Thật ra, cũng đã đến lúc tổng kết ba tháng cuộc phản công của người Ukraine ở mặt trận phía nam được rồi – vì cũng chỉ tuần sau là chạm mốc đó: ngày 4 tháng Chín.
Và cũng là thật ra, tất cả những gì chúng ta cùng quan tâm là khởi đầu, diễn biến và kết quả tạm thời ra sao, kể cả những nhà phân tích quân sự phương Tây cũng đưa ra nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Đánh giá bi quan về chiến dịch, một quan chức Mỹ nói: “Bạn không hiểu bản chất của cuộc xung đột này. Đây không phải là phản công. Đây là (trận) Kursk”. Người sĩ quan cao cấp này nhân tiện đề cập đến trận chiến lớn trong Thế chiến II giữa Đức và Liên Xô.
Đây là một trong những ý kiến được nêu ra trong một cuộc tranh luận gay gắt ở hậu trường trong nhiều tuần về chiến lược và chiến thuật nhằm phục hồi cuộc phản công đang diễn ra chậm chạp của Kyiv, có sự tham gia của cả các quan chức Mỹ và Ukraine.
Các quan chức quân sự Mỹ đã thúc giục người Ukraine quay trở lại với những gì đã được huấn luyện. Chủ yếu là việc sử dụng vũ khí kết hợp mà họ đã nhận được tại các căn cứ của đồng minh ở châu Âu, tập trung lực lượng để cố gắng vượt qua hệ thống phòng thủ của Nga và tiến tới Biển Azov.
Kyiv đã thực hiện một số điều chỉnh trong những tuần gần đây, nhưng hai bên vẫn còn mâu thuẫn về cách lật ngược tình thế với người Nga trong khoảng thời gian giới hạn mà họ có trước khi mùa đông đến.
Ngược lại, mới đây tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, David Petraeus lại có đánh giá lạc quan về chiến dịch này. Ngoài ra có thể kể những cái tên khác cùng xu hướng với ông: Frederick W. Kagan hay cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.
Còn nếu hỏi một tay xe ôm vỉa hè như tôi thì tôi nói thẳng ra là: Tôi hết sức lạc quan về tình hình, và để tránh cái gọi là “lạc quan tếu”, tôi đã phải giảm những trò đùa vớ vẩn khi viết bài review chiến sự. Lý do cho sự lạc quan đó, là tôi nhìn vào cái khác, một số khía cạnh khác của cuộc chiến, chứ không nhìn vào những đánh giá cơ học, . Cũng như trước đây tôi không nhìn vào số lượng xe tăng ào ào, mà nhìn vào số xe tải chở xăng và đạn cho chúng chạy sau đội hình vậy.
Bây giờ cho phép tôi bắt đầu với một câu hỏi : Tại sao vẫn có những ý kiến bi quan như vậy, ngoài lý do nhìn vào tốc độ tiến quân để đánh giá? Vì tính mù mờ của thông tin. Chẳng hạn, gần đây có thông tin về việc Lữ đoàn 82 nào đó của Ukraine vào trận, thì chỉ một hai hôm sau đã xuất hiện trên báo chí trong nước, dẫn nguồn nước ngoài hẳn hoi là “Lữ đoàn cuối cùng của Ukraine” – nhưng “cuối cùng” là “cuối cùng” như thế nào thì chẳng ai giải thích cả. Nhanh chóng, người ta dẫn dụ độc giả đi đến kết luận là quân đội Ukraine đã cạn kiệt lực lượng.
Tất cả đều logic: Shoigu tuyên bố như vậy ở hội chợ quân sự Mátxcơva. Rất nhiều nguồn tin thật giả đều đưa những câu hú họa “các trận chiến đẫm máu” và từ đó suy luận rằng hai bên thiệt hại rất nặng. Tiếp theo lại đến những con số không ai kiểm chứng được là trong hai tháng rưỡi phản công, quân Ukraine bị mất đến 44.000 tới 45.000 quân.
