mardi 5 septembre 2023

Đỗ Duy Ngọc - 600 hecta rừng ở Bình Thuận sắp bị xóa sổ

 

Tin tỉnh Bình Thuận chuẩn bị khai thác khu rừng tự nhiên hơn 600 hecta ở xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) để làm hồ chứa nước phát triển kinh tế, xã hội khiến dư luận lo lắng. Những người yêu rừng, gắn bó với rừng và có khát khao muốn giữ lại rừng cho quê hương cảm thấy lo âu.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét dung tích hơn 51 triệu m3 đã được Quốc hội thông qua chủ trương năm 2014 với tổng mức đầu tư 874 tỉ đồng. Hồ xây dựng với mục đích cải tạo môi trường và điều tiết nước vùng Hàm Thuận Nam.

Bình Thuận và Ninh Thuận là hai tỉnh luôn bị khô hạn, lượng mưa rất ít và thiếu nước nghiêm trọng. Làm một cái hồ lớn để cải tạo môi trường giúp dân có cuộc sống khá hơn là việc nên làm.

Tuy nhiên, dư luận thắc mắc là tại sao phải xây hồ ở khu vực 600 hecta rừng già với nhiều cổ thụ nằm trong nhóm gỗ quý? Báo đăng vụ việc này có câu có thể như trả lời thắc mắc này:"Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ"!!!

Từ đầu thế kỷ XX, rừng Việt Nam còn xanh um. Đi khỏi thành phố đã thấy cây, đi xa chút nữa là gặp rừng. Có một thời, người Việt tự hào rừng vàng biển bạc. Trải qua chiến tranh, từ chống Pháp đến cuộc chiến tranh Nam Bắc, bom đạn trút xuống biết bao nhiêu, nhưng khi hòa bình, thống nhất, rừng Việt Nam vẫn còn mãi xanh trên đất nước này.

Thế nhưng chỉ vài chục năm, từ khi chủ trương phá rừng làm chất đốt thời bao cấp rồi triệt hạ rừng làm thủy điện, đốt rừng để khai hoang, lấy đất làm nhà, làm trang trại, rừng Việt Nam chỉ còn là những khu đất lở lói, chẳng còn bóng cây, không còn động vật của rừng. Hậu quả là lũ lụt hàng năm tràn về đe dọa cuộc sống người dân. Khi chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng là lúc rừng chẳng còn gì nữa. Đầu thế kỷ XX nước ta có hơn 17 triệu hecta rừng trên 331.698 km2 (tương đương với 33.169.800 hecta) tức chiếm hơn nửa diện tích đất. Giờ chúng ta còn bao nhiêu? Chỉ còn khoảng 10%. Chưa kể những con số nhảy múa trên giấy.

Giờ đây đến lượt 600 hecta rừng ở Bình Thuận sẽ bị xóa sạch. Hàng ngàn cây lâu năm, hàng ngàn sinh vật rừng sẽ bị bức tử. Hàng trăm năm nữa chúng ta cũng không có được khu rừng như thế này. Khu rừng này là khu vực sinh sống của người dân tộc Rai (Raglai) đã biết bao thế hệ. Họ sẽ bị cách ly khỏi cuộc sống lâu đời và chắc khó khăn không thể phù hợp với cuộc sống mới.

Trong khu vực đó còn có hai di tích rất quan trọng của cộng đồng người Chăm phía Nam Bình Thuận; khu lăng mộ của Pô Cei Khar Mâh Bingu và Pô Haniim Per. Đây là vùng đất thiêng đối với cộng đồng này và nhờ tính chất thiêng liêng ấy, khu rừng được gìn giữ và tồn tại cho đến bây giờ. Tất cả sẽ nằm dưới lòng hồ trong tương lai.

Chúng ta kêu gọi bảo tồn và gìn giữ văn hóa của các dân tộc, nhưng chúng ta lại xóa đi những giá trị quý giá và thiêng liêng của họ mà không thông qua ý kiến, không quan tâm đến nguyện vọng của họ. Thế có nên chăng? Việc làm đó sẽ đưa đến những hệ lụy không đáng có.

Rừng Việt Nam chẳng còn lại bao nhiêu. Rừng đang khóc. Rừng là Mẹ, là tâm linh, là cuộc sống của người dân tộc. Hãy dừng lại trước khi quá muộn. Đất Bình Thuận còn bao la, hãy chọn một địa điểm khác, một phương án khác để xây hồ.

Hãy để rừng được tiếp tục sống, cây rừng sẽ mãi xanh tươi, những động vật rừng có chỗ để trú thân, con người được bình yên với cuộc sống đã trôi qua hàng mấy trăm năm nay với thần linh của họ. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, hãy để rừng được ngủ yên như đã từng tồn tại. Đừng vì những cây gỗ quý mà giết chết rừng.

ĐỖ DUY NGỌC 05.09.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.