mercredi 4 janvier 2023

Mai Bá Kiếm - Căn cứ gì để xác nhận bé Hạo Nam tử vong ?

 

Sau 4 ngày cả hệ thống chính trị tập trung chỉ huy cuộc đào bới bằng cơ giới hạng nặng, với 300 lượt người cứu nạn thức trắng 3 đêm, lúc 18 giờ 27 tối 04/01/2023, báo chí dẫn lời Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đồng loạt đưa tin bé Hạo Nam đã tử vong ... vắng mặt!

Tất nhiên, ông Bửu chỉ tuyên bố theo kết luận của các đơn vị pháp y, y tế, chính quyền liên ngành, cũng như đánh giá hiện trạng tại vị trí bé trai bị tai nạn và sự đồng ý của gia đình bé Nam.

Thật ra, "vị trí bé Nam bị tai nạn" chưa được định vị: Camera dò trong lòng trụ chỉ thấy bùn, máy dò thân nhiệt không tìm ra. Chưa thấy lời khai của 3 đứa bạn cùng đi khẳng định Nam rơi xuống lỗ trụ, dù camera hiện trường cho thấy 4 đứa đi vô và 3 đứa đi ra, thì Pháp y vẫn "suy đoán lâm sàng", chứ không "chẩn đoán lâm sàng"!

Tôi từng coi xử bắn ở quận 9 cũ. Sau khi đội trưởng đội hành quyết bắn viên ân huệ vào thái dương tử tội, bác sĩ Pháp y phải đặt ống nghe vào động mạch cảnh rồi mới báo cáo thẩm phán chủ trì thi hành án "tử tội đã chết thực thể".

Nếu thực sự bé Nam rơi vào lỗ trụ 25 cm thì cháu không thể sống đến nay. Tuy nhiên, tuyên bố bé Nam tử vong của ông Bửu lúc 18 giờ 27 không thể làm căn cứ ghi ngày giờ chết trên giấy khai tử của bé Nam, mà đó chỉ là cái cớ để không phải gấp rút và bằng mọi giá nhổ trụ cọc lên để giải cứu nữa!

Nếu lỡ mai này nhổ trụ cọc lên mà không có thi thể Nam thì công của cả hệ thống chính trị, hệ thống cứu nạn, hệ thống báo chí coi như dã tràng xe cát biển đông!

Quân đội Hoa Kỳ có kỹ thuật tối tân nhất thế giới về tiếp viện, tiếp vận, tải binh sĩ thương vong và giải cứu tù binh trong lòng địch, song họ rất cẩn trọng trong báo cáo tổn thất nhân mạng.

Lính Mỹ đeo dây chuyền inox, móc vào 2 thẻ bài (ghi tên họ, số quân và nhóm máu). Nếu lính Mỹ chết trận mà không thể lấy xác được, sĩ quan trung đội trưởng phải bứt 1 thẻ bài mang về báo cáo tử vong, thẻ bài còn lại được nhét vào miệng tử sĩ (sau khi xác chết phân hủy, đốt sống cổ rời ra sẽ bị nước mưa hay thú rừng đem đi một nơi, thẻ bài nằm một nơi).

Nếu quân Mỹ thua trận, chạy làng, không kịp lấy 1 thẻ bài của tử sĩ, cho dù cả trung đội làm chứng thấy lính đó chết, nhưng quân đội Mỹ vẫn ghi "mất tích". Sau hơn 40 năm chiến tranh, Chính phủ Mỹ vẫn hợp tác với Việt Nam tìm hơn 1.000 quân nhân mất tích trong chiến tranh (M.I.A) ở các chiến địa xưa. Chỉ sau khi tìm được hài cốt và giám định D.N.A đúng, quân đội Mỹ mới chuyển "quân nhân mất tích" đó thành tử sĩ.

P/S: Đầu tháng 12/1972, tôi cùng 10 sinh viên sĩ quan đại đội 34 - khóa 3/72 Thủ đức (chờ chuyển qua Không quân) đi gác quan tài Châu Minh Nhạn (tử trận khi đi chiến dịch). Tại Nghĩa trang Quân đội Biên hòa, có một quan tài đề tên tập thể "Phi hành đoàn C.47". Tôi hỏi, trung úy Liên đội trưởng Chung sự giải thích "Lính bộ binh đi hành quân trong rừng gặp xác phi cơ AC.47 và 5 cái sọ và xương nằm rải rác quanh đó, cách xa các thẻ bài, nên không biết sọ nào của ai, bèn liệm chung một hòm, chờ Không quân xác định là phi vụ nào.

Tất nhiên, khi bị bắn rơi, phi hành đoàn đâu có nhớ bỏ thẻ bài vô họng mình. Từ đó, tôi rất phục quân đội Mỹ có trách nhiệm chu đáo với lính tử trận!

MAI BÁ KIẾM 04.01.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.