vendredi 12 mai 2023

Hoàng Quốc Dũng - Thể thao, sự nghiệp của toàn dân

 

(Viết nhân dịp xi ghem)

« Cứ mỗi độ thu sang, hoa cúc lại nở vàng ». Cứ mỗi độ có dịp đua tài thể thao trong nước hoặc quốc tế thì lại thấy xuất hiện một vài ngôi sao và rồi lại nổi cộm vấn đề lương chết đói của các vận động viên. Rất nhiều người chỉ trích nhà nước không cho lương cao cho các vận động viên thể thao.

Tôi đồng ý với quan điểm của ông Phúc Lai là không những không tiếp tục trả lương mà còn cắt tất. Người chơi thể thao có cả « tỉ », biết ai sẽ là ngôi sao mà trả lương cao ? Cứ theo các vị thì trả lương cao cho tất cả người chơi thể thao rồi sẽ có ngày ta vô địch thế giới ? Sai hết. Thóc đâu mà đãi gà rừng ?, ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai….

Vấn đề là phải biết đầu tư tổng thể, vận dụng sức mạnh của toàn dân và đương nhiên cũng phải tuân theo quy luật kinh tế.

Là người đã sống 33 năm ở Pháp, lại cũng là cầu thủ bóng bàn nghiệp dư hơn 20 năm, tôi xin viết một đôi lời về cách làm của Pháp để chúng ta tham khảo.

Trước tiên ở nhà trường, họ có bô môn gọi là EPS (Education Physique et Sportive : giáo dục thể lực và thể thao), một môn bắt buộc từ vỡ lòng cho đến hết 12. Các thầy giáo là những người được đào tạo chuyên về lĩnh vực này và phải qua các kỳ thi tuyển để có bằng.

Nói một cách vắn tắt nhất là các em học sinh được học nhiều chuyện về phát triển thể lực, những nguyên tắc, những giá trị của thể thao và được thực hành một số bộ môn thể thao cơ bản như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, bơi lội ….Nhà trường cũng có mời những người như chúng tôi đến để nói chuyện hoặc dậy các em những kỹ thuật cơ bản.(Thầy thể dục, không thể giỏi tất cả các môn).

EPS là một yếu tố nhỏ để tạo các ngôi sao. Các ngôi sao thể thao đi lên từ các Câu Lạc Bộ (CLB). Vậy các CLB được tổ chức như thế nào, kinh phí và hoạt động của họ ra làm sao ?

Tôi chơi bóng bàn nên nói về bóng bàn. Tất cả các môn thể thao khác cũng tương tự như vậy.

Trưóc tiên nói về các CLB thể thao nhỏ, gần như toàn bộ các CLB ở bên Pháp.

Các hoạt động thể thao cũng là các hoạt động dân sự. Quy chế của nó cũng giống hệt quy chế của các hội đoàn chính trị, văn hóa, thiện nguyện… Nước Pháp là nước tự do, cứ 2 người trở lên là có quyền lập hội theo luật có tên là luật 1901, đơn giản là luật này có từ năm 1901 (Bao giờ cho đến tháng 10).

Tôi đơn cử sự thành lập CLB bóng bàn ở thành phố mà tôi đã sống ở đó 20 năm, một thành phố mới tinh. Có một ông tây thích chơi bóng bàn. Ông ấy tụ tập được vài người và rủ nhau thành lập CLB. Thủ tục rất đơn giản. Họ chỉ cần gửi một tờ khai lên Công An tỉnh để xin thành lập CLB. Công An ở đây không phải để dọa dân hay dàn áp mà chỉ để xem CLB có phù hợp với Hiến Pháp không thôi. Mà Hiến Pháp của Pháp thì nói tóm tắt là Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái. Vậy, đừng có chống mấy cái đó là được.

Một khi CLB đã được thành lập thì Thành phố sẽ cấp cho phòng thể thao để chơi. Thông thường ở thành phố nào cũng có phòng thể thao lớn cho nhiều bộ môn. Thành phố lớn giầu, CLB lớn giầu thì có phong thể thao riêng của bộ môn của mình.

Thành phố có ngân sách, sẽ chia một ít kinh phí cho các CLB hay các hội đoàn khác. Đương nhiên nếu CLB mà đông người thì càng được nhiều kinh phí. Hàng năm, tỉnh cũng cấp cho một ít kinh phí để mua trang thiết bị. Nhưng kinh phí hoạt động chính của CLB là do các thành viên của CLB đóng. Để các bạn có khái niệm, hiện tại tôi đóng 180 euro/năm.

Bằng kinh phí của mình, chúng tôi thuê huấn luyện viên và mua trang thiết bị để luyện tập và chơi. CLB có thể gửi chúng tôi đi học để trở thành huấn luyện viên, trọng tài…Một khi có bằng chúng tôi huấn luyện những người khác trên cơ sở thiện nguyện. Mỗi người chúng tôi đều có trách nhiệm đóng góp cho CLB theo khả năng và mong muốn của mình : huấn luyện người khác, quảng cáo cho CLB, rủ rê người khác đến chơi… để cho CLB ngày càng lớn mạnh.

