Gần đây mình đọc sách thấy các dịch giả hầu như dịch sai cách gọi mỗi miền ở Việt Nam, toàn dùng từ "Bộ" là cách gọi bây giờ. Ví dụ "Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Bộ", rất buồn cười.
Dịch chuẩn thì phải dùng từ cho đúng theo từng giai đoạn lịch sử.
Minh Mạng đặt tên Nam Kỳ và Bắc Kỳ (không có Trung Kỳ), không phải Pháp đặt. Pháp nó đặt theo tiếng Pháp cơ, không việc gì phải nhục với chữ đó mà lảng tránh. Thời Pháp thuộc thì tên chính thức ba miền là: Tonkin (Bắc Kỳ), Annam (Trung Kỳ), Cochinchine (Nam Kỳ). Nam Kỳ có thống đốc, Trung Kỳ có khâm sứ, Bắc Kỳ có thống sứ đứng đầu. Tất cả đều là người Pháp.
Nam Kỳ thì quan chức Pháp cai trị trực tiếp, cũng giống như ba thành phố nhượng địa là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Bắc Kỳ ban đầu có khâm sai đại diện của triều đình Huế đứng đầu, sau bỏ chức đó, chỉ có Thống sứ đứng đầu. Trừ Hà Nội và Hải Phòng là Pháp trực trị, còn lại các tỉnh vẫn có quan lại của Nam triều, bên cạnh có viên công sứ Pháp (mới là thực quyền). Trung Kỳ thì triều đình cai trị trực tiếp, trừ Đà Nẵng là nhượng địa do Pháp trực trị, nhưng bản chất vẫn do viên Khâm sứ đứng đầu và các tỉnh cũng có công sứ Pháp như ở Bắc Kỳ.
Đến thời Đế quốc Việt Nam (Trần Trọng Kim - Bảo Đại) Kỳ đổi sang thành Bộ, bây giờ dùng lại từ đó, mình không hiểu sao lại gọi là Kỳ và Bộ như vậy, có ý nghĩa gì? Nam và Bắc Bộ có khâm sai đứng đầu, Nam Bộ có khâm sai được có mấy ngày thì mất chính quyền (do Chính phủ Trần Trọng Kim tiếp quản Nam Bộ sau Bắc Bộ, vì Nhật bàn giao muộn, có thể do Nam Kỳ không còn của Đại Nam từ 1874).
Thời Quốc gia Việt Nam thì gọi ba miền là Nam Việt, Trung Việt, Bắc Việt. Mỗi miền có Thủ hiến đứng đầu.
Đế quốc Việt Nam và Quốc gia Việt Nam có bộ máy hành chính là công chức người Việt trên cả nước. Nhật rồi Pháp không còn trực trị nữa.
Thời Việt Nam Cộng Hòa thì gọi mỗi miền là Phần. Thời này trung ương tập quyền. Bắc Phần chỉ có trên lý thuyết, Trung và Nam Phần chỉ là tên gọi, không phải là đơn vị hành chính, không có ai quản lý chung.
Thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng trung ương tập quyền, gọi theo Đế quốc Việt Nam, mỗi miền gọi là Bộ. Không có ai đứng đầu, không không phải là đơn vị hành chính.
Từ này rất phổ biến, nhiều người dùng sai, vì chả có ai, sách nào chỉ dẫn tường tận.
Sách giáo khoa hay chửi Chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn, vô tích sự. Nhưng anh em cần nhớ là hầu hết tên phố, đường cũ ở Hà Nội là do ông Trần Văn Lai, thị trưởng của Chính phủ Trần Trọng Kim đặt một cách rất khoa học. Tên quảng trường Ba Đình cũng do ông đặt.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 18.05.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.