Có một chút bâng khuâng, khi phiên hiệu của hai quân đoàn mà mình đã từng phục vụ không còn nữa.
Binh Đoàn Hương Giang [Quân đoàn II] nhập vào Quân đoàn I thành Quân đoàn 12; Binh Đoàn Cửu Long [Quân đoàn IV] nhập vào Binh Đoàn Tây Nguyên [Quân đoàn III] thành Quân đoàn 34. Nhưng, điều băn khoăn lại là vấn đề khác, Chiến lược quốc phòng.
Chúng ta đang chứng kiến cuộc đụng độ của hai mô hình “chiến tranh nhân dân” ở dải Gaza. Mô hình thứ Nhất, Hamas, các chiến binh lẫn vào trong dân, ăn mặc như dân. Mô hình thứ Hai, Israel, chỉ hai ngày sau khi bị tấn công, Quân đội có thêm 300.000 người từ lực lượng quân dự bị. Đội quân thường trực của Israel chỉ vào khoảng 173.000 người, khi có chiến tranh, chỉ cần 3 ngày quân số này có thể tăng lên gấp Ba.
Cái giá của nhân dân trong mô hình Hamas thì ta đang chứng kiến.
Mô hình của Israel không mới, ông cha ta cũng đã thực hiện chiến tranh nhân dân theo nguyên tắc “động binh, tịnh dân”. Mô hình này cần một lực lượng quân thường trực được tổ chức theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, như yêu cầu đặt ra hiện nay khi sáp nhập 4 quân đoàn.
Tuy nhiên, thay vì sáp nhập 4 quân đoàn, theo tôi, nên giữ nguyên các quân đoàn như hiện nay mà nên giải tán các quân khu, tỉnh đội, huyện đội và xã đội. Việc duy trì mô hình quân sự địa phương như hiện nay không những làm phân tán nguồn lực, hạn chế khả năng hiện đại hóa lực lượng chính quy, mà còn làm suy yếu khả năng chiến tranh nhân dân trong điều kiện xảy ra chiến tranh xâm lược.
Chiến tranh xâm lược (chiếm đóng) hiện chưa phải là một nguy cơ gần. Trong điều kiện đó, một quốc gia khôn ngoan cần chuyên nghiệp hóa lực lượng chính quy đồng thời tổ chức huấn luyện để trai tráng biết cầm súng khi xảy ra chiến tranh thực sự.
Lực lượng chính quy, với một quốc gia như Việt Nam, bên cạnh hải quân, không quân - được tổ chức sao cho đảm bảo giữ gìn toàn vẹn biển đảo - nên tổ chức thành các sư đoàn độc lập và các quân đoàn chủ lực. Nguồn nhân lực cho lực lượng chính quy này được tuyển dụng dựa trên cơ sở tự nguyện. Binh nghiệp trở thành một nghề, một sự nghiệp của công dân.
Tất cả trai tráng còn lại, trong độ tuổi từ 18-25, bị buộc phải thi hành "nghĩa vụ huấn luyện quân sự". Họ được quyền sắp xếp thời gian thích hợp để đăng ký các lớp huấn luyện, sao cho không ảnh hưởng đến việc học hành, làm việc của mình. Hết tuổi 25, ai chưa đăng ký sẽ bị phạt và bị cưỡng bức đưa đi huấn luyện.
Trong điều kiện của Việt Nam chỉ cần huấn luyện trai tráng và cũng chỉ cần huấn luyện 6 tuần hoặc tối đa 6 tháng [Thay vì “tất cả thanh niên từ 18 tuổi đến 40 tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự: 32 tháng đối với nam và 24 tháng đối với nữ, như Israel vì họ dân số chỉ khoảng 10 triệu và luôn có nguy cơ chiến tranh].
Các khung huấn luyện nằm luôn trong các đơn vị chính quy này [một sư đoàn chính quy có một trung đoàn quân thường trực và hai trung đoàn khung vừa huấn luyện vừa chọn nguồn quân chính quy].
Lực lượng quân sự địa phương chủ yếu tổ chức thành các khung huấn luyện. Từ các khóa huấn luyện trở về, thanh niên phải đăng ký vào các sư đoàn quân dự bị được "biên chế" ở các tỉnh, thành. Chuyển sang tỉnh khác thì phải thông báo cho sư đoàn dự bị ở nơi mới biết. Sau khi đăng ký, họ có quyền trở về nhà làm ăn, sinh sống. "Động binh, tịnh dân".
Cách tổ chức bộ máy quốc phòng như vậy vừa giúp quốc gia khai thác nguồn nhân lực khoa học. Những người có khả năng cống hiến tốt hơn trên những lĩnh vực kinh tế, văn hóa... không bị giữ quá lâu trong các doanh trại. Những người yêu đời lính có thể coi đó là sự nghiệp của cuộc đời mình. Những người lính thiện chiến không phải rời cây súng sau khi làm xong nghĩa vụ.
Tất cả các đơn vị quân thường trực đều có khu gia binh gần doanh trại. Vợ của các sĩ quan [ở cấp, có thể từ tiểu đoàn trở lên] hoặc được bố trí công việc tại địa phương nơi đóng quân hoặc có phụ cấp “phu nhân” như đối với các quan chức ngoại giao hiện nay. Không thể để những người lính Biên cương mỗi năm chỉ được gặp vợ con trong vài tuần phép.
Khi áp dụng mô hình này thì nên khôi phục chức “tư lệnh sư đoàn” [có trước Luật Sĩ Quan 1982]. Sư đoàn là cấp chiến dịch, các tư lệnh xứng đang để mang quân hàm tướng. Tư lệnh quân đoàn là trung tướng và có thể tiếp quản ghế của các tư lệnh quân khu hiện nay trong Trung ương.
Cách tổ chức như vậy vừa giúp xây dựng hình ảnh "anh bộ đội" mạnh mẽ, đáng tin cậy, vừa giúp quốc gia có được một khả năng vận hành chiến tranh nhân dân hiệu quả hơn mà, trong thời bình, không phải duy trì một lực lượng dân binh nhếch nhác và tốn kém.
HUY ĐỨC 25.10.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.