Chúng tôi thông báo cho Liên Đoàn Bóng Bàn Pháp (FFTT) về việc thành lập CLB, và phải đóng một khoản cho FFTT để được hưởng các dịch vụ của Liên Đoàn về thi đấu về đào tạo…

Hầu như thành phố nào cũng có các CLB thể thao các môn khác nhau, và các cuộc thi đấu được tổ chức liên tục quanh năm giữa các thành phố với nhau. Bộ môn bóng bàn thi đấu vào tối thứ Sáu hàng tuần từ 21 giờ, nhiều khi đến 1 giờ sáng. Tối thứ Sáu là một sáng kiến rất hay vì weekend hay bận chuyện gia đình, cưới xin, ma chay…

Kết quả thi đấu sẽ đưa CLB dần đi lên, nhiều khi trở thành các CLB lớn, thí dụ như trong bóng đá là PSG hay OM(Marseille). Lúc này các CLB sẽ không còn là một hội đoàn như tôi nói ở phần đầu nữa mà trở thành một doanh nghiệp với một quy chế khác.

Các ngôi sao thể thao đều đi lên từ các CLB nhỏ tí. Mbappé là một thí dụ cụ thể, xuất phát từ một CLB ở một thành phố nghèo, Bondy. Các ngôi sao được phát hiện trong các CLB qua quá trình thi đấu. Rồi khi đã quá giỏi, nếu CLB không còn là môi trường đủ tầm thì các vận động viên sẽ chuyển đi các CLB khác với các khoản ưu đãi theo yêu cầu. Các vận động viên ăn lương của các CLB. Không ai ăn lương nhà nước.

Các cháu nhỏ, nếu xuất sắc sẽ được đưa lên đào tạo đặc biệt ở INSEP (Institut national du Sport de l’Expertise et de la Performance : tạm dịch Học Viện quốc gia về Thể Thao và nghiên cứu các thành tựu). Viện vừa đào tạo vừa là một cơ quan nghiên cứu khoa học về thể thao. Tại đây, các mầm non sẽ được hưởng một chương trình đào tạo thể thao đặc biệt với tất cả các phương tiện tối ưu nhất, đồng thời vẫn đảm đảm bảo học văn hóa một cách bình thường.

Bản thân tôi cũng đã chứng kiến một cậu bé đi từ CLB của tôi, tôi huấn luyện cháu lúc nhỏ tí, nhưng đến 10 tuổi thì cháu hạ tôi dễ dàng, rồi được đi học ở INSEP và đánh cho đội tuyển của Pháp.


Học thể thao và học văn hóa là hai nhu cầu nhiều khi rất đối nghịch nhau vì cả hai đều rất cần nhiều thời gian. Tôi đã chứng kiến nhiều nhân tài nhưng chưa đến mức được đi học ở INSEP, khi đến những năm cuối của phổ thông buộc phải bỏ thể thao. Bên Pháp cũng không có chuyện giỏi thể thao thì các thầy châm chước cho khi học văn hóa. Tôi cũng đã chứng kiến một số nhân tài thể thao và nghệ thuật của Việt Nam khi nhỏ được các thầy quá nuông chiều nên kiến thức cơ bản nói chung rất thấp, ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

Qua phần trình bầy này của tôi, tôi thấy rõ ràng là việc đào tạo nhân tài thể thao ở bên Pháp là một sự nghiệp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Họ không nói như vậy nhưng thực sự lại như vậy.

Ta không phải là Pháp, Pháp không phải là ta. Hy vọng, các nhà lãnh đạo Việt Nam nên chắt lọc những kinh nghiệm của các nước để phát triển thể thao nước nhà.

Thể thao đúng là vô cùng quan trọng trong đời sống chúng ta. Tôi cũng là một fan của thể thao. Tôi đã từng bay sang tận Philippines để cổ vũ cho bóng đá Việt Nam(Trận Việt Nam>< Thái Lan).

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy là người Việt Nam trong nước quá cuồng nhiệt với thể thao. Rất nhiều người Việt Nam chỉ biết nói về thể thao và không biết chuyện gì khác. Muốn thể thao nước nhà mạnh, nhưng lại không làm được một cái gì cụ thể cho thể thao, dù rất nhỏ, mà chỉ biết nhân dịp chiến thắng thì nhậu, thua, buồn, cũng nhậu.

Thể thao cần thiết, nhưng cuộc sống không chỉ có thể thao. Đừng vì thể thao mà quên hết tất cả, quên luôn cả những đóng góp cần thiết cho xã hội dù là nhỏ cỡ nào, thí dụ một câu nói, một ý kiến để xây dựng phát triển xã hội. Một khi xã hội đi đúng hướng, phát triển tốt thì mọi cái sẽ có, trong đó có thể thao.

Cờ quạt, ảnh nhiều, « bão » nhiều, chẳng giải quyết chuyện gì.

« Khen ai khéo vẽ cho vui thế ».

HOÀNG QUỐC DŨNG 11.05.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.