Jones, Pearson và bà Johnson đã gia nhập nhóm dân chúng biểu tình chống súng. Cuộc tàn sát ở trường Covenant, Nashville, gây xúc động trong cả tiểu bang và khắp nước Mỹ. Cuộc biểu tình chống súng này nuôi dưỡng một phong trào phản kháng trên toàn quốc.
Ngày 27 tháng Ba năm 2023, Audrey Hale, 28 tuổi xách ba khẩu súng đến trường Covenant ở Nashville, tiểu bang Tennessee, nổ súng 152 lần, giết 3 học sinh 9 tuổi và ba nhân viên, trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Đây là vụ “bắn giết hàng loạt,” thứ 145 ở nước Mỹ kể từ đầu năm nay; với số nạn nhân từ bốn người trở lên.
Dân Nashville, các bà mẹ đóng vai chính, kêu gọi mọi người đi biểu tình trước trụ sở nghị viện tiểu bang, chống việc mua bán súng dễ dàng. Ba ngày sau, hơn một ngàn người hưởng ứng. Một số người tràn vào trong phòng họp. Họ tiếp tục hô khẩu hiệu, bị đuổi ra ngoài vì luật lệ không cho phép.
Ba dân biểu tiểu bang bị đem ra xét xử, vì vi phạm luật cấm biểu tình trong trụ sở nghị viện. Họ có thể bị tước bỏ chức vụ nếu bị 2 phần ba số đại biểu, tức 67 người, bỏ phiếu thuận. Lần bỏ phiếu thứ nhất, Dân biểu Justin Jones bị trục xuất khỏi nghị viện, với số phiếu của 72 đại biểu Cộng Hòa, 25 phiếu chống thuộc đảng Dân Chủ. Bỏ phiếu lần thứ nhì, chỉ có 65 người ủng hộ, 30 người chống, bà Gloria Johnson không mất chức đại biểu. Bỏ phiếu lần thứ ba, ông Justin Pearson cũng bị đuổi, với tỉ số 69-26.
Nghị viện Tennessee làm mọi việc đúng luật. Ba đại biểu đã vi phạm một luật cấm có từ lâu nên bị đem xử. Mỗi “bị cáo” đều được 20 phút tự biện hộ. Đảng Cộng Hòa đã kiểm soát nghị viện nhiều năm, đã chiếm đa số tuyệt đối nhờ khéo biết phân chia địa giới các đơn vị bầu cử.
Nhưng hành động trục xuất các đại biểu do dân chúng bầu lên là điều không bình thường, ít khi diễn ra ở nước Mỹ. Hầu hết các tiểu bang chỉ lột chức, trục xuất các đại biểu khi họ phạm những lỗi rất nặng. Trong gần hai thế kỷ, nghị viện Tennessee chỉ trục xuất hai đại biểu, một người vì tội nhận hối lộ, một người khác vì bị rất nhiều lời tố cáo sách nhiễu tình dục. Tất cả những vụ nhỏ hơn đều được bỏ qua
Trên Quốc hội Liên bang cũng không có chuyện trục xuất vì các vụ biểu tình. Năm 2008, các dân biểu Cộng Hòa đã phản đối bà chủ tịch Nancy P. Pelosi không đưa vấn đề khai thác dầu lửa ngoài khơi vào nghị trình để thảo luận trước khi quốc hội nghỉ hè. Họ làm reo suốt 35 ngày bằng cách thay phiên nhau lên phát biểu, mời cả dân chúng vào nghe, một điều vẫn bị cấm trong lúc quốc hội đang họp.
Năm 2016, đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện. Đến lượt các dân biểu đảng Dân Chủ cùng nhau “ngồi lì” ở trụ sở Hạ viện, để đòi ông chủ tịch Paul Rayon phải cho thảo luận và biểu quyết một dự luật về kiểm soát súng. Họ la lớn các khẩu hiệu, hát những bài nhạc phản kháng, dùng máy điện thoại quay phim quang cảnh này, một điều cũng bị cấm theo luật lệ. Cuộc làm reo kéo dài 26 tiếng đồng hồ, dài gấp hai chục lần cuộc “biểu tình” trong nghị viện ở Nashville.
Sau cùng, không một dân biểu thuộc đảng nào bị khiển trách hoặc trừng phạt. Nước Mỹ vẫn có truyền thống tôn trọng những hành động phản kháng!
Nghị viện Tennessee không quan tâm đến truyền thống đó. Một nguyên do, có thể vì không khí chia rẽ giữa hai đảng chính trị ở nước Mỹ hiện nay đang lên cao cực độ. Các nhóm cực đoan của cả hai đảng đều rất mạnh. Họ có ảnh hưởng quyết định trong các cuộc bỏ phiếu chọn người ứng cử trong đảng. Những nhà chính trị, dù vốn ôn hòa và bao dung, vẫn phải tỏ ra mình quá khích một chút để khỏi bị các nhóm cực đoan chống phá. Vì vậy, khi ông chủ tịch nghị viện Tennessee thấy ba đại biểu đảng Dân Chủ hiển nhiên vi phạm luật cấm biểu tình trong nhà, ông nắm lấy cơ hội để bày tỏ thái độ. Nếu không, chính các đại biểu cùng đảng với ông sẽ phản đối.
