Có thể bạn chưa biết ngày 12 tháng Bảy là ngày gì ? Xin trả lời là ngày cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang gọi là ngày GIỖ TRẬN.
Tháng 2/1979 Trung Quốc đưa quân xâm lược trên 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam, bị quân và dân ta đánh thiệt hại buộc Trung Quốc phải rút quân vào ngày 18/03/1979. Tuy vậy Trung Quốc vẫn duy trì một lực lượng bám sát biên giới và chiếm giữ một số điểm cao trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ ngày 28/04/1984 đến ngày 16/05/1984 quân Trung Quốc đã lần lượt đánh chiếm và chốt giữ khu vực điểm cao 1509 - 772 - 685 - 233 - 226 - 1030 thuộc Huyện Vị Xuyên, và điểm cao 1250 thuộc Huyện Yên Minh, Tỉnh Hà Giang.
Trên hướng Vị Xuyên, Trung Quốc sử dụng 4 Sư đoàn bộ binh, 1 Sư đoàn pháo binh và các đơn vị trực thuộc. Tháng 6/1984 Quân khu 2 được giao nhiệm vụ tổ chức tiêu diệt, giành lại một số cao điểm bị quân Trung Quốc chiếm giữ.
Bộ tư lệnh Quân khu quyết định sử dụng 3 Trung đoàn được tăng cường lực lượng đặc công và pháo binh tham gia chiến đấu. Chiến dịch mang mật danh MB84 bao gồm : Trung đoàn 876/F356 đánh chiếm cao điểm 772, Trung Đoàn 174/F316 đánh chiếm bình độ 300 - 400, Trung đoàn 141/F312 đánh chiếm cao điểm 1030.
Rạng sáng ngày 12/07/1984 trên cả ba hướng, các đơn vị đồng loạt nổ súng. Do công tác chuẩn bị chưa chu đáo, nóng vội, đánh giá đối phương chưa đúng, cách đánh chưa phù hợp; cuộc tấn công của ta bị thất bại. Cả 3 Trung đoàn bị tổn thất lớn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Riêng sư đoàn 356 hy sinh 593 chiến sĩ và bị thương trên 800 chiến sĩ. Chiều ngày 12/07 chỉ huy chiến dịch phải chuyển các đơn vị sang chốt giữ phòng ngự.
Ngày 18/11/1984 pháo binh ta bắn phá suốt 5 ngày đêm các cao điểm bị quân Trung Quốc chiếm giữ, gồm cao điểm 685 và bình độ 300 - 400. Ta sử dụng Trung đoàn 14/F313 tổ chức đánh lấn bình độ 300 - 400, Trung đoàn 153/F356 được tăng cường tiểu đoàn đặc công tiến hành vây lấn điểm cao 685.
Sau hai tháng liên tục chiến đấu (từ 11/1984 đến 1/1985) ta đã chiếm lại một số điểm cao thế trận hình thành thế xen kẽ, có nơi ta cách địch 15-20 m, cá biệt có nơi 6-8 m. Ta địch giành nhau từng thước đất, từng mỏm đá, cuộc chiến vô cùng quyết liệt, giành đi giật lại có nơi tới 30-40 lần. Tháng 12/1989 quân Trung Quốc ngừng bắn phá và lần lượt rút quân.
Giai đoạn 1984-1989 quân Trung Quốc bắn hơn 2 triệu quả đạn pháo các loại, tập trung vào các Xã Thanh Thủy, Thanh Đức và Xã Lao Chải. Đỉnh điểm có ngày quân Trung Quốc bắn hơn 30.000 quả pháo vào cao điểm 685. Những địa danh "đồi băm thịt", ''lò vôi thế kỷ'', ''thung lũng gọi hồn''. Những lời thề ''sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử''. Thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh, ý chí quyết tâm của Quân và dân Vị Xuyên vững vàng bảo vệ mảnh đất biên cương của Tổ Quốc.
Đài hương trên điểm cao 468 đã thể hiện sự mất mát đau thương và tri ân năm ngàn anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì mảnh đất ông cha đã để lại . Nơi đây là ĐIỂM HẸN hàng năm của những người còn sống và những người đã mất trên mặt trận Vị Xuyên! Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã quên thân, bảo vệ và giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
PHẠM NƯỚC 12.07.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.