Vụ chuyến bay giải cứu với hối lộ các kiểu, mình cũng không định theo dõi vì thấy nó là chủ đề vừa xưa cũ vừa thường xuyên ở nước ta rồi. Nhưng cứ mỗi khi vào Facebook là lại thấy có tin, có video các buổi xử án ở tòa ... Thế là cũng xem, cũng nghe, cũng vẫn choáng váng, vẫn xót xa, bức xúc và ê chề đủ thứ.
Nghe những con số tham ô, hối lộ của vụ này thì quả là cũng ấn tượng. Kiếm tiền nhiều và dễ dàng như thế bảo sao người ta không u mê mụ mẫm và tha hóa. Như anh Lưu chị Luyến khỏe mạnh, tử tế, làm lụng quần quật được dăm ba triệu một tháng. Đàng này chỉ cần thực hành quyền lực nhẹ nhàng thôi, trong 270 ngày nhận tiền 253 lần với tổng giá trị hơn 42 tỉ thì lại chả "hết nước chấm", không lú mới là lạ.
Con số ấn tượng, bối cảnh đặc thù, nhưng cách thức tham ô tham nhũng thì không hề lạ. Nó vẫn thế xảy ra hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc trên đất nước hình chữ S. Chắc chắn tất cả người dân Việt Nam sống tại Việt Nam đều không xa lạ. Chúng ta đã chấp nhận và dung dưỡng nó. Bức xúc đấy rồi quên đấy. Bức xúc khi mình là nạn nhân nhưng lại vô cùng hoan hỉ khi mình được trục lợi.
Năm 2004 khi mình cầm bằng TS từ Nhật về nước và làm thủ tục quay lại trường Đại học Xây dựng công tác (nơi mình làm việc trước khi đi du học), có một thủ tục trên Bộ Giáo dục-Đào tạo rất đơn giản (nộp một bộ hồ sơ và bằng cấp để cập nhật gì đó rồi, cầm một giấy xác nhận đã nộp về cho trường). Nhưng hồ sơ nộp lên mà cả tháng không có động tĩnh gì.
Mình nộp hồ sơ cho một người phụ nữ tên Bảo, lúc đó là phó trưởng một phòng gì đó thụ lý việc này, mình không nhớ rõ). Có để vào đó một phong bì khoảng 500 ngàn (năm 2005, chắc cũng chừng 5 triệu bây giờ), theo dặn dò của những người đi trước như kiểu phí “xã hội”. Trong một tháng sau đó mình có lên hỏi ba lần, nhưng người này đều trả một cách gắt gỏng là “Hồ sơ của cô tôi đã trình vụ trưởng, còn ông ấy ký hay chưa thì tôi không biết”.
Đến lần thứ ba thì mình đến phòng ông vụ trưởng, gõ cửa thử thì thấy ông ấy có trong đó. Ông này ngước mắt lạnh lùng hỏi : ”Cô có việc gì?”. Sau khi nghe mình trình bày ông nói là “Chưa hề nhìn thấy hồ sơ của mình”, rồi bốc máy gọi cho bà kia. Bà ta lúc đó mới cầm sang, nhìn mình bằng cặp mắt mang hình viên đạn. Sau này nghe chị mình kể thì mụ Bảo này đã từng làm việc ở đại sứ quán Việt Nam tại Nga trước khi về Bộ Giáo dục-Đào tạo. Và đã “vang danh” là mụ đàn bà “chặt chém”, với đối tượng trên thớt của bà là lưu học sinh và kiều bào ở Nga, càng là đồng bào càng bị “ăn tươi nuốt sống”.
Với một đứa lơ ngơ trong sáng từ một nơi chuẩn chỉ và văn minh như Nhật hăm hở về nước, bị quả va đầu tiên, cứ gọi là vừa sốc vừa ức vừa hoang mang. Nghe người ta tám về tiêu cực, tệ nạn thì nhiều, nhưng lúc đó mình vẫn có một niềm tin khá mơ hồ về hệ thống nhà nước là đại diện cho những gì chính thống nên cơ bản sẽ nghiêm chỉnh. Va trực tiếp vẫn choáng.
Hai mươi năm sau, những ngày cuối cùng khi mình làm việc tại Việt Nam, mình cũng vẫn bức xúc như ngày đầu. Một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, sau khi qua nhiều khó khăn vất và cả chuyên môn lẫn thủ tục, đã được nghiệm thu, cần hoàn tất một số thủ tục cuối cùng để thanh lý (thanh lý thôi, chứ ko phải thanh toán nhé). Anh em cấp dưới họ lo công văn giấy tờ đã có chữ ký lãnh đạo rồi, nhưng muốn được văn thư đóng dấu của Bộ, vẫn gọi cho mình báo cáo “Chị ơi, cần có phong bì 500 ngàn, văn thư Bộ mới đóng dấu cho”. Mình bực quá, bảo, “Em gọi lại cho bên Vụ nhờ họ nhắc hộ đi sao lại để tình trạng nhũng nhiễu thế”. Thì được trả lời “dạ, cái này là bên Vụ cũng biết nhưng họ không can thiệp ạ".