Có người còn nêu ra một lý do khác là màu da. Bà Gloria Johnson được 7 đại biểu Cộng Hòa ủng hộ, không bị trục xuất, bà nói, “chắc vì tôi da trắng.” Hai ông Justin Jones và Justin Pearson đều da đen. Tennessee là một trong các tiểu bang miền Nam, những tiểu bang muốn duy trì chế độ nô lệ, gây nên cuộc chiến tranh Nam Bắc giữa thế kỷ 19.
Sau cuộc nội chiến, tất cả những nô lệ da đen được giải phóng, họ trở thành công dân Mỹ, được ứng cử và bỏ phiếu. Năm 1868, trong cuộc bầu cử đầu tiên, hơn chục người da đen đắc cử vào nghị viện tiểu bang Georgia. Nhưng các đại biểu da trắng chiếm đa số tuyệt đối đã bỏ phiếu trục xuất tất cả các đại biểu da đen đầu tiên, mới được bầu.
Các tiểu bang khác phẫn nộ, phản đối, quốc hội liên bang phải can thiệp. Hạ viện Mỹ đưa điều kiện Georgia phải trả lại chức vụ cho các đại biểu da đen, nếu không sẽ không công nhận các dân biểu của tiểu bang này. Cuối cùng, Georgia chịu thua, phục chức cho các đại biểu da đen. Sau đó, tuy luật pháp xác định quyền bình đẳng không phân biệt màu da, nhưng tinh thần kỳ thị vẫn còn lưu cữu ở nhiều tiểu bang miền Nam.
Tại Tennessee, theo luật lệ, trong 30 ngày Thống đốc Bill Lee sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu lại ở đơn vị của hai đại biểu bị trục xuất. Trong khi chờ đợi, các hội đồng dân cử ở mỗi đơn vị chọn người tạm thời thay thế. Kết quả, ai cũng có thể đoán trước, hai đại biểu Justin Jones và Justin Pearson lại được các hội đồng địa phương ở Nashville và Memphis đề cử lên thay thế chính họ, dù chỉ được gọi là “đại biểu lâm thời.” Và đến ngày bỏ phiếu chính thức, họ sẽ được cử tri phục chức!
Tại sao nghị viện Tennessee lại làm một công việc vô ích như vậy? Có lẽ không phải vì tinh thần kỳ thị màu da.
Bởi vì trước, sau, người da trắng và đảng Cộng Hòa vẫn chiếm đa số tuyệt đối. Màu da hai ông Jones và Pearson không thay đổi dù bị cất chức rồi được bổ nhiệm tạm thời và đắc cử lần nữa. Những nhà chính trị da trắng không ai muốn bị gán cho nhãn hiệu kỳ thị màu da! Không ai muốn gây nên một cuộc xáo trộn vô ích, chỉ để bị tố cáo là còn luyến tiếc thời quá khứ!
Cho nên, có thể đoán rằng nguyên nhân quan trọng nhất khiến nghị viện Tennessee tỏ thái độ quyết liệt trục xuất hai dân biểu Jones và Pearson không phải là vì màu da của họ. Nguyên nhân chính là: Súng. Trục xuất hai người, biết rằng họ sẽ được phục chức trong 30 ngày, không gây hậu quả thực tế nào cả, nhưng các đại biểu đã bày tỏ lập trường rõ ràng: Không được hạn chế quyền mua bán súng, quyền mang súng.
Jones, Pearson và bà Johnson đã gia nhập nhóm dân chúng biểu tình chống súng. Cuộc tàn sát ở trường Covenant, Nashville, gây xúc động trong cả tiểu bang và khắp nước Mỹ. Cuộc biểu tình chống súng này nuôi dưỡng một phong trào phản kháng trên toàn quốc.
Ngày Thứ Hai vài tuần lễ sau đó, một đại biểu nghị viện Tennessee tên là William Lamberth đã đối đầu với các sinh viên học sinh biểu tình bày tỏ mối lo sẽ chết vì súng. Ông Lamberth giải thích rằng dù cấm súng cũng không giúp các bạn trẻ an toàn hơn; vì không thể nào ngăn không để súng lọt vào tay những kẻ điên rồ, bệnh hoạn. Ông còn hỏi các sinh viên, nếu bị bắn thì họ muốn chọn chết vì loại súng nào? Ông vừa nói vừa nhún vai. Khó tưởng tượng lương tâm con người ta có thể khô cạn đến mức hỏi những lời thản nhiên, vô cảm như vậy.
Cùng ngày hôm đó, một hung thủ 25 tuổi đã tấn công một ngân hàng ở Louisville, tiểu bang Kentucky, dùng súng AR-15 giết chết năm người. Đây là vụ tàn sát thứ 146 trong năm 2023. Chắc chắn không ai muốn bị bắn bằng loại súng tự động thường chỉ dùng ở bãi chiến trường này, các viên đạn nổ tung xé tan xác nạn nhân. Nếu ông Lamberth có lòng từ bi, xin hãy bỏ phiếu cấm loại súng như AR-15, các học sinh sẽ biết ơn ông.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 13.04.2023)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.