Về con số này sau đó tôi đã có bài phân tích rằng: 70 % quân Ukraine bị thương vong do pháo binh Nga – và quá trình truy nã pháo Nga của quân Ukraine đã bắt đầu cả tháng trước chiến dịch phản công. Càng về sau, càng gần thời điểm này thì pháo Nga lại càng đuối. Mỗi tháng mấy trăm hệ thống bị diệt như vậy thì lấy đâu ra mà đánh nhau.
Quay lại với Lữ đoàn 82, câu chuyện của nó cũng mù mờ và gây hoang mang như thế. Một thông tin về nó loang trên mạng và nó bị không kích trên đường ra mặt trận đến 5 lần (các đoàn quân đi trên đường 559 vào chiến trường B cũng bị không kích như thế, cũng chết người mất khí tài suốt) thì thành tin tức về nó: bị không kích liên miên hết ngày này đến ngày khác, chết không biết bao nhiêu mà kể. Tiếp theo: Để tấn công Robotyne, Lữ đoàn này đã tập trung hết vào đó và bị thiệt hại nặng, coi như không còn mấy lực lượng để đánh nhau tiếp.
Tôi cũng không biết một cái làng bé tí như thế, khoảng 5 – 6 ki-lô-mét vuông cả hai bên cố nhồi bằng được một huyện người vào đó để làm gì? Ngay cả những thông tin như sư đoàn này, tập đoàn quân kia của Nga đang phòng ngự ở đó… thì cũng cần hiểu là vài đại đội của cái sư đoàn đó đang làm nhiệm vụ trấn giữ làng thôi, chứ ai mà cho rằng quân Nga bị tiêu diệt cả sư đoàn ở đó được.
Thành ra tui mù tịt về quân sự lại có lợi: Chẳng sa đà vào đọc rồi phân tích những chuyện này làm gì, chỉ đánh giá là nếu bên này bị mất chỗ này, thì sẽ rất có lợi cho bên kia… vậy thôi. Do đó tôi thường trả lời các bác nhắn hỏi, là bác không cần quan tâm đến cái đấy đâu, vì nó là những chuyện cục bộ, có tính bộ phận thôi. Một tổ chiến đấu của quân Ukraine tiến được mấy trăm mét, chưa phải thắng lợi. Một tiểu đội của Nga bị đánh bét nhè, chưa phải là thất bại. Trong khi đó những cảnh quay như vậy trên mạng bây giờ thì đầy.
Chúng ta có thể suy đoán rằng, lúc đầu người Ukraine cũng có ý định thử đánh theo như được huấn luyện kiểu Tây đấy. Nhưng như các ông tướng Mỹ cũng nói: họ có nguồn lực dồi dào như Mỹ đâu mà đánh kiểu đó. Muốn chúng tôi đánh kiểu đó, đề nghị các “đồng chí” Mỹ cấp cho 500 xe tăng Abram! Hồi đó tôi đã nghĩ, lạ nhỉ: người Ukraine từ đầu chiến tranh đang là bậc thầy trong thi hành chiến tranh phi đối xứng, tại sao lại bắt người ta thi hành chiến tranh quy ước với quy mô lớn và cường độ cao như vậy? Đúng – quân đội Nga ở thời điểm này đã tỏ ra không thể chống được một cuộc chiến tranh cường độ cao, nhưng quân đội Ukraine cũng làm sao mà thi hành được một cuộc chiến như vậy với nguồn lực hiện có? Phi lý.
Vì vậy, tôi vẫn nghĩ việc Bộ chỉ huy chuyển về thi hành chiến tranh phi đối xứng, với một cách tiếp cận chiến lược, là cực kỳ hợp lý. Bây giờ tôi sẽ xin cùng các bác phân tích xem tình thế chiến trường của hai bên nhé. Mời các bác quá bộ qua bản đồ số 1.
