48 năm !
Gần một nửa thế kỷ trôi qua, vết thương vẫn chưa lành. Và chắc sẽ không bao giờ lành đối với hàng triệu gia đình, trong khi có những người khác, đứng đầu là nhà nước, có cơ hội ‘’hát trên những xác người’’ để ăn mừng chiến thắng. Có cơ hội để khoe khoang, đánh bóng quá khứ, để dân quên thực tại đất nước không có gì đáng kiêu hãnh.
Vài câu hỏi nhức nhối nhiều người đặt ra, hay tự hỏi.
Thứ nhất, có nên tổ chức tưởng niệm ngày 30/4, nửa thế kỷ sau ?
Thứ hai, có nên tiếp tục hoạt động chống Cộng, trong khi ‘’càng chống, Cộng sản càng mạnh ?’’
Thứ ba, mỗi người, dù chân yếu tay mềm, dù không phải là anh hùng, nhân sĩ, có thể làm gì, đóng góp gì cho công cuộc chung ?
1.CÓ NÊN TƯỞNG NIỆM MỖI NĂM ?
Có người nghĩ nửa thế kỷ sau, có lẽ nên quên chuyện cũ, để hướng về tương lai.
Trái lại, muốn chuẩn bị tương lai, phải ôn lại quá khứ.
Một cộng đồng, một dân tộc không có quá khứ, sẽ không biết mình là ai, không biết phải đi ngả nào. Không có quá khứ, sẽ không có hiện tại, không có tương lại. Ôn lại quá khứ, rút tỉa những kinh nghiệm xương máu, để tìm đường đi cho mình và cho thế hệ sau.
Tưởng niệm ngày 30 tháng Tư, để không quên hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên rừng, trên đường mòn biên giới, trên biển cả với hy vọng được sống tự do.
Quốc gia văn minh nào cũng tưởng niệm những người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế chiến, hay xa hơn nữa, bởi vì người chết bị quên lãng sẽ chết lần thứ hai.
Forgive, but not forget. Có thể tha thứ, không có thể quên.
Một chữ đọc thấy trên báo Pháp rất thường: le devoir de mémoire, bổn phận phải ôn lại quá khứ.
Người Việt có phong tục rất hay, là cúng giỗ.
Đặt bàn thờ, hương hoa, hay cả thức ăn, không phải là dấu hiệu của mê tín dị đoan, trái lại, là một cách rất văn minh, để chứng tỏ người chết vẫn ở đâu đó, bên cạnh. Người chết không bao giờ thực sự chết.
Ngày 30/4 là ngày giỗ của hàng triệu gia đình.
Người ta hy vọng, nhưng chắc khó toại nguyện, trong khi hàng triệu đồng bào của mình đang khóc những người chết oan, tức tưởi, những người khác, nhất là những người cầm quyền, không nên nhẫn tâm reo hò, nhẩy múa. Đó là một thái độ man rợ nhất.
Dù hăng say chiến thắng tới đâu, cũng nên tạm quên một ngày, đau thương với rất nhiều người, vẫn còn 364 ngày mỗi năm, để tha hồ reo hò, mạ lỵ, chửi rủa, đấu tố, oán thù.
Tưởng niệm ngày 30/4: nhắc lại cho thế hệ sau những gì đã xẩy ra nửa thế kỷ trước, cho gia đình, cho cha mẹ của họ.
Hàng triệu người đã liều mạng vượt biển, với cái hy vọng mơ hồ là trôi dạt đến một nơi nào đó có tự do.
Bỏ nước ra đi là một chuyện kinh thiên, động địa với một dân tộc gắn liền với đất nước-đất và nước-đa số chưa hề rời làng mạc, khu phố mình đã sinh ra, lớn lên.
Hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả.
Một lý do khác để tưởng niệm, đó là chống lại việc viết lại lịch sử của người Cộng sản.
Người Cộng Sản, đã bôi nhọ những người ra đi là chạy theo Mỹ, và sau đó, khi cần tiền họ gởi về, thân ái phong cho họ là những ‘’khúc ruột ngàn dậm’’.
Samuel Butler nói ‘’Thượng đế không thể thay đổi lịch sử, nhưng sử gia có thể làm được’’. Nhất là những ‘’sử gia’’ coi đó là nghĩa vụ, là cái cần câu kiếm ăn. Howard Zinn nói ‘’khi những con thỏ chưa có sử gia, lịch sử sẽ được viết bởi những người đi săn’’.
