dimanche 9 avril 2023

Phạm Chu Sa - Thanh Tâm Tuyền, người cách tân táo bạo thơ Việt

 

Cùng địa chỉ tòa soạn tạp chí Văn và tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc là “tòa soạn ghi trên manchette” của nguyệt san Vấn Đề - một tạp chí rất uy tín do kịch tác gia - giáo sư Vũ Khắc Khoan chủ biên.

Ban đầu có sự cộng tác của nhà văn Mai Thảo, họa sĩ Thái Tuấn và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Một thời gian sau Vũ Khắc Khoan giao Vấn Đề cho Thanh Tâm Tuyền. Anh làm công việc một chủ bút kiêm thư ký tòa soạn: Đọc bản thảo, tuyển chọn, biên tập và sắp xếp bài vở.

Mai Thảo cũng chuyển sang làm “công việc của một chủ bút” tạp chí Văn - nhưng không ghi tên trên manchette. Trước khi về làm Tuổi Ngọc, tôi có vài bài thơ đăng trên Vấn Đề, nay lại tình cờ về làm việc cùng địa chỉ, nên có ý tìm hiểu, mới biết địa chỉ tòa soạn 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn ghi trên manchette chỉ là hộp thư liên lạc.

Mươi bữa, nửa tháng mới thấy Thanh Tâm Tuyền ghé lấy thư từ, bài vở. Có khi anh ngồi lại tòa soạn Văn trò chuyện với ông bạn thân “ nhà văn rong chơi” Mai Thảo. Có khi với thư ký tòa soạn Nguyễn Xuân Hoàng hay ông bạn vong niên Nguyễn Đình Vượng - chủ nhiệm Văn.

Ông Vượng là người Bắc di cư vào Sài Gòn mở nhà in và nhà xuất bản mang tên ông từ 1955. Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng đã in truyện dài đầu tay “Bếp Lửa” của Thanh Tâm Tuyền năm 1957. Cuối năm 1963, ông Vượng sáng lập tạp chí Văn với sự góp sức đắc lực của dịch giả Trần Phong Giao. Ông Vượng tuy không phải là người cầm bút, nhưng đã góp công không nhỏ cho nền văn chương Việt Nam Cộng Hòa suốt hơn hai mươi năm (1954 - 1975).

Tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc nơi tôi làm việc chỉ là một căn gác xép áp mái của nhà in Nguyễn Đình Vượng, nên không thể tiếp cộng tác viên hay độc giả. Tôi thường phải tiếp khách ở quán cà phê bên cạnh tòa soạn. Nhưng đôi khi đang dở việc hay không có thời gian, tôi tiếp khách “ké” ở tòa soạn Văn, gặp khi Thanh Tâm Tuyền đến lấy bài vở Vấn Đề hay đưa bài cho Văn. Chúng tôi chỉ chào hỏi nhau theo phép lịch sự thôi. Tôi cũng loáng thoáng nghe anh và Mai Thảo chuyện trò nhưng chẳng nghe họ nhắc gì tới văn chương! Các anh chỉ hỏi han nhau về bạn bè, nói chuyện thời sự và đôi khi cả chuyện phiếm!

Có khi tôi gặp Thanh Tâm Tuyền - tức đại úy Dzư Văn Tâm ở tòa soạn tập san “Quốc Phòng” - nằm trong trường Cao đẳng Quốc Phòng ở cuối đường Thống Nhất, góc Nguyễn Bỉnh Khiêm, đối diện Phủ Thủ tướng, mỗi khi tôi có việc đến gặp Đinh Tiến Luyện. Bấy giờ Luyện là trung úy, làm chung tòa soạn với Thanh Tâm Tuyền. Tôi ngạc nhiên khi thấy hầu hết cán bộ - sĩ quan công tác tại tòa soạn tờ tập san Quốc Phòng - trong đó có Thanh Tâm Tuyền và Đinh Tiến Luyện đều mặc thường phục đi làm. Hình như chỉ thứ hai chào cờ các anh mới mặc quân phục.

