Tháng 11/2021, sau hơn một năm về Việt Nam tránh dịch Covid-19, tôi bay sang Ba Lan. Hai hôm sau, vợ tôi đi chợ về kể cho tôi câu chuyện thương tâm vừa xảy ra ở ngay cổng "Chợ Hoa", chợ của người Việt Nam tại Warszawa thủ đô Ba Lan.
Anh biết không? Lúc nãy, trước khi bước qua cổng "Chợ Hoa" em thấy một cậu thanh niên chừng 20 tuổi mặt buồn rười rượi, pha chút ngượng nghịu, ngửa mũ xin tiền những người Việt Nam đi qua đi lại. Em thấy lạ, vì trước nay trên toàn lãnh thổ Ba Lan chưa từng có người Việt Nam ăn xin, đằng này lại là một cậu thanh niên sức dài vai rộng, khá là khôi ngô. Em bèn đứng lại hỏi chuyện cậu ta.
- Sao cháu lại làm việc này trên đất khách quê người? Ở đây có rất nhiều việc kiếm tiền thích hợp hơn với cháu. Đừng làm thế, cháu ạ! Đừng đánh mất hình ảnh người Việt Nam trong lòng dân Ba Lan!
- Cô ơi! Cháu có muốn thế đâu. Nhưng cháu đói quá rồi, cô ạ. Dù Ba Lan đã kiểm soát được đại dịch, cháu vẫn chưa xin được việc gì làm nên đành phải vậy thôi.
- Trước dịch, cháu làm gì ở đây?
- Cháu du học tự túc, cô ạ. Trước dịch, ngoài giờ lên lớp, cháu làm thêm tại một nhà hàng của người Việt Nam ở ngoại ô Warszawa. Hơn một năm nay nhà hàng đóng cửa vì dịch, chủ đã phá sản không giúp gì được cháu. Trước dịch, 4 sinh viên Việt Nam du học tự túc ở chung một căn hộ 48 m2, giờ cũng căn hộ đấy 12 sinh viên du học tự túc chui rúc. Trong số đó, ai có việc làm, ai có tiền thì nuôi ăn, nuôi ở những đứa còn lại. Nhưng mấy ngày nay cả bọn chúng cháu kẹt tiền thuê nhà, đói ăn, thảm lắm, cô ạ.
- Thế sao các cháu không về Việt Nam học online? Nhiều trường đại học Ba Lan cho phép sinh viên học trực tuyến trong thời gian cách ly vì dịch mà.
- Cô ơi! Chúng cháu cũng muốn về Việt Nam lắm, thậm chí bỏ học cũng được. Chứ phải sống cùng cực thế này, chúng cháu chịu sao nổi. Nhưng chúng cháu không thể về được.
- Sao lại thế? Chính phủ Việt Nam vẫn tổ chức các "chuyến bay giải cứu" công dân về nước tránh dịch cơ mà.
- Vâng! Cháu có biết những chuyến bay đó. Nhưng gần một năm nay cháu gửi email lên phòng Lãnh sự Đại sứ quán tuyệt nhiên không thấy trả lời. Cháu hỏi mấy người làm dịch vụ môi giới, họ nói phải chi một khoản tiền mà sinh viên du học tự túc như cháu nằm mơ cũng không thể có. Đành chịu lay lắt sống qua ngày vậy.
Nghe cháu trải lòng, vợ tôi cay mắt suýt khóc, liền móc ví bỏ 100 zl vào cái mũ cháu cầm trên tay.
Nghe vợ về kể lại, tôi gắt: Sao không bỏ vào mũ cho cháu 500, 1.000 zl mà chỉ cho có nhõn 100 zl? Vợ tôi bị mắng, lại cay mắt chực khóc, lẩm bẩm: Ừ nhỉ! Tại sao em lại keo thế chứ? Thôi, hai hôm nữa phải đi chợ mua thực phẩm, em sẽ cho cháu nhiều hơn.
Thế mà hai hôm sau, vợ tôi ra chợ tìm cháu khắp nơi không thấy. Hỏi mấy chị bán rau hoa quả ở cổng chợ, các chị bảo: Cháu nói, xin đủ sống rồi, khi nào cùng quẫn lại ra xin tiếp. Mà bác biết không? Em biết, có mấy cháu sinh viên nữ du học tự túc còn phải đi làm gái bao cho các đại gia trong mùa dịch cơ. Tội lắm!
Câu chuyện rất thật này tôi viết theo lời kể của vợ. Nếu ai không tin, hỏi mấy chị bán rau hoa quả tại cổng "Chợ Hoa" Warszawa, thủ độ Ba Lan sẽ rõ.
Tôi còn được nghe bạn bè kể nhiều câu chuyện hết sức đau lòng về những mảnh đời vật vã, khốn khổ của đồng bào Việt Nam trong đại dịch Covid-19 ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia...
Tột cùng tội ác do các quan tham cấu kết cùng các doanh nhân bẩn tổ chức các chuyến máy bay "Ngạo nghễ bay vào vùng dịch giải cứu công dân". Bọn chúng không phải là người! Bọn chúng ác hơn cầm thú!
TRẦN QUỐC QUÂN, Warszawa ngày 13.07.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.