• Có thể nhận ra rằng, mặt trận của quân Nga sẽ bị chia ít nhất làm 3, mà nhiều khả năng là 4 khu vực chủ yếu. Tính từ tây sang đông, đó là các khu vực: Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Luhansk; và mỗi khu vực này được đảm nhiệm bởi một quân khu đến hơn. Điều này tôi đã báo cáo quý vị từ trước, nay chưa có điều kiện tìm lại được quân khu nào cho khu vực này, tư lệnh nó là ai…
Đặc điểm của chiến trường với phía Nga là chiến tuyến bị kéo quá dài, nếu tính cả quanh co khúc khuỷu cũng phải đến cả nghìn ki-lô-mét. Điều đó làm cho vấn đề chuyển quân của chúng sẽ rất khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh, đường sá bị tàn phá, không đủ phương tiện vận tải, bị tập kích liên miên…
Còn có một đặc điểm nữa của khía cạnh này, là ở chỗ địa giới hành chính hai tỉnh Donetsk và Zaporizhia, quân Ukraine làm chủ Vuhledar và bây giờ các vị trí pháo binh – tên lửa chiến thuật của Ukraine chỉ cách bờ biển Azov – tức nhà máy Azovstal 80 ki-lô-mét đường chim bay. Yếu tố này làm cho chiến trường của Nga bị cắt làm đôi, đầu đuôi không cứu được nhau vì bất cứ một cú chuyển quân nào lớn trên trục đường E-58 / M-14 đều có thể bị không kích. Không những thế, việc chia sẻ nguồn lực hậu cần bằng đường sắt cũng không thực hiện được.
Vì vậy, hậu cần của quân Nga ở cụm Luhansk với các trung tâm cung ứng ở Veluyki, là thuận lợi nhất. Thứ nhì là đến cụm ở phía nam nó, tức là nam Luhansk đến bắc thành phố Donetsk. Cụm thứ ba còn có đường bộ từ Rostov trên sông Đông sang, nhưng tôi không cho rằng năng lực vận tải đường bộ của Nga là đủ để phục vụ mặt trận – vì thế cụm thứ ba và thứ tư gộp chung, là khó khăn nhất. Nếu các cây cầu, chủ yếu là Chongar và cầu Kerch bị phá hoại kỳ cùng, thì hậu cần của khu vực mặt trận phía nam này sẽ rất khó khăn. Trên bản đồ quý vị có thể thấy được quân Nga buộc phải tổ chức mạng lưới hậu cần theo các phương án:
- Thứ nhất, kéo hàng hóa bằng đường sắt từ Crimea đến Melitopol rồi từ đó phân chia đi cách hướng.
- Thứ hai, theo trục đường M-14 là “xương sống”, từ đó theo các đường nhánh xương cá ra mặt trận.
Như vậy buộc Bộ chỉ huy Nga phải hình thành các kho hậu cần lớn xung quanh Mariupol và hai bên trục đường M-14, sau đó là quanh các đường nhánh xương cá. Đặc điểm này khiến cho hệ thống vận tải hậu cần quân sự của Nga rất phức tạp, khó tổ chức, đòi hỏi nguồn lực lớn (số lượng xe tải, khả năng tu sửa cầu, đường…) và cực kỳ dễ bị đánh phá.
Để khẳng định một lần nữa điều ta đã nói đi nói lại: đường M-14 dùng để vận tải quân sự là rất hạn chế, thông tin mới nhất của hôm nay: Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin công bố kế hoạch 5 năm phát triển vành đai đường bộ dài 1.400 km quanh Biển Azov. Nó cũng sẽ đi qua các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine. “Đầu tiên, chúng tôi mở rộng những con đường hiện có, sau đó làm những lối đi thẳng ra biển. Tôi nghĩ rằng trong vòng 5 năm nữa đường vành đai này sẽ được hình thành”, Khusnullin nói với TASS.
Ông ta nói rõ rằng vành đai đi qua Rostov trên sông Đông, Taganrog, Mariupol, Melitopol, Genichesk, Skadovsk, Dzhankoy, chạy dọc theo bờ biển Crimea và đóng cửa ở vùng Rostov. “Trong số 1.400 km đường này nay đã có 800 km cho bốn làn xe, nhưng nó đòi hỏi phải được mở rộng, chẳng hạn như con đường dọc Biển Azov, đi qua các vùng lãnh thổ mới. Nó (phần lớn) được thiết kế hai làn và hiện rất căng thẳng do tình hình cầu Crimea – toàn bộ luồng hàng hóa đều xuất phát từ đó. Vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng con đường này.” Khusnullin nói thêm.