Thanh Tâm Tuyền thường mặc sơ mi ngắn tay bỏ trong quần. Anh nói chuyện chậm rãi, từ tốn. Cả con người và cách nói chuyện hơi “quê quê” nhưng dễ gây thiện cảm với người đối thoại. Nếu mới gặp Thanh Tâm Tuyền lần đầu, ít ai nghĩ rằng đây là một thi sĩ lừng danh, tác giả thi phẩm tiên phong khai sáng Thơ Tự do Việt “Tôi không còn cô độc” và cùng với Mai Thảo khởi xướng làm mới văn xuôi Việt Nam từ giữa những năm năm mươi qua tạp chí Sáng Tạo. Mai Thảo từng nói “tờ Sáng Tạo là của những thí nghiệm và những mở đường”. (Mai Thảo trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, tức Nguyễn Xuân Hoàng, trên tạp chí Văn số 192 - tháng 12 năm 1971).

Thanh Tâm Tuyền sinh năm 1936 tại Vinh, Nghệ An. Nhưng từ thời trung học Thanh Tâm Tuyền đã học tập và sống ở Hà Nội, nên anh nói gần như giọng Hà Nội. Ngay từ năm 1952, lúc mới 16 tuổi Thanh Tâm Tuyền vừa học vừa đi dạy ở trường Minh Tân, Hà Tây và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội). Năm 1954, Thanh Tâm Tuyền hoạt động trong phong trào sinh viên Hà Nội cùng với Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế - hình thành nhóm chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Năm 1955, sau khi di cư vào Sài Gòn, nhóm Lửa Việt chuyển sang thành lập tờ Dân Chủ. Thanh Tâm Tuyền phụ trách phần văn nghệ.

Anh rất tâm đắc với truyện ngắn “Đêm giã từ Hà Nội” của Mai Thảo gửi đến báo Dân Chủ. Hai anh kết thân nhau từ đó. Mai Thảo cũng kết thân với cả nhóm Dân Chủ, cùng sáng lập tờ Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo). Năm 1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời, Mai Thảo làm chủ bút.

Cùng năm này, Thanh Tâm Tuyền ấn hành tập thơ đầu tay “Tôi không còn cô độc” - một tuyên ngôn của Thơ Tự Do…Với những câu thơ cách tân táo bạo, ngôn ngữ mới lạ lẫm, bất ngờ : “Tôi buồn khóc như buồn nôn / Ngoài phố / Nắng thủy tinh / Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ / Thanh Tâm Tuyền / Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường /  Xin một chỗ quỳ thầm kín / Cho đứa nhỏ linh hồn…/ Tôi thèm giết tôi / Loài sát nhân muôn đời / Tôi gào tên tôi thảm thiết / Thanh Tâm Tuyền / Tôi bóp cổ tôi chết gục / Để tôi được phục sinh” (Phục sinh).

Năm 1957, Thanh Tâm Tuyền xuất bản truyện dài đầu tay “Bếp lửa” - viết về Hà Nội năm 1954 giai đoạn sau hiệp định Genève với tâm trạng giằng xé của những kẻ chọn ở lại và người chọn ra đi - di cư vào Nam. Văn phong “Bếp lửa” khá mới lạ, nhận định sâu sắc, không ai nghĩ đó là tác phẩm được viết bởi một cây bút chưa tới hai mươi tuổi.(“Bếp lửa” được Thanh Tâm Tuyền khởi viết năm 1954 khi còn ở Hà Nội). Trong tập “Ý văn I”, nhà phê bình uy tín Tam Ích đánh giá “Bếp lửa” là một trong vài tiểu thuyết Việt Nam hay nhất thế kỷ 20.

Trong một số Tuổi Ngọc năm 1973, Thanh Tâm Tuyền nhận lời mời của Duyên Anh, viết một truyện ngắn liên hoàn gồm ba truyện rất ngắn, từ văn phong tới cốt truyện khá lạ về một nhân vật tuổi mới lớn rất dễ thương - tôi quên tên truyện. Lần duy nhất trong đời tôi đọc một bản thảo viết tay có bốn màu mực: Xanh biển, xanh lá cây, đen và đỏ. Đó là thứ tự màu mực mà tác giả “Bếp lửa” viết và chỉnh sửa. Màu mực đỏ là đã sửa hoàn chỉnh để in! Nét chữ viết của Thanh Tâm Tuyền in hằn xuống cả mấy tờ bên dưới, mới biết là anh viết kỹ tới mức nào. Dẫu là một truyện viết cho trẻ con nhưng anh vẫn cực kỳ cẩn trọng.

