hồi kèn dài, vì một xe khách vượt ẩu đang ở ngay trên phần đường của gã. Nếu cả hai bên không thắng kịp, chắc chắn gã đã nát bét. Tất nhiên, trong tình huống ấy thì làn xe ngược chiều phải dừng lại để chiếc xe vượt ẩu kia trở về lại đúng làn đường, rồi gã và dòng xe đổ đèo mới có thể đi. Đó cũng không phải chuyện lạ trên quốc lộ 20.
Những chuyện như vậy, Cảnh sát giao thông Sài Gòn - Đồng Nai - Lâm Đồng biết không? Thật khó mà nói không, vì nó thường xuyên xảy ra, ngày cũng như đêm và nếu Thành Bưởi có sai phạm ở những chuyện như vậy thì chắc chắn không chỉ có Bưởi.
Hành trình Sài Gòn - Đà Lạt theo quốc lộ 20 mất khoảng hơn 7 tiếng, nếu chạy xe nhà. Đi xe đò chỉ khoảng 6 tiếng mấy (đã bao gồm thời gian nghỉ ở trạm dừng chân, ăn cơm). Giới lái xe ai cũng biết, trên đường trường, tốc độ trung bình chỉ là 40 km/h (Chuyện cao tốc, xin để dịp khác nói sau).
Bao nhiêu năm rồi, một con đường tấp nập đến vậy vẫn chỉ có một làn xe hơi, một làn xe máy và cũng không hề có con lươn cứng (giúp tăng tốc độ di chuyển thêm 10 km/h). Chưa kể, bạn thử chạy xe đoạn Di Linh (chiều từ Đà Lạt về) và để ý mấy cái bảng “Khu dân cư“ (tốc độ tối đa 50km/h) mà xem. Chúng… bé xíu, nhưng cái bảng “Hết khu dân cư“ thì lại to đùng. Thế nên giới lái xe mới có câu đùa “Đang phom phom chạy 80 km/h thì thấy bảng Hết khu dân cư là một cảm giác rất… toát mồ hôi“.
Cho nên, vấn đề không phải là xử hay không xử Bưởi. Dù có xử Bưởi, thậm chí xử hết các hãng xe, như nhiều người nói, thì những vấn đề trên quốc lộ 20 vẫn còn nguyên đó. Đường nhỏ, chất lượng thấp, “bẫy biển báo“… là những thứ nằm ngoài tầm tay của các hãng xe.
Đường về phố, gã có chút hoảng khi thấy các chốt Cảnh sát giao thông xuất hiện nhiều hơn bình thường trên toàn tuyến quốc lộ 20. Và khi thấy cảnh hàng đoàn xe Phương Trang nối đuôi nhau cam cả đoạn đường, gã bỗng nở nụ cười chua chát.
PHẠM THÀNH NHÂN 04.11.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.