Ngày 11.11 Phan Huỳnh Điểu… ra đời, còn Hàn Mặc Tử về với đất.
Gã đến dự 99 năm Phan Huỳnh Điểu. Tuổi ta là trọn một trăm. Cũng chỉ chưa bước qua tuổi 20 chàng trai xứ Quảng đã lãng mạn tình: “Ôi ta buồn ta đi lang thang”với ca khúc Trầu cau, để rồi đùng cái vào tuổi 21 hào hùng khúc quân hành cách mạng:
“Ðoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui …”
Chao ơi, cái thời tuổi 20 hừng hực tình yêu nước thế:
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui
Gã có lần hỏi ông nhạc sĩ: Tuổi 20 sao chú có thể viết được bản nhạc khí thế ngút trời vậy? Ông cười, dí dỏm: Đang yêu thì cứ ào ào tưởng tượng thôi mà.
Đang yêu.
Con người ấy chẳng ngơi yêu, chẳng cạn yêu mà càng ngày càng dồn yêu, cuồng yêu. Và các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu đều là kết quả của các cuộc dồn yêu ấy.
“Những ánh sao đêm” ông viết năm 1962, khi Hà Nội không có ngôi nhà nào trên 5 tầng. Ông lên sân thượng nhà tập thể hơn 30 gia đình văn nghệ sĩ 96A phố Huế ; trong đó có gia đình Văn Ký, Nguyễn Văn Tý, Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh…chen chúc ở, hóng gió. Nhà ông hai vợ chồng và bốn cậu con trai nêm chặt căn phòng 20 mét vuông quá ư khó thở. Còn Lưu Quang Vũ tả căn phòng của mình:
“Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình
Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui
Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi
Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió
Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ
Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời..."
Trên sân thượng ấy ông nhìn thấy ánh lửa hàn xa xa ở khu Kim Liên, mơ cho chính các con của mình và các con của bạn văn nghệ sĩ của mình những căn nhà mới to đẹp. Chính khát vọng ấy đã biến những nốt nhạc cô độc khô khốc kết lại thành giai điệu da diết bay cao… mà sau này bị quy kết là lạc quan tếu quá đà.
“Làn gió thơm hương đêm về quanh
Khu nhà tôi mới cất xong chiều qua
Tôi đứng trên tầng gác thật cao
Nhìn ra chân trời xa xa
Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời
Bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng
Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu
Nghe máu trong tim hòa niềm vui lâng lâng lời ca
Em ơi
Anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi
Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
Lòng anh những thấy càng thương nhớ em
Dù xa nhau trọn ngày đêm
Anh càng yêu em càng hăng say
Xây cho nhà cao cao mãi
Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái
Những bài tình ca”
Vâng cái tầng cao ấy chính là cái sân thượng tầng bốn nhà 96A phố Huế ấy và “Xây cho nhà cao, cao mãi…” cho đến, ông cười: “thì… thôi.”
Bài hát dồn, cộng, nhân mơ cho cả triệu dân Hà Nội nữa. Thế là đâu đâu cũng nghe tiếng hát: Xây cho nhà cao, cao mãi. Tuổi nhỏ gã từng chứng kiến các ông vừa hứng nước ngoài đường thấy mấy bà đi đổ thùng mà vừa mơ vừa hát cái điệp khúc “xây cho nhà cao…”. Kiều Hưng thật tuyệt vời khi hát ca khúc này. Giọng cao, cao vút mà lại thanh khiết đến chỉ còn biết: Hay quá, mẹ kiếp!
Nhưng rồi năm 1964, chiến tranh, anh Nu của gã ngồi trên thành cửa sổ nhà gã ở Văn Miếu ông ổng “Anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi” thì gã nghe thằng con của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước réo to: Anh Nu hát nhạc phản động!
Và Hà Nội không còn ca sĩ nào hát bài “Những ánh sao đêm”, nữa vì nó bị quy kết là lạc lõng, yêu đương ướt át khi cả nước có chiến tranh. Có thể nói đây là một cú dội khó chấp nhận được của người nghệ sĩ hết mình cho cách mạng Phan Huỳnh Điểu.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc kể gã nghe: Ngày 07.03.1969 tôi xuống hầm trong trận càn ở Thăng Bình, Quảng Nam. Trong hầm tối ngột ngạt, trên là bom đạn, tôi nhớ Xuân Quý vợ tôi đang ở Duy Xuyên, bèn lẩm nhẩm bài thơ “Bài thơ tình yêu” định sau càn sẽ tìm vợ, đọc cho vợ nghe. Nhưng đâu ngờ, ngày hôm sau 08.03, vợ tôi hy sinh. Khi về căn cứ tôi đọc bài thơ cho Phan Huỳnh Điểu. Phan Huỳnh Điểu khóc.
Tôi ngạc nhiên không hiểu sao vào chiến trường 6 năm trời, hầu như có tâm trạng gì đó, có thể do bài hát “Những ánh sao đêm”, đứa con tình thần mà ông yêu nhất bị cấm, ông không sáng tác được bài hát nào hay. Cho đến khi trở lại Hà Nội năm 1971 ông phổ bài thơ của tôi và đổi thành ”Cuộc đời vẫn đẹp sao”, ông mới trở lại nguồn sáng tạo mạnh mẽ của mình để ra đời các ca khúc để đời như Dưới bóng cây K’ nia, Thuyền và biển, Ở hai đầu nỗi nhớ, Sợi nhớ sợi thương…
Gã có lần hỏi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, chú nghĩ gì về Bùi Minh Quốc đã ngoặt ngã rẽ khác con đường chú đã chọn? Ông chỉ im lặng. Gã hiểu sự im lặng này. Bùi Minh Quốc cũng nói với gã: tôi cũng hiểu sự im lặng này.
Trớ trêu vậy đó, trong cái sống chết, gian khó Bùi Minh Quốc vẫn “Cuộc đời vẫn đẹp sao” đã thôi thúc chính Phan Huỳnh Điểu vượt qua bi kịch và sự cố của mình, để ca lên “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Vậy mà, Bùi Minh Quốc lại ngoặt rẽ ngã khác làm ông hụt hẫng, giận tức.
Gã nghĩ ở đây không có ai đúng đường, ai lạc bước, bởi bi kịch của Dân tộc đang là vậy. Và lúc này đây, kết thúc lễ kỷ niệm 99 năm sinh nhật Phan Huỳnh Điểu, trước bức chân dung của ông, con cháu ông cùng bè bạn thân thiết của ông vỗ tay hát vang “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của Bùi Minh Quốc và của ông:
“Cuộc đời vẫn đẹp sao
Tình yêu vẫn đẹp sao
Dù đạn bom man rợ thét gào
Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích
Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch
Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần
Một tiếng chim ngân một làn gió biển
Một sớm mai xuân trước cửa hầm dã chiến
Thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu
Ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau
Ơi trái tim Việt Nam như mặt trời trước ngực
Giữa thế kỷ hai mươi sáng rực
Sáng ngàn năm ngàn năm”
Viết thêm:
Lễ kỷ niệm sinh nhật 99 năm Phan Huỳnh Điểu không hiểu vì sao lại tổ chức ở con phố Ung Văn Khiêm, một con người cũng chọn ngã rẽ khác với con đường suốt đời Phan Huỳnh Điểu tiến bước.
LƯU TRỌNG VĂN 13.11.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.