Đó là sự kiện mang tên “cách mạng tháng Mười” và những hệ quả mà nó gây ra bảy chục năm sau.
Năm 2023, tháng Mười, hôm nay 7.11, cách đây đúng 106 năm xảy ra cuộc bạo loạn cách mạng tháng Mười ở Nga, cái nước đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo với người anh em Ukraine một thời môi răng trong thể chế Liên Xô.
Bản chất thật của Liên Xô và Nga, cách mạng và chiến tranh, dù có che giấu khéo mấy, lâu mấy, cũng có lúc bật ra, phô bày. Cách mạng ư, chẳng qua là bạo lực, chém giết, say máu, tàn bạo, là “cách mẹ cái mạng chúng nó đi”. Trên quả địa cầu, những anh cộng sản hoặc đám thiên tả ưa làm cách mạng, thích dùng từ “cách mạng” nhất. Cách mạng thực chất là phá bỏ, thay đổi, chém giết, vậy mà thời nay họ cứ hô hào mọi người "phát huy tinh thần cách mạng", chả biết định phá cái gì, chém giết ai.
Tại sao xảy ra tháng Mười Một mà lại gọi cách mạng tháng Mười. Đó cũng là sự oái oăm. Cứ tra Gu gồ thì rõ ngay, không cần giải thích lòng thòng. Vả lại Liên Xô nơi đẻ ra cách mạng, nó thích gọi thế thì đàn em phải chiều, nó mà phạt, không u đầu cũng sứt tai.
Bây giờ đã gần 10 giờ đêm của ngày kỷ niệm “thứ 106” nhưng hầu như chả tờ báo nào đất An Nam, kể cả Thông tấn xã Việt Nam, đưa tin về việc xứ ta tổ chức mít tinh, kỷ niệm cách mạng tháng Mười. Một chữ cùng không. Nếu dính tí ti, thì đó là tin lấy từ báo Nga, cho biết đám tàn dư cộng sản Ziugan.ov kéo nhau đi tuần hành, thu hút được vài ông già bà cả còn mắc nợ với Lênin và chính quyền xô viết.
Nhớ những năm xa ấy, thập niên 60 và nửa đầu 70 khi tôi còn ở Bắc, cứ mỗn lần tới ngày 7.11 hằng năm, bất kể năm chẵn năm lẻ, cả miền Bắc, mười mấy triệu người (chính xác là 17, còn miền Nam 14, cả nước 31 triệu, “31 triệu nhân dân, tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ”, đọc câu thơ này của ông Lành, không hiểu các vị ấy vào miền Nam đánh nhau với ai) cứ như lên đồng. Hình như không khí hội hè chỉ kém kỷ niệm quốc khánh 2.9.
Chỗ nào cũng khẩu hiệu “Tinh thần của cách mạng tháng Mười bất diệt”, “Lênin vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, “Tình hữu nghị Việt Xô đời đời bền vững”, "Chủ nghĩa Mác, Lênin bách chiến bách thắng vô địch muôn năm"… rộn ràng chả khác chi nhánh nhà thờ họ giỗ tổ. Dù có tài tiên đoán như cụ Trạng Trình cũng không thể nào nghĩ sự bất diệt ấy hai chục năm sau lại tang thương, tẻ ngắt như thế này. Vậy mà ông hàng xóm nhà tôi còn cười bảo chôn vùi hạ huyệt cách mạng tháng Mười như thế vẫn còn khí muộn. Âm khí vẫn còn. Sự khư khư ôm lấy nó của ai đó chỉ là kết quả từ đầu óc tăm tối, thủ cựu.
Nhiều năm trở lại đây, chính người Nga cũng không muốn nhắc lại cách mạng tháng Mười, còn nếu có nhắc, họ gọi là sai lầm lịch sử, gây một quá khứ đau thương, phát triển trì trệ, ì ạch cho nước Nga. Những người cộng sản còn sót lại ở Nga, nhóm Gennady Ziuganov nếu có trương cờ, giăng biểu ngữ, tuần hành... lôi kéo được một số người thì chẳng qua cũng chỉ ăn mày dĩ vãng, dựa hơi quá khứ để trang điểm cho hiện tại cùng quẫn mà thôi.
Lại nhớ sau năm 1991 (năm Liên Xô tan rã, chủ nghĩa xã hội vào đường cùng), cứ mỗi lần đến dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười, người ta vẫn gượng tổ chức. Ngay cả khi người Nga đã quên thì "người ta" vẫn nhớ. Còn chút dĩ vãng nhợt nhạt, yếu ớt, mỏng manh nhưng đúng đường xưa lối cũ ấy mà không cố tôn lên, tô vẽ cho nó thì biết sống làm sao.
Thật tội nghiệp. Thứ mà kẻ sinh ra nó đã vứt vào sọt rác lịch sử không thương tiếc thì vẫn có người bấu víu vào nhấm nháp cầm hơi để tồn tại qua ngày đoạn tháng.
NGUYỄN THÔNG 07.11.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.