Tại Việt Nam, rất nhiều người nhận mình là tín đồ Phật giáo. Họ siêng đi chùa, niệm A di đà và ăn chay vài ngày mỗi tháng, thậm chí ăn chay trường, nhưng họ lại không bao giờ đọc, tìm hiểu về hệ thống giáo lý đạo Phật.
Có thể những thuật ngữ trong kinh điển ví dụ như "Tứ diệu đế", "Bát chánh đạo", "Vô ngã" ... là quá tầm hiểu biết của đại đa số tín đồ. Và cùng với đó là hệ thống tín ngưỡng đa thần ảnh hưởng sâu đậm từ Trung Hoa và vài nền văn hóa khác, đã cho thấy rất nhiều Phật tử đã đi ngược với tôn giáo mà mình đang theo.
Rõ ràng nhất là các lễ hội tại các chùa chiền, đặc biệt ở phía Bắc.
Người ta đi chùa để cầu đủ thứ, từ tiền tài đến sức khỏe, tình duyên, gia đạo... Trong tâm thức họ, Phật Thich Ca và các danh xưng Phật khác y như một thượng đế toàn năng, một vị thần quyền lực có thể ban phát tất cả những cầu xin và cả bằng con đường hối lộ của chúng sinh.
Trong khi đó, ai đọc về đạo Phật, đều phải biết rằng trong giáo lý Phật pháp đã nói rất rõ là "Phật giáo có nguyện nhưng không có cầu xin". Theo kinh sách, Đức Thế Tôn khẳng định: “Ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được”. Và "Các đệ tử muốn có Thiên giới cần phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới. Do vị (đệ tử) ấy thực hành con đường dẫn đến Thiên giới". Vậy muốn giác ngộ đương nhiên phải thực hành để đến giác ngộ.
Thực hành như thế nào? Là Phật tử thì phải tự tìm hiểu điều này, nhưng chắc chắn đó không phải là tranh nhau tóe máu lỗ đầu tại các lễ hội để cướp "lộc" hay đến chùa để cúng sao, thỉnh vong!
Nhưng lỗi này không phải hoàn toàn do người dân, mà do hệ thống chùa chiền tại Việt Nam đã suy đồi, mỗi cái chùa như một cái công ty buôn thần bán thánh. Cứ đến một ngôi chùa thời danh nào đó, ví dụ tại Hà Nội, Sài Gòn mà nghe "giảng pháp và thực hành" thì biết.
* Ngồi ngoài trời lạnh 14 độ C để sư thầy giải hạn sao La Hầu - Ảnh VNN
NGUYỄN ĐÌNH BỔN 03.02.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.