Thanh Tâm Tuyền là người tài hoa, uyên bác và cực kỳ nghiêm túc trong văn chương cũng như trong đời sống. Có nhiều độc giả ngộ nhận khi đọc thơ Tự do của Thanh Tâm Tuyền, tưởng những câu, từ tác giả “Tôi không còn cô độc” viết dễ dãi, buông thả (giống trường hợp Picasso vẽ tranh siêu thực tưởng như vẩy màu với các đường nét nguệch ngoạc dễ dàng. Thật ra khi được xem các phác thảo của nhà danh họa mới biết ra ông nghiêm túc thế nào để tạo ra những danh tác siêu thực).

Vì rất kỹ tính nên Thanh Tâm Tuyền viết không nhiều. Hơn 20 năm (1954-1975) về thơ, chỉ có hai tập thơ : “Tôi không còn cô độc” (1956) và “Liên đêm mặt trời tìm thấy” (1964). Về văn xuôi, sau “Bếp lửa” là các truyện dài ghi đậm dấu ấn Thanh Tâm Tuyền: “Cát lầy”, “Khuôn mặt”, “Tiếng động” và truyện dài “Ung thư” đăng nhiều kỳ trên Văn nhưng chưa xuất bản…

Năm 1966, Thanh Tâm Tuyền đọat giải văn chương toàn quốc cùng với Dương Nghiễm Mậu, nhưng anh không dự lễ phát giải mà cử người nhận thay. Thanh Tâm Tuyền còn viết tạp ghi trên nhật báo Tiền Tuyến ký tên Ba Tê (tức 3 chữ T đầu của bút hiệu Thanh Tâm Tuyền). Anh cũng giữ mục Tạp ghi trên Văn một thời gian. Về sau anh tuyển chọn lại in thành tuyển tập “Tạp ghi”.

Cuối năm 1974, tôi từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn, ghé tòa soạn Văn lĩnh nhuận bút bài thơ Trường Sơn Hành đăng trước đó ít lâu. Được 1.500 đồng kèm hai tờ báo biếu. Bài thơ đăng trong số đặc biệt “Rimbaud - Con phượng hoàng của thi ca thế giới”. Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng đang ngồi bàn chuyện bài vở Văn số tới. Thanh Tâm Tuyền cũng đang có mặt ở đó. Anh đang đọc thư độc giả trong khi chờ Mai Thảo. Tôi chào anh. Anh hơi bất ngờ gặp lại tôi sau vài năm. Anh hỏi thăm chuyện đời lính thú của tôi. Tôi nói, có lẽ kỳ về phép này tôi đào ngũ luôn. Anh gật gù không nói gì, nhưng tôi ngầm hiểu anh đồng ý với tôi. Anh rủ tôi hôm nào qua tòa soạn tập san Quốc Phòng gặp anh và Đinh Tiến Luyện trò chuyện chơi. Ở đây chật chội quá và anh cũng sắp về. Tôi cảm ơn anh, nhưng rồi bận nhiều việc, tôi không ghé tòa soạn Quốc Phòng thăm anh được.

Sau 30/04/75 Thanh Tâm Tuyền đi tù cải tạo hơn bảy năm. Anh được thả về năm 1982, nhưng mãi mấy năm sau tôi mới gặp lại anh. Cuối năm 1988, tôi sang lại một sạp báo trong công viên nhỏ ở góc đường Lê Lai - Nguyễn Trãi (Võ Tánh cũ - con đường ngày xưa đặt nhiều tòa soạn báo) nhìn xéo sang nhà thờ Huyện Sĩ. Bán sách báo là cái cớ vì chỉ lèo tèo mấy chục cuốn sách, dăm bảy tờ báo bán cho vui. Mục đích là có chỗ anh em văn nghệ cũ gặp gỡ, trò chuyện.

Thời gian này Thanh Tâm Tuyền đang chờ đi Mỹ diện HO, thỉnh thoảng anh đạp xe từ đường Nơ Trang Long (Nguyễn Văn Học, Gia Định cũ) ra sạp báo tôi chơi, gặp gỡ trò chuyện với vài bạn cũ: kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, nhà thơ Vương Tân, nhà văn Lan Đình, dịch giả Huỳnh Phan Anh, Phạm Kiều Tùng…

Năm đó Trần Lê Nguyễn đã gần bảy mươi nhưng trông còn tráng kiện, đi chiếc xe đạp thể thao trông xịn lắm. Ông từng viết kịch đăng nhiều kỳ trên tạp chí Sáng Tạo từ những ngày đầu. Nhà thơ Vương Tân, tức nhà báo kỳ cựu Hồ Nam - từng là cộng tác viên tạp chí Sáng Tạo, nổi tiếng với loạt thơ năm chữ, cũng từ Sáng Tạo.