• Về phía Ukraine, dễ nhận thấy rằng họ rất thuận lợi để chia chiến trường thành hai cụm chính. Cụm A là vùng tác chiến phía nam, với hai đầu mút là hai thành phố Zaporizhzhia và Kramatorsk, chỉ cách nhau 280 ki-lô-mét theo trục đường N-15 / T-0514. Ngoài ra còn có một trục phía sau nữa qua thành phố Pavlohrad, xa hơn khoảng 50 đến 60 ki-lô-mét. Trên bản đồ chúng ta rất dễ thấy rằng, hoàn toàn có thể hình thành nhiều trung tâm ở phía sau mặt trận và đều có thể sử dụng những trục đường có sẵn ra thẳng tuyến đầu theo dạng những đường bán kính từ tâm ra vòng cung ngoài của tiền tuyến.
Vòng cung của khu vực mặt trận thứ hai, đông bắc tỉnh Kharkiv có thể xây dựng trung tâm ở nam thành phố Kharkiv xuống Izyum. Khó khăn duy nhất của khu vực này là con sông Oskil, nó ngăn cản việc đưa quá nhiều quân sang để quyết giữ từng tấc đất và độ “mỏng” của dải đất do Ukraine đang làm chủ, luôn là mục tiêu ngon ăn và thèm muốn của Bộ chỉ huy Nga.
Tất nhiên, đường vận tải ngắn thì dẫn tới các lực lượng dồn sát vào nhau làm gia tăng mật độ mục tiêu. Nếu quân Nga đủ năng lực về vũ khí tầm xa, chắc chắn đây sẽ là một khó khăn cho quân đội Ukraine. Đương nhiên sẽ đặt ra yêu cầu của bảo mật và có những cách thức tổ chức hậu cần khác đi, không còn theo kiểu Xô-viết cũ trước đây nữa.
Hơn thế nữa, rất nhiều yếu tố đặc thù đã làm cho quân đội Ukraine nhẹ gánh được rất nhiều trong vấn đề này: cách sử dụng pháo binh khác, làm cho số lượng đạn phải chuyển ra các vị trí bắn đã ít đi rất nhiều. Điều này giúp hạn chế việc lập kho mà chỉ cần chở trên xe tải chạy thẳng ra chiến trường. Điều tương tự cũng có với đạn HIMARS: đạn nạp sẵn trong các cassette và ở trên xe tải/xe nạp đạn trú ở đâu đó, đúng giờ chạy ra điểm hẹn nạp cho giàn phóng và chạy mất. Đây cũng là lý do để khẳng định việc Konashenkov cứ tung tin phá bao nhiêu kho đạn của Ukraine là nói láo, hắn lấy thiệt hại của quân Nga và “replace all,” cứ Nga thành Ukraine và ngược lại.
Nhìn trên vòng cung A, quý vị có thể thấy rằng dù là cho mục đích chuyển quân tiếp viện giữa các mũi tấn công với nhau trong cùng khu vực mặt trận, với quân Ukraine dễ dàng hơn nhiều. Điều đó làm tăng tính thuận lợi cho việc duy trì được một lực lượng luôn mới, tức là luôn là quân mới được nghỉ tham chiến. Luân chuyển của quân Ukraine thường xuyên là từ tuyến sau lên tuyến đầu và ngược lại, còn trong trường hợp cần việc chuyển theo chiều ngang cũng rất nhanh. Đồng thời với đường giao thông theo chiều ngang này tương đối ngắn, sẽ làm tăng khả năng hỗ trợ của pháo binh, không cần mật độ quá lớn. Với các loại lựu pháo bánh lốp của Ukraine được trang bị thì dùng trong trường hợp này là rất tuyệt vời.