Tiền cho một đứa văn thư để có một cái dấu nghiễm nhiên phải được đóng là 500 ngàn. Thì tiền của các quan cho hàng ngàn chuyến bay giải cứu là hàng trăm tỉ, nghe có sốc đấy, nhưng cũng lại hợp logic!
Và đương nhiên là sẽ có vô vàn tình huống khác, tương tự, quy mô giá trị to nhỏ khác nhau thôi, diễn ra trong xã hội ta. Ở cấp độ quyền lực thấp và cực thấp thì sự đòi hỏi khá thô thiển. Ở những cấp độ cao hơn, sự đòi hỏi vi tế hơn, nhưng bản chất là y hệt. Bạn sẽ được kỳ vọng tự chủ động đưa tiền hoặc đưa quà giá trị. Biết chủ động và đưa đậm mới là “hiểu biết”, mới là “hiểu chuyện”, mới là “chu đáo”, mới là “biết chơi” ... Một phẩm chất không được gọi tên rõ nét nhưng được kỳ vọng nhất, và đảm bảo cho khả năng thăng tiến nhất (đương nhiên không phải là trình độ hay năng lực).
Ở Việt Nam nhìn chung người ta không thích những người liêm khiết, người ta thấy ngại. Vì họ là các đối tượng "không sẵn sàng liên minh vì lợi ích", và vì vậy "khó chơi"; nên chả ông nào liêm khiết mà làm được to: trên không ưa, dưới không thích. Thế nên việc mấy ông to to ra tòa nói “Không ý thức được vấn đề nhận tiền là vi phạm pháp luật” hay “Đen thôi chứ đỏ thì quên đi” nghe rất trơ tráo và lố bịch, nhưng nó cũng lại có cái lý của nó.
Rồi khi những kẻ tham ô tham nhũng bị hầu tòa, xã hội đều hả hê, phấn chấn, thật đáng đời lũ khốn đó. Người ta auto thấy mình là nạn nhân của bọn vô lương tâm tha hóa. Nhưng không biết, trong xã hội của các “nạn nhân” chúng ta, có bao nhiêu người
- Từ chối không nhận tiền được ai đó đưa cho (không do mình làm ra một cách chính đáng) và ý thức được rằng tiền đó là Ma Quỷ.
- Không kỳ vọng người khác “cảm ơn” bằng vật chất khi mình thực hiện một việc gì đó cho họ thuộc đúng với trách nhiệm của mình.
- Không vòi vĩnh, hay cố tình gây khó khăn cho người khác để kiếm chác khi có thể làm điều đó.
- Bao nhiều người khi ngồi vào vị trí 54 tên tội đồ trên, khi nắm trong tay quyền chi phối vận mệnh số đông có thể tự miễn nhiễm với cơ chế “xin-cho” và làm khác đi.
- Khi có điều kiện, liệu các “nạn nhân” có hăm hở làm “tội đồ” và sẵn lòng để ma lực đồng tiền chỉ đạo và dẫn dắt... ?
Tôi nghi lắm.
Tôi đã quan sát những người lao động, những “nạn nhân” rất bức xúc với thằng lãnh đạo tham ô tham nhũng, nói xấu và chửi rủa lãnh đạo mọi lúc mọi nơi có thể (trừ các cuộc họp chính thức). Nhưng khi được “tội đồ” vứt cho một “mẩu xương” thì mọi bức xúc lại tan biến và say sưa gặm. Hay khi được là một mắt xích trong bộ máy “trấn tiền” của người khác, tức là được vào “nhóm lợi ích” thì lại vô cùng hồ hởi và bọc lót nhiệt thành.
Vấn đề nó nằm ở chỗ, hành vi của người Việt không dựa trên ý thức mạnh mẽ về SỰ THẬT, ĐÚNG-SAI, CHÍNH NGHĨA mà dựa trên ý thức mạnh mẽ về LỢI ÍCH. Năm mươi bốn tên tội đồ kia không là cá biệt, mà chúng là ĐẠI DIỆN cho xã hội Việt Nam. Điều này nó mới thực sự đáng sợ.
Nó như bệnh ung thư đã di căn toàn thân rồi ấy. Xử này xử kia chỉ là là giải pháp tự trấn an, bề nổi. Bệnh trầm kha hơn thế nhiều nhiều cơ, di căn tới hầu hết các tế bào cơ thể í. Zombie chúa xử zombie nhỡ, zombie con, hỏi bao giờ hết zombie.
Haiza.... Mà bao giờ chết thì cũng không biết nhỉ.
PHẠM LOAN 20.07.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.