Vương Tân chiều nào cũng đạp xe ghé tôi chơi, tán dóc rồi có khi ngủ lại sạp báo tôi. Vương Tân kể, anh tổ chức vượt biên ở Tiền Giang bị “bể”, bèn lên lánh nạn nhà Phạm Kiều Tùng ở đường Lý Tự Trọng (Gia Long cũ). Ban ngày anh đạp xe lang thang tối mới về nhà anh Tùng ngủ. Nhà anh Tùng nuôi nhiều chó, mỗi tối anh về lũ chó sủa inh ỏi, ông bố Phạm Kiều Tùng mất ngủ rất khó chịu. Anh Vương Tân bảo, thôi cậu cho tớ ngủ nhờ, tớ giữ sạp báo cho cậu. Anh nói vui chứ sạp báo có gì đáng đâu mà giữ. Sạp báo rất nhỏ, chỉ vừa kê tấm ván đủ ngả lưng, cái xe đạp anh Vương Tân phải xích vào cửa sạp, sợ ngủ quên bị chôm mất xe là bó chân.

Nhà văn Lan Đình, tác giả tiểu thuyết “Từ đêm khởi chiến” - giải nhất văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1969, chiều chiều cũng đạp chiếc xe đạp mini từ nhà gần chợ Vườn Chuối ghé sạp báo tôi gặp trò chuyện với Vương Tân. Chả hiểu sao, hai ông bạn già nói chuyện một lúc là cãi nhau. Mấy năm sau tôi phụ trách bài vở tờ Thanh Niên chủ nhật, anh Vương Tân rất chịu khó viết bài cộng tác. Anh viết hồi ức về những văn thi sĩ tiền chiến mà anh quen biết. Lan Đình nhắc tôi: “Thằng Hồ Nam nó viết ẩu nổi tiếng. Hồi chiến tranh nó theo trực thăng bay lướt qua nhưng về nó viết y như là nó tham gia đánh nhau. Cậu đăng bài nó cẩn thận”. Tôi cười, ảnh viết chuyện đời các văn nghệ sĩ. Chuyện bên lề văn chương thôi mà.

Cách nay hơn mười năm, anh Vương Tân tình cờ biết địa chỉ email của tôi, anh viết tặng tôi bài thơ Tự trào, trong đó có nhắc tới “Thằng cu Ngư” - tên cúng cơm của anh. Anh mất cách nay bảy tám năm, tôi có nhận được email báo tin - hình như là của con trai anh. Tôi không đi phúng viếng được, chỉ gửi lời chia buồn trên email.

Ông Lan Đình có khi gặp Thanh Tâm Tuyền, nhưng hai người ít trò chuyện, có lẽ vì tính cách khác nhau nhiều…Trong khi đó hai anh Vương Tân và Thanh Tâm Tuyền hay nhắc lại những kỷ niệm thời Sáng Tạo, nhắc tới những bạn văn mấy chục năm trước giờ người còn kẻ mất với giọng bùi ngùi. Rồi Thanh Tâm Tuyền kể chuyện những năm tháng tù đày cải tạo ngoài Bắc, bị chuyển trại từ tỉnh này qua tỉnh khác - hầu hết là các vùng rừng thiêng nước độc Tây Bắc. Đói rét, bệnh tật. Nhưng anh vẫn làm thơ - như một cách nhắc mình đứng thẳng, đương đầu với nghịch cảnh.

