Vụ Đắk Lắk có lẽ rút kinh nghiệm vụ Đồng Tâm nên phía Bộ Công an đưa tin rất hạn chế, ở mức tối thiểu. Báo chí cũng được cảnh báo là đưa tin có kiểm chứng, đồng nghĩa với việc chỉ dẫn từ một nguồn Bộ Công an. Vì thế, dường như tin từ Facebook đang chiếm sóng và tất nhiên là loạn xạ.
Tin trong ảnh mình lấy từ một nguồn thứ cấp, đăng lại tin từ báo Công an, nhưng nguồn gốc đã xóa, không tìm thấy được nữa. Cũng không thấy có báo nào to to đăng tin này.
Theo nguồn này thì có khoảng hơn 50 người tụ tập từ một chòi rẫy để ăn uống, sau đó mới đi đến hai trụ sở UBND xã để đột kích. Thông tin này có vẻ khớp với đoạn video cho thấy số người tương tự, mặc đồ rằn ri, ở trong một căn nhà như cái kho (có thể là chòi rẫy?). Một người, trông như chỉ huy có khuôn mặt trùng khớp với một đối tượng bị bắt mặc áo đỏ. Trong đoạn video này, họ nói tiếng dân tộc, mình nghe được mỗi một từ Campuchia, nên ban đầu tưởng cái kho đó ở Cam. Nhưng có lẽ không phải.
Mấy hôm trước, thông tin ban đầu là ông chủ tịch và ông bí thư xã bị giết tại UBND, nên anh em thắc mắc sao hai ông này lại ở đó vào 1 giờ sáng, hay là tụ tập xem bóng đá? Nhưng theo tin cập nhật thì hai ông chạy tới sau khi có tin báo vụ việc, thì mới bị giết ngoài đường. Tin này không logic lắm. Bởi nếu dân hay công an ở tại UBND báo có biến thì logic là họ báo công an, có thể là công an huyện, chứ ai đi báo bí thư và chủ tịch. Mà lẽ thường, khi được tin dạng khủng bố thì hai ông này dại gì đến, vì đâu làm gì được?
Theo một nguồn khác về chiến sĩ công an thoát chết, thì anh này kể là có cú điện thoại lạ gọi đến trụ sở công an xã có người dân trình báo vụ việc (tức là anh này bị dụ đến). Khi đến thì mới biết bị lừa, bị đập kính ô tô rồi đốt xe, đâm bị thương, may mà trốn thoát. Chính là cái xe cháy mà các báo đăng. Nên khả năng bí thư chủ tịch cũng bị dụ đến thì hợp lý hơn.
Trang Facebook của tổ chức Dega hôm trước có đăng một video khác, cũng về một nhóm người mặc đồ rằn ri, cũng trong một cái nhà giống hệt cái nhà trong đoạn video nói trên. Tức là bối cảnh giống hệt, nhưng mình không nhận ra nhân vật nào trùng khớp với các đối tượng bị bắt. Video này có phụ đề tiếng Việt, nói đại khái về mâu thuẫn giữa người đồng bào và cộng sản Việt Nam...và quan trọng nhất là có lá cờ Dega. Hiện video này đã bị xóa/ẩn khỏi trang Facebook trên.
Trong một video khác có quay cận cảnh việc bắt một nghi can, thấy khẩu súng CKC có lẽ đời Tống, nhưng có khắc chữ Dega. Khẩu CKC này có xuất hiện trong ảnh chụp tang vật, nhưng không cận cảnh chữ Dega.
Tuy nhiên, Bộ Công an mới chỉ công bố nhóm đối tượng này có tổ chức, bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo nhưng lý do gì để bọn xấu dụ dỗ thì không rõ.
Khả năng họ bị dụ dỗ chắc không sai. Nhưng để dụ dỗ được cũng phải thế nào trước. Ví dụ như người ta đang bất mãn thì mới dễ dụ. Ít hiểu biết cũng dễ dụ. Rồi động cơ nào để thằng kia dụ nữa. Nó đâu rảnh dụ chơi chơi để đi tù? Những câu hỏi đó công an còn phải trả lời.
Bộ Công an cũng chưa đả động gì tới tổ chức Dega. Nhưng một số thông tin rò rỉ như đoạn video kể trên, ngay sau lúc vụ việc xảy ra, có thể phải lấy từ điện thoại của một trong các đối tượng tham gia mà công an bắt được? Các thông tin rò rỉ như danh sách nạn nhân…chắc cũng từ công an?
Thông tin mới là hơn 50 người tụ tập ở chòi rẫy, trước công bố hơn 30 người, hiện tại đã bắt giữ 46 người, tức là chưa vượt "chỉ tiêu". Vẫn còn một số đối tượng đang lẩn trốn.
Đến giờ này có thể khẳng định nguyên nhân vụ việc không phải là đất đai, ít ra thì nguyên nhân chính là không phải và nhóm này có tổ chức. Tổ chức đó có phải Dega không thì chưa được công bố chính thức, mình thì dự là có liên quan.
P/S : Trong hầu hết các vụ án có màu sắc chính trị kiểu gì cũng có ông vào nói là đừng có tin công an, công an nói gì cũng tin ngược lại…Xong rồi chế diễu những người tin. Làm thế là rất cực đoan. Tin hay không tin điều gì phải dựa vào lý lẽ và bằng chứng, nguồn tin từ đâu cũng chỉ là một yếu tố thôi. Công an không phải lúc nào cũng bịa tin, mà không ai ngu bịa 100% hết, mà phản động không phải luôn đúng. Muốn chứng minh người ta bịa chuyện gì cũng phải phân tích động cơ vì sao bịa? Được gì và mất gì khi làm vậy? Với kiểu truyền thông như Việt Nam thì càng phải tỉnh táo mà đánh giá. Ngay cả mình cũng có thể sai, đừng vội tin.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 15.06.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.