Ngược lại, phía Nga có khả năng luân chuyển quân hay không và như thế nào? Với đặc thù như trên tôi đã báo cáo, Nga ít có khả năng thành lập được các trung tâm để điều quân ra theo đường bán kính, mà phải chuyển quân theo đường ngang từ khu vực này sang khu vực khác nhiều hơn. Thứ hai, là cách bổ sung quân của họ cũng hết sức kỳ dị. Cứ hễ đơn vị nào chiến đấu có kết quả, là họ chia đôi nó ra, một nửa được bổ sung theo phiên hiệu của đơn vị bổ sung, nửa còn lại giữ nguyên và bổ sung cho đủ, giữ phiên hiệu cũ rồi chuyển nó sang khu vực khác. Với cách làm như thế, quân lính Nga bị giam trên chiến trường không được về cho nghỉ và chỉ bị ném từ chỗ này sang chỗ khác, gây ra sự suy giảm sức chiến đấu.
Như thế, chiến lược của Bộ chỉ huy Ukraine nếu với cách tiếp cận hợp lý, là cần phải phá hoại sức chiến đấu của quân đội Nga, chứ không cần phải chạy theo các tiêu chí về chiếm được bao nhiêu đất với tốc độ bao nhiêu. Vậy, Tây họ nói gì? Đây là báo cáo của ISW cách đây 1 tuần, cuối tuần trước:
- Các lực lượng Nga tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề về khả năng phản công trên tất cả các khu vực của mặt trận, đặc biệt là ở hướng Zaporozhia.
- Các đơn vị Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu sĩ quan do mất nhân sự. Vì vậy, vấn đề chỉ huy một số đại đội của Nga đã phải được chỉ huy bởi một sĩ quan cấp dưới.
“Các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các khu vực hậu phương của Nga rõ ràng đang làm suy giảm tinh thần của quân đội Nga tại Ukraine, điều này có thể đe dọa sự ổn định của lực lượng phòng thủ Nga ở nhiều khu vực quan trọng của mặt trận.”
- Các vấn đề về tinh thần có thể nhanh chóng leo thang và lan rộng trong các đơn vị tiền tuyến của Nga nếu một đơn vị bị phá vỡ trước áp lực, điều này có thể gây ra sự hoảng loạn và làm giảm đáng kể hiệu quả chiến đấu của lực lượng Nga ở các khu vực khác. Sự sụp đổ của một đơn vị tiền tuyến của Nga sẽ gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của các tuyến phòng thủ khác ở tiền tuyến, và khoảng trống như vậy ở tiền tuyến của Nga sẽ tạo ra một điểm yếu có thể bị lực lượng Ukraine khai thác.
- Quân đội Nga cũng có thể không có lực lượng dự bị cần thiết để luân chuyển hoặc nhanh chóng thay thế một đơn vị bị mất như ISW đánh giá trước đây, khiến việc duy trì tinh thần cho các đơn vị tiền tuyến trở thành ưu tiên hàng đầu.
Tôi không hề có ý lạc quan tếu, mà đây là những đánh giá khoa học trên các tin công khai, tin tình báo từ cả hai phía. Các phân tích này thường là chính xác.
Cá nhân tôi xin nhận xét rằng, ngay cả khu vực quân Nga thuận lợi là ở đông bắc tỉnh Kharkiv (hướng Luhansk) đến nay nhịp điệu, cường độ tấn công của quân Nga đã bắt đầu yếu rồi. Vấn đề này liên quan đến sức mạnh quốc gia hay sức mạnh của bộ máy quân sự của cả đất nước.
Về thời gian, như trước đây tôi đã nhận xét và có báo cáo, thì thời điểm vỡ mặt trận dễ nhất của quân Nga là mùa bùn lầy rasputitsa, cuối tháng 10 đầu tháng 11 vì khi đó khả năng cơ động của họ rất khó khăn. Trước đó, trong tháng Chín và tuần đầu tháng 10 nếu có các cú đánh quyết định vào hệ thống hậu cần của Nga từ phía Ukraine, sẽ là tiền đề cho sụp đổ.