Tưởng niệm ngày 30/4 là nhắc lại sự thực lịch sử. Sự thực về cuộc nội chiến đẫm máu, sự thực về một trong những cuộc di cư lánh nạn khủng khiếp, kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại
2. CÓ NÊN TIẾP TỤC TRANH ĐẤU CHO TỰ DO ?
Nhiều người tự hỏi: có nên tiếp tục tranh đấu chống Cộng hay không, bởi vì nửa thế kỷ sau, Cộng sản vẫn còn đó, hung hăng, tàn bạo ? Chưa thấy một hy vọng tự do nào le lói cuối đường hầm
Điều đó khó chối cãi.
48 năm sau, xã hội Việt Nam băng hoại hơn bao giờ hết.
Biển đảo bị chiếm đóng, môi trường bị hủy hoại, bất công tràn lan, tham nhũng khủng khiếp, khiến người Việt, sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, ‘’tự do, dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc’’, chỉ hy vọng được trốn ra nước ngoài, để lấy chồng, để trồng cần sa, bán dâm, để làm nô lệ.
Trong bối cảnh đó, người Việt hoàn toàn thụ động
Sau nửa thế kỷ cai trị miền Nam, 3 phần tư thế kỷ miền Bắc, Cộng Sản đã thành công trong công cuộc ‘’thụ nhân’’ (trồng người), đào tạo một thế hệ vô cảm.
Một mặt, sự đàn áp dã man, chà đạp nhân quyền, ngồi xổm trên những quyền tự do tối thiểu của con người, chế độ đã tạo một dân tộc biết sợ. Và trên cả cái sợ, cái cùm tự kiểm duyệt, coi như đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống
Mặt khác, kinh tế phát triển nhờ nhân công rẻ, ngoan ngoãn, trong một thời đại hoàn cầu hóa, nhờ hàng chục tỉ đô la của các ‘’khúc ruột ngàn dậm’’ đổ về, nhờ tiền xuất cảng lao động, xuất cảng phụ nữ, Việt Nam biến thành một xã hội tiêu thụ.
Một số người được tiêu pha, chơi bời thả cửa, có ảo tưởng được tự do, hài lòng với thân phận của mình, chấp nhận hay ủng hộ chế độ. Việt Nam trở thành một nhà tù lộ thiên, trong đó tù nhân không muốn vượt ngục nữa.
Trong bối cảnh đó, những phong trào tranh đấu cho tự do, dân chủ yếu dần.
Trong nước, những người tranh đấu bị đàn áp dã man; 10, 15 năm tù, cái án dành cho những người cướp của giết người ở những nước bình thường, chỉ vì đã lên tiếng chống cướp nhà, cướp đất, hay đòi quyền thở, quyền sống.
Ở đây, phải bày tỏ sự khâm phục đối với những người vô danh, hay nổi tiếng, đã can đảm tranh đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt, và nhất là trong sự cô đơn, giữa một biển vô cảm.
Ở hải ngoại, phong trào cũng yếu dần, vì chia rẽ, vì bệnh cá nhân chủ nghĩa, vì cái tôi quá lớn, vì tổ chức luộm thuộm, khái niệm rất mơ hồ về dân chủ, rất mơ hồ về sự hữu hiệu của mỗi hành động.
Nhiều người cho cảm tưởng họ chống nhau, hơn là chống Cộng. Sẵn sàng chụp mũ nhau là Cộng Sản, chỉ vì một câu nói vụng về. Đôi khi chỉ vì tị hiềm cá nhân, vì ganh ghét, vì độc ác. Trong khi đó, Cộng Sản gộc, thứ thiệt, ngang nhiên mua nhà cửa, họp hành, ra báo, lập đài phát thanh, truyền hình, lộng hành trước mắt bàn dân, thiên hạ, ngay giữa cộng đồng tị nạn.
Nhiều khi những người chống Cộng hăng say chống nhau, quên cả chống Cộng.
Quả thực là tình trạng đáng ngao ngán, khiến nhiều người muốn bỏ cuộc.
Nhưng suy nghĩ lại, có quả thực là các hoạt động có hoàn toàn vô bổ không ?
Nếu Việt Nam chưa phải là Bắc Hàn, bởi vì cộng sản không muốn đóng cửa để mất nguồn ngoại tệ khổng lồ, nhưng cũng bởi vì có những người kiên trì tranh đấu ở hải ngoại, tiếp tay với những người tranh đấu trong nước, lên tiếng tố cáo các chính sách đàn áp, các hành động đàn áp dã man của nhà nước.
Cộng sản chùn tay, không phải vì muốn được kính trọng đôi chút, nhưng bởi vì còn muốn làm ăn, buôn bán với thế giới bên ngoài.
