Một sáng nghỉ lễ, đọc báo, hốt hoảng khi thấy thông tin 600 hecta rừng nguyên sinh ở Bình Thuận (trong đó có 137 ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông) sẽ bị đốn hạ, để làm hồ thủy lợi Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam).
Đây là khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt với nguồn tài nguyên gỗ khủng, rất giàu. Và là một hệ sinh thái thiên nhiên quý báu, với nhiều nguồn gen đang được bảo vệ trong đó.
Lý do vỏn vẹn mà tờ VnExpress đăng, là "để làm hồ chứa nước phát triển kinh tế", có diễn giải một chút là phát triển nông nghiệp và khu công nghiệp. Chưa có bất cứ điều gì cụ thể.
Khi bài báo ra đời thì mọi việc cũng đã đặt vào chuyện đã rồi. Tức là dự án đã được phê duyệt từ trước, Quốc hội cũng đã thông qua, và sẽ hoàn thành trước 2025.
Nghĩa là việc tận diệt một khu rừng nguyên sinh, nhấn mạnh là một khu rừng giàu với nhiều gỗ quý, có nhiều cây hàng ngàn năm tuổi, sắp diễn ra. Việc khai thác tất cả những tài nguyên quý giá của khu rừng sẽ qua đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Tóm lại, vẫn là việc khai thác, mua bán gỗ đi trước.
Nếu VnExpress không đăng tải, chẳng ai biết rằng khu rừng này sắp ngã xuống. Và một dòng suối sẽ bị chặn lại. Thiên nhiên đang có đời sống bình thường, sẽ bị biến dạng và xóa sổ bởi cái hồ thủy lợi này. Và chưa một ai lý giải, tại sao hồ thủy lợi lại xây ở đây mà không xây ở một nơi nào khác ở tỉnh Bình Thuận, nơi không phải khu rừng nguyên sinh này.
Bình Thuận là một tỉnh nắng nóng, việc xóa sổ 600 hecta rừng tự nhiên như vậy, người ta có lường trước được hậu quả không? Bao nhiêu cái giá phải trả khi rừng bị phá vô tội vạ làm thủy điện, bao đớn đau tang thương mà người dân phải gánh, không lẽ không là bài học?
Và để phát triển kinh tế, là phải tận diệt thiên nhiên như vậy? Để có hồ chứa nước, nhất định phải là tàn phá khu rừng này? Bao nhiêu nhà khoa học có tài có tâm ở cái quốc gia này, tại sao chưa có ý kiến gì trên các phương tiện truyền thông, dù là ý kiến đồng ý?
Vậy làm ơn, hãy thông tin đầy đủ lý do tại sao lại phá khu rừng này, một cách cụ thể hơn đi.
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1.844 hecta (gấp 3 lần). Chưa ai nói sẽ trồng ở đâu, trồng như thế nào và có thành rừng không sau mấy trăm năm nữa. Nhưng một điều ai cũng hiểu, là để trồng từng ấy rừng, cũng cần một số tiền không nhỏ.
Sao mà đau lòng thế nhỉ?
HOÀNG NGUYÊN VŨ 04.09.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.