Các sự kiện Nga để mất hai làng là Staromaiorske và sau đó là Robotyne, là chỉ dấu cho thấy sự sụp đổ của một bộ phận cục bộ quân Nga. Và người Ukraine cứ kiên trì với chiến lược này thì sụp đổ lớn chắc chắn sẽ đến – có ATACMS và F-16 thì nhanh mà không có thì cũng sẽ xong. Theo phát biểu của tổng thống Zelenskyy mới đây nhất thì thời điểm có mặt của F-16 trên chiến trường có vẻ không còn xa nữa.
Tuần này, cú đổ bộ của quân Ukraine lên bán đảo Crimea ở mũi đất cực tây, ngoài việc phá hủy hệ thống phòng không của Nga ở đây, còn có hai yếu tố nữa: tiến vào đủ sâu và ở lại đủ lâu, ĐỦ để thăm dò cho khả năng đổ bộ những lực lượng lớn hơn. Có những đánh giá ngoài lề cho rằng người Ukraine đã định vị được: khả năng chống cự của quân đồn trú Nga ở bán đảo, tính chất của dân cư còn lại của bán đảo. Có vẻ như những người ủng hộ Nga đã chạy về đại lục tương đối nhiều sau các cuộc tấn công vào cầu Kerch và Chongar… Có thể với chúng ta cái sự THUẬN hay không của cư dân còn lại trên bán đảo với lực lượng Ukraine, còn là ẩn số nhưng với Bộ chỉ huy Ukraine thì chắc là đã hình dung được rồi.
Nói thuận lợi mãi rồi – thế có khó khăn hay thất bại nào không?
Có, như trong bài hôm qua hoặc kia gì đó, tôi đã nhận xét là có một điểm lạ: hướng Luhansk – Kuyansk thế nào mà các nguồn Nga thì bảo quân Ukraine tấn công bị chặn đứng, còn quân Nga cũng tấn công và không có mấy kết quả… từ nguồn Ukraine. Đến đây tôi đau đầu quá, không đánh giá được. Nhưng có một điều khá chắc chắn, là khu vực Klishchiivka quân Nga vẫn bơm nhân lực vào khá liên tục do đó nó vẫn chưa bị chiếm.
Tuy nhiên những động thái của quân Ukraine thì cho thấy họ đã giảm mức độ hoạt động ở khu vực Bakhmut này mà chuyển sang hoạt động mạnh hơn ở hướng Kreminna – Lysychansk (trong các báo cáo chiến sự là “Các miblogger Nga tuyên bố rằng lực lượng Nga đã đẩy lùi hai cuộc tấn công bằng thiết giáp của Ukraine gần Torske (cách Kreminna 15 km về phía tây) và một cuộc tấn công gần khu vực rừng Serebryanske (cách Kreminna 11 km về phía nam).”)
Vừa qua, xuất hiện trên mạng đoạn video cho thấy Nga đang lôi xe tăng T-10 (Joseph Stalin ra để dùng. Loại này trước đây vốn được sử dụng như những lô cốt cố định trên biên giới Xô – Trung, với pháo chính là lựu pháo 122 mm, mạnh nhất cuối thập niên 1940. Phiên bản được đem ra chiến trường Ukraine là T-10M, với pháo chính M-62-T2 (ảnh) về cơ bản tương tự pháo cũ, dùng chung đạn nhưng cải tiến hệ cân bằng hai trục, có rọ trích khí đầu nòng để tổ lái không sặc khói và thêm cục giảm giật. Xe tăng T-10 nặng 50 tấn có động cơ 700 mã lực, không đủ để cơ động với vai trò của xe tăng chiến đấu chủ lực trên chiến trường hiện đại, vì vậy nếu nó có được đem ra dùng thì chỉ để thay cho pháo tự hành.
Như vậy là, bọn Nga này bị thiếu pháo binh đúng là rõ rệt lắm rồi.
Ảnh cuối: Lô đạn pháo 122 mm mới cứng được sản xuất đâu đó bên Đông Âu, vừa được chuyển cho Ukraine.
PHÚC LAI 26.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.