Những hoạt động hải ngoại, dù chưa đạt kết quả mong muốn, dù có nhiều khuyết điểm, vẫn chứng tỏ có những người không bỏ cuộc, nửa thế kỷ sau ngày 30/4/75.
Tại sao không thể bỏ cuộc lúc này. Bởi vì cuộc chiến trở thành một mặt trận văn hóa. Ai cũng nghĩ và mong có thay đổi chính trị ở Việt Nam, bởi vì một nhóm người cai trị gần 100 triệu dân, vô thời hạn, là một chuyện quái đản ở thế kỷ 21.
Nhưng chỉ có thay đổi nếu hội đủ hai điều kiện.
Thứ nhất, người dân ý thức mình đang sống trong một nhà tù không tường, mặc dù được hưởng những tự do phù phiếm như ăn chơi, tiêu thụ. Thứ hai, mọi người nghĩ những thay đổi sẽ có hệ quả tốt cho chính mình, cho gia đình mình.
Dân chủ đối với đa số vẫn còn là một ý niệm mơ hồ, nếu không phải là đề tài để nhạo báng. Đa số vẫn chưa ý thức rằng tất cả những vấn đề của Việt Nam, từ bất công khủng khiếp, tới tham nhũng kinh hoàng, giáo dục bế tắc sẽ không bao giờ giải quyết được, nếu không có một thể chế dân chủ.
Việc thuyết phục người đồng hương là chuyện của mỗi chúng ta, mỗi ngày.
3. MỖI NGƯỜI CÓ THỂ LÀM GÌ ?
Không phải ai cũng là anh hùng, không phải ai cũng là những nhà hoạt động, sẵn sàng hy sinh. Nhưng mọi người đề có thể đóng góp.
Khi tôi giải thích cho con cháu lịch sử cận đại của Việt Nam, tôi đóng góp cho việc chống lại âm mưu viết lại lịch sử của tập đoàn cầm quyền.
Khi tôi kể cho bạn bè trong nước những sinh hoạt dân chủ nơi tôi đang sống, tôi đóng góp vào việc phát triển ý thức, và kiến thức dân chủ.
Khi tôi liên lạc với các giới chức, các hội đoàn nơi tôi đang sống, hay với những du khách tới Việt Nam, để nói về những vi phạm nhân quyền, tôi đóng góp vào việc cho thế giới bên ngoài biết về thực trạng Việt Nam.
Đó chỉ là những thí dụ. Còn hàng ngàn những chuyện khác, mọi người có thể làm. Nếu một triệu người làm những việc nhỏ, kết quả sẽ rất lớn.
Một câu nói nổi tiếng mà người ta gán cho Lão Tử: Hãy thắp một ngọn nến, còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Đôi khi chúng ta quên cả nguyền rủa bóng tối, vì còn say sưa nguyền rủa nhau.
Những khuyết điểm, những sai lầm của những người chống Cộng đã khiến hai chữ ‘’chống Cộng’’ mất dầ ý nghĩa. Nhiều người xa lánh, không muốn liên lụy tới những chuyện đánh phá cá nhân, bè phái.
Albert Camus nói cuộc đời là những cuộc tranh đấu, nếu không tranh đấu cho lẽ phải, không nổi giận trước những bất công, cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng Camus nói thêm: nổi loạn, hay phẫn nộ phải có đối tượng, không bao giờ mù quáng, vô vạ, miễn phí (la révolte est ciblée, jamais aveugle ni gratuite).
Chống Cộng, nửa thế kỷ sau, không phải vì oán thù, không phải vì bị cướp nhà cướp đất, nhưng bởi vì nghĩ rằng, biết rằng chế độ Cộng Sản đưa tới bế tắc cho dân tộc. Bế tắc và diệt vong.
Tôi chống Cộng bởi vì không muốn nước tôi không có giáo dục, chỉ có nhồi sọ; không có văn hóa, chỉ có tuyên truyền; không có quyền làm người, chỉ có quyền tuân lệnh; không có quyền suy nghĩ, chỉ có quyền ăn chơi.
Hiểu theo nghĩa đó, chống Cộng là một nghĩa vụ trong sáng nhất, khẩn cấp nhất. Không phải là chuyện phù phiếm, vô nghĩa như nhiều người nghĩ. Có người thành thực nghĩ như vậy, có người mượn đó là một cái cớ để buông tay, hay đồng lõa với cái ác, với một chế độ đặt quyền lợi đảng trên vận mệnh của cả một dân tộc.
TỪ THỨC 07.05.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.