Thanh Tâm Tuyền chứng tỏ một nhân cách lớn, đầy tiết tháo. Anh đọc cho chúng tôi nghe vài bài thơ anh làm trong thời gian tù đày. Ai cũng ngạc nhiên khi nghe mấy bài thất ngôn với giọng thơ hào sảng như những bài hành - không còn thấy đâu giọng thơ  “Tôi không còn cô độc”. Nghe qua một lần tôi chỉ nhớ loáng thoáng mấy câu. Nhưng rất may, sau này khi tôi qua Mỹ có người bạn cho mượn tập “Thơ có ở đâu xa” của Thanh Tâm Tuyền do Trầm Khắc Phục xuất bản năm 1990. Tôi chụp lại một số bài. Xin trích mấy câu: “Tuột chân té nhào trên hẻm núi / Chết điếng toàn thân trong giây lâu / Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới / Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu…/ Đầm mình trong hạnh ngộ ẩn mật / Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu / Dò dẫm lối về đêm tối mịt / Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?” (bài “Trượt chân trên núi Việt Hồng, Yên Báy khi đi lấy nứa” - 1979).

Năm 1990, Thanh Tâm Tuyền sang Mỹ, sống ở tiểu bang Minnesota, vùng ngũ đại hồ giáp Canada lạnh giá. Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan - bạn vong niên của anh, đã từng ở tiểu bang này từ lúc di tản năm 1975 đến khi mất năm 1986 - bốn năm trước khi Thanh Tâm Tuyền  đến. Hãy đọc mấy câu thơ trong bài “Ngỡ xuân” của Vũ Khắc Khoan làm ở Minnesota: “Nửa khuya nghe chim lạ / Hót lẻ trong cành du / Thoáng lời kinh vô ký / Chập chờn ánh lửa giang đầu…/ Ta từ thuở xa miền nhiệt đới / Đến đây kết nghĩa với cây du / Lòng vẫn nhủ lòng rằng thôi đừng nhớ / Ngày ngày ngồi gốc cây du / Mơ cưỡi một con trâu / Đi về miền nắng quái…/ Ngùi ngùi mái tóc mờ sương thu / Tuổi già lệ như lác đác / Rừng phong hạt móc sa / Đâu còn thùy lệ / Chỉ rưng rưng sầu” (phụ lục Đọc Kinh - 1986). Nghe ngậm ngùi, thấm thía nỗi cô quạnh giữa vùng giá băng.

Mai Thảo gọi Vũ Khắc Khoan là Đại Hãn - tức Thành Cát Tư Hãn - cũng là tên vở kịch nổi tiếng của Vũ Khắc Khoan. Hoặc có khi gọi Jean Gabin Khoan. Jean Gabin (1904 - 1976) là tài tử gạo cội người Pháp. Vũ Khắc Khoan có dáng dấp, cử chỉ giống tài tử này. Bốn năm trước khi Vũ Khắc Khoan mất, Mai Thảo đã viết về ông thời ở Minnesota: “Buổi sáng Jean Gabin Khoan lặng lẽ thức giấc, mùa đông dài, ly cà phê sớm, mặt bàn viết chụp đèn còn sáng xuống một trang lộng ngôn viết dở đêm qua.  Lộng ngôn tôi, lộng ngôn bạn, lộng ngôn đời, tất cả êm đềm thỏa thuận. Những thể sống không thể tưởng tượng được, thôi hãy xếp vào lũ tượng gỗ ở vở Những người không chịu chết, cho những thiếu nữ tên Thu cũng biết đến hạnh phúc ở đời. Buổi chiều ngôi nhà Bloomington tối xuống. Đêm nay tuyết đổ nhiều, hàn thử biểu không độ. Hâm nóng một chút rượu, thiếu ta sao được. Tuyết Đông Bắc mùa này  vẫn chưa chôn vùi được Đại Hãn…”

Thanh Tâm Tuyền đến sống ẩn dật ở miền băng giá này, rất ít giao tiếp - trừ một vài bạn thân thiết như Mai Thảo…Năm 1998 Mai Thảo mất. Không hiểu thi sĩ “Tôi không còn cô độc” có cảm thấy cô độc không? Tôi nghĩ, những tháng năm sống ẩn dật ở nơi lạnh lẽo rất xa quê hương ấy chắc anh cô đơn lắm!

Tôi không có tin tức gì sau khi anh qua Mỹ, cho đến lúc nghe anh mất năm 2006, khi vừa bước sang tuổi bảy mươi. Mặc dù chỉ quen biết chứ chưa từng thân thiết, nhưng tôi cũng cảm thấy ngậm ngùi. Tưởng nhớ đến anh - một nhân cách lớn trong văn học Việt Nam. Và đặc biệt, Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ lớn, người cách tân táo bạo Thơ Việt, khơi mở Thơ TỰ DO.

PHẠM CHU SA 08.04.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.