Hôm 5.12, báo chí mậu dịch thông tin việc chính quyền Hà Nội sau rất nhiều bàn tính, nâng lên đặt xuống, đã quyết định dỡ bỏ hàng rào bao quanh công viên Thống Nhất.
Dư luận báo chí quốc doanh coi đó là sự đổi mới, đột phá, tiến bộ, cởi mở, là điều đáng khen ngợi.
Nếu Hà thành lịch sử cổ xưa có biểu tượng nổi tiếng hồ Gươm, thì thời hiện đại công viên Thống Nhất xứng đáng được coi là “logo” của Hà Nội dưới chế độ mới. Suốt một thời gian dài, tôi chứng kiến và luôn nghe nói, rằng cứ đến Hà Nội, về Hà Nội, thăm Hà Nội… là người ta quyết đi chơi công viên Thống Nhất bằng được, chứ không phải viếng lăng như sau này.
Công viên Thống Nhất có lai lịch khá hay, ai muốn biết cứ vào Gu gồ gõ mấy chữ “công viên thống nhất” thì đọc mệt nghỉ. Chỉ vắn tắt rằng nó được khởi công năm 1958, hoàn thành giữa năm 1961.
Khi ấy tôi còn bé tí, đang học lớp vỡ thình, nghe người nhớn kể về nó, chỉ ao ước sau này có dịp lên Hà Nội sẽ đi chơi công viên Thống Nhất. Ao ước ấy chẳng giống văn mẫu phần kết luận các bài văn nghị luận “là thanh niên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, em ước nguyện sau này sẽ đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần”. Mà cái mở bài cũng na ná, một trăm đứa thì cả trăm đều bắt đầu bằng “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, phá Tống bình Nguyên diệt Minh đạp Thanh đánh Pháp. Đó là truyền thống quý báu của ta”.
Ôi giời, giờ cứ mắng thầy cô giáo dạy văn mẫu, học trò học văn mẫu, chứ ngày xưa còn quá, thời nay phải tôn bằng cụ. Cái nền giáo dục xứ ta trong bàn tay nhào nặn của chế độ xã hội chủ nghĩa suốt hai phần ba thế kỷ hầu như chỉ tạo được mấy thứ danh hão, kiểu thi toán quốc tế, gà chọi, thiếu thực chất, thậm chí thụt lùi, nói theo kiểu của Vũ Hạnh, là “ngôi trường đi xuống”.
Hôm trước, ngồi với nhau buôn dưa lê, có mấy người khen chữ viết của các cụ học thời Pháp đều đẹp và giống nhau chằn chặn, vừa chuẩn dễ coi, vừa nghệ thuật quyến rũ, dù học bất cứ thầy nào trường nào từ nam chí bắc. Một bậc đàn anh bảo đấy là thứ di sản hãnh diện cho tới nay chưa ai dám phủ nhận nhưng cũng chửa thấy cơ quan nhà nước có trách nhiệm về văn hóa giáo dục lên tiếng chính thức ghi nhận, rất buồn.
Tôi buột miệng, chỉ mong ngày nào đó những đứa đi học ở xứ mình lại có được cái nếp chữ đẹp ấy, lại được như cha ông. Nét chữ bộc lộ tài năng, phẩm chất con người. Ông bạn ngồi cạnh nhéo tôi một cái rõ đau, cười, mày đừng có mơ. Lại nhớ hôm rồi, trên mạng xã hội lan truyền lá thư mấy trang giấy của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim gửi cụ Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Chữ thế nào, người thế vậy. Bâng khuâng tiếc nuối nền giáo dục chuẩn mực xưa. Vang bóng một thời.
Đang nói chuyện công viên, lại sa đà vào giáo dục. Vâng, công viên Thống Nhất của thủ đô cũng trầm luân khổ ải không khác chi người. Tồn tại được 19 năm mang danh Thống Nhất, cái tên cực kỳ ý nghĩa, gắn bó với nhiều thế hệ, tới năm 1980 nó bị đổi phắt thành công viên Lê Nin.
Giống như vườn hoa Paul Bert ven hồ Gươm, cạnh đường Đinh Tiên Hoàng, sang chế độ mới đổi thành vườn hoa Chí Linh, đang yên đang lành lại “được vinh dự mang tên” Indira Gandhi (năm 1984). Cứ tưởng thế là xong, 20 năm sau, chính quyền dán cho nó nhãn mới - công viên Lý Thái Tổ, bởi có tượng cụ Lý ngự ở đó, bà Găng Đi phải cắt hộ khẩu KT3 về khu hồ Thành Công quận Đống Đa.
Thống Nhất thành Lê Nin, núp bóng cụ Nin tưởng vững bền vạn đại, ai dè tới năm 2003 hồi danh, lại về tên cũ Thống Nhất. Còn đồng chí Lê Văn Nin, tuy có tượng, có chỗ ở mới ven đường Điện Biên Phủ nhưng thời thế đổi thay, tên tuổi đã nhạt, chìm dần vào lãng quên, chả mấy ai nhớ tới nữa. (Còn tiếp, phần sau mới hay)
NGUYỄN THÔNG 08.12.2022
Ảnh: Đi chơi công viên Thống Nhất hồi những năm cuối thập niên 70 (ảnh tư